Hậu Giang:
Hàng trăm học viên y tế bất ngờ khi bị báo nợ học phí
(Dân trí) - Theo chương trình học, các học viên y tế đang theo học chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng được tỉnh Hậu Giang hỗ trợ 100% học phí nhưng mới đây hàng trăm học viên này bất ngờ nhận tin báo nợ tiền học phí.
Những học viên này là viên chức y tế đang công tác tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được cử đi học theo chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng trình độ ĐH, sau ĐH tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ.
Tiếp xúc với PV Dân trí, các học viên cho biết họ hết sức bất ngờ trước quyết định của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang khi yêu cầu các học viên đóng học phí bởi trước đó theo đề án thì họ được hỗ trợ 100% khoản này.
Theo đó, ngày 10/5/2013, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang có công văn gửi Trường ĐH Y dược Cần Thơ về việc thông báo nợ học phí của các học viên tỉnh Hậu Giang đào tạo theo địa chỉ sử dụng từ năm 2009 - 2012. Trong công văn có nêu rõ, số tiền học phí các học viên còn nợ là 6,378 tỷ đồng, Sở Y tế sẽ tiếp tục thu trong tháng 5/2013. Nay Sở y tế tỉnh Hậu Giang thông báo đến Trường ĐH Y dược Cần Thơ danh sách học viên còn nợ đến nay, nhờ trường thông báo đến các học viên đóng dứt điểm trong tháng 5/2013 tại Sở Y tế tỉnh, thời gian đến hết ngày 31/5/2013. Nếu quá thời hạn trên, Sở Y tế sẽ không chịu trách nhiệm về việc thu học phí.
Khẳng định với PV Dân trí, nhiều học viên đang theo học tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết, khi đọc được thông báo trên, các học viên tỏ ra rất hoang mang. Bởi theo các học viên, trước đó tiền học phí là do tỉnh chi trả, họ chỉ có nhiệm vụ đi học.
Học viên Đ.T.B. (trúng tuyển năm 2011, đang công tác tại một bệnh viện ở Hậu Giang) cho biết, trước khi đi học, tỉnh có yêu cầu các học viên viết cam kết sau khi học xong sẽ quay về phục vụ cho tỉnh, các học viên đều thực hiện việc này. “Khi trúng tuyển đi học, tỉnh cũng không hề nhắc đến việc các học viên phải đóng học phí nên anh em đều rất phấn khởi đi học để nâng cao trình độ”, anh B. nói.
Theo anh B., năm học thứ nhất hoàn thành, không thấy ai nhắc đến tiền học phí và qua tìm hiểu được biết tỉnh đã chi trả cho trường, còn trả bằng cách chuyển khoản hay đóng trực tiếp thì họ không rõ. “Năm thứ nhất, tiền học phí của tôi và nhiều học viên khác là 12 triệu đồng, nhưng sang năm thứ hai lên 14 triệu đồng và bất ngờ bị tỉnh thông báo nợ rồi kêu đóng khiến các học viên như chết đứng”, anh B. bức xúc.
Trường hợp của anh B. như “ngồi trên đóng lửa” bởi không chỉ có anh mà còn có vợ anh đang học cùng cũng bị kêu đóng học phí, bởi thế số tiền vợ chồng anh phải đóng là 28 triệu đồng. “Lương của hai vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm lắm chỉ đủ xoay sở cho hai vợ chồng và đứa con nên không biết xoay đâu ra con số gần 30 triệu đồng để trả tiền học phí nữa”, anh B. nói như mếu.
Chị L.T.H. (vợ anh B.) nói thêm: “Nếu biết thế này thì lúc đầu đã không đi học, chứ giữa chừng bỗng dưng bị nợ nần thì khổ quá”. Nhiều học viên khi PV tiếp xúc cũng bày tỏ những khó khăn và không đồng tình với cách hành xử của ngành y tế tỉnh.
Học viên T. H. G. (trúng tuyển năm 2011) cho biết, chị đã công tác tại một bệnh viện ở Hậu Giang đã 6 năm nhưng lương mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. “Năm học 2011 - 2012, số tiền học phí của tôi là 12 triệu đồng, tỉnh đóng đủ. Không hiểu sao sang năm thứ hai, số tiền tăng lên 14 triệu đồng thì tỉnh lại báo nợ rồi yêu cầu chúng tôi đóng tiền học phí khiến chúng tôi rất lo lắng bởi con số cả chục triệu đồng so với chúng tôi không phải là nhỏ”, chị G. cho biết.
Còn học viên N.V.T. (trúng tuyển năm 2010) cho hay, lúc đầu khi biết tỉnh hỗ trợ học phí đi học nên anh cũng tham gia và trúng tuyển khóa 2010 - 2014. Hai năm học đầu được tỉnh hỗ trợ đàng hoàng nhưng nay bỗng dưng lại có thông báo phải đóng học phí ở năm học này khiến anh cũng gặp khó khăn. Theo anh T., nếu tỉnh đã cử đi học thì cần dự trù khoản kinh phí hoặc nói từ đầu để các học viên tính toán chứ giữa chừng kiểu này thì khác nào đẩy các học viên vào thế lửng lơ khó đỡ.
Theo tìm hiểu của PV, mỗi năm tỉnh Hậu Giang có viên chức trúng tuyển theo học chương trình này trung bình khoảng 50 học viên. Từ 2009 - 2012 thì con số học viên đang theo học trung bình trên 200, thậm chí cao hơn. Do đó, hàng trăm học viên này đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn vì đa số hoàn cảnh không mấy dư giả nên số tiền học phí mà họ bị yêu cầu đóng là quá khả năng.
Cũng theo các học viên, không chỉ “bỗng dưng” bị nợ học phí mà trước đó, các học viên còn bị cắt chế độ công lệnh. Anh B. cho biết, mỗi một năm học, các học viên được thanh toán công lệnh 2 đợt (mỗi đợt khoảng 750.000 đồng) do bệnh viện nơi các học viên công tác chi trả. Tuy nhiên, cuối học kỳ 1 vừa qua, họ đã bị cắt khoản này mà phía cơ quan không nói rõ lý do là vì sao.
Trò chuyện với PV, các học viên cho biết, thông báo nợ học phí của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đúng ngay lúc gần thi học kỳ 2 nên các học viên đều rất lo lắng.
Trao đổi với PV Dân trí xung quanh vụ việc trên vào trưa nay 28/5, ông Võ An Ninh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang xác nhận, Sở có văn bản về việc nợ tiền học phí của các học viên đang học tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nhưng đây chỉ là thông báo để các học viên biết.
Theo ông Ninh, trước đây tỉnh được dự án về y tế nông thôn ĐBSCL hỗ trợ nguồn kinh phí đào tạo ĐH và sau ĐH cho các viên chức y tế theo địa chỉ sử dụng. Theo đó, các học viên được hỗ trợ 100% học phí. Dự án này kéo dài đến cuối năm 2011 thì kết thúc, do đó tỉnh không còn được hỗ trợ theo nguồn này nữa, bởi thế nguồn kinh phí đề án cử viên chức y tế đi học của tỉnh cũng hết. Từ năm 2012, các đối tượng đi học theo địa chỉ sử dụng không được chi từ nguồn của tỉnh nữa.
Ông Ninh cho rằng, trước mắt, các học viên sẽ phải bỏ tiền túi ra để đóng học phí đã học trong năm này cho trường. Và để giải quyết những khó khăn của các học viên, Sở sẽ có văn bản gửi Trường ĐH Y dược Cần Thơ đề nghị trường cho dãn thời gian đóng học phí để giảm áp lực cho các học viên trong thời gian chuẩn bị thi cử.
“Chúng tôi cũng đang hoàn thành đề xuất gửi UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho đề án này. Dự kiến giữa tháng 6/2013 sẽ có kết quả. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho các học viên như thế nào thì còn tùy thuộc vào quyết định của UBND tỉnh. Tỉnh đồng ý cho bao nhiêu thì sẽ hỗ trợ cho các em bấy nhiêu”, ông Ninh nhấn mạnh.
Huỳnh Hải