Quảng Bình:
Hàng trăm học sinh khá, giỏi vẫn trượt lớp 10
(Dân trí) - Trước tình trạng hàng trăm học sinh học khá, giỏi vẫn không trúng tuyển vào lớp 10, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo giải quyết, không để học sinh tốt nghiệp THCS phải nghỉ học vì không có trường lớp.
Ngày 16/7, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, đã có thông báo kết luận và những chỉ đạo của ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này liên quan đến những bất cập trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn. Những bất cập này trước đó đã khiến rất nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng, bức xúc.
Cụ thể trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10A THPT năm học 2021-2022, Quảng Bình đã chọn phương án tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển. Thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường mà mình yêu thích, nếu không trúng sẽ tiếp tục nộp nguyện vọng 2 vào các trường học khác.
Thế nhưng nhiều trường học tại Quảng Bình sau khi tuyển sinh hết nguyện vọng 1 thì không còn chỉ tiêu cho nguyện vọng 2. Trường còn nguyện vọng 2 thì chỉ tiêu cũng rất ít.
Điều này kéo theo việc nhiều học sinh mặc dù có lực học khá, giỏi, điểm thi cao nhưng không thể đậu nguyện vọng 1 vào trường yêu thích cũng chẳng thể xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường khác vì đã hết chỉ tiêu.
Trước thực trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Bình cũng đã có đề nghị giao bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã tiến hành họp bàn giải quyết sự việc.
Ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kết luận, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022 diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, có nhiều đổi mới sáng tạo, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn phát sinh vấn đề bất cập, hạn chế cần giải quyết.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Bình, sau khi tuyển sinh sơ bộ, bước đầu tổng hợp thấy có hàng trăm học sinh học lực giỏi, khá và có kết quả thi tốt, có nguyện vọng chính đáng vào học trường THPT nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển. Trong khi đó, một số lượng học sinh có kết quả học tập trung bình, thi đạt kết quả thấp trúng tuyển.
Sự bất cập này gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục THPT, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương phân luồng giáo dục, gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân một phần là do phụ huynh, học sinh có tâm lý thiên lệch trong việc chọn trường, tập trung đăng ký tuyển sinh vào các trường tỷ lệ chọi cao, trong khi không đánh giá đúng khả năng, năng lực của bản thân học sinh và hình thức tuyển sinh.
Mặt khác, các học sinh sau khi không trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp vẫn được xét tuyển nguyện vọng 1 tại các trường khác, do đó phát sinh vấn đề không lường trước.
Để giải quyết vấn đề bất cập trên, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan nghiên cứu, tổng hợp chính xác nhu cầu phát sinh trên cơ sở các quy định hiện hành, rà soát lại mạng lưới trường, lớp học, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nghiên cứu các quy định về định biên, biên chế giáo viên, định mức về số lớp học, các quy định về phân luồng giáo dục phổ thông để đề xuất cụ thể, không để trường hợp học sinh nào sau tốt nghiệp THCS phải nghỉ học vì không có trường lớp.
Thực hiện tăng sỹ số lớp học ở một số trường có đông thí sinh chưa trúng tuyển lên 45 học sinh/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT để tạo điều kiện cho những học sinh có nguyện vọng và đủ tiêu chuẩn phù hợp vào học các trường THPT; xem xét, đề xuất bổ sung lớp ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Đồng Hới có đủ điều kiện về biên chế giáo viên, cơ sở vật chất theo quy định. Việc giao bổ sung lớp học không được phát sinh biên chế, thay đổi quy mô trường lớp và ngân sách đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo, việc đề xuất phát triển lớp học và số lượng học sinh tuyển sinh bổ sung cần nghiên cứu đảm bảo chủ trương phân luồng giáo dục của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện tỷ lệ phân luồng năm học 2021-2022 không được thấp hơn tỷ lệ phân luồng năm học 2020-2021. Đồng thời, cần tính đến lộ trình tỷ lệ phân luồng đến năm 2025.