"Hàng nghìn hồ sơ toàn điểm 10 là bình thường": Có thật sự bình thường?
(Dân trí) - PGS Văn Như Cương buồn và vô cùng ngạc nhiên khi Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng 1.000 hồ sơ có điểm tuyệt đối cả hai môn Toán và Tiếng Việt ở trường Lương Thế Vinh là "chuyện hoàn toàn bình thường".
Sở GD&ĐT Hà Nội: "Hàng nghìn hồ sơ toàn điểm 10 là bình thường"
Mới đây, câu chuyện cả nghìn hồ sơ nộp vào lớp 6 đều "đẹp không tì vết" được PGS Văn Như Cương - Chủ tịch hội đồng quản trị trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Cụ thể, PGS Văn Như Cương cho biết mùa tuyển sinh 2015-2016 và 2016-2017, trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 1.000 (trong số 4.000 hồ sơ) có toàn điểm 10 ở cả hai môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Theo ông, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2015 khi Bộ GD&ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6, thay vào đó là tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Thông tin này gây nhiều tranh luận và suy nghĩ về thực trạng chất lượng giáo dục tiểu học.
Về câu chuyện "nóng" dư luận những ngày qua, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, hai năm gần đây, số lượng học sinh đạt điểm 10 môn Toán ở mỗi khối đều trên 35.000 em, môn Tiếng Việt là trên 20.000 em. Tuy không phải tất cả các em đạt điểm 10 Toán sẽ đạt 10 Tiếng Việt, nhưng trong số này lượng học sinh giỏi đều cả Toán và Tiếng Việt là không nhỏ.
Báo Vietnamnet dẫn lời đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định hiện đang áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và ở tất cả các vùng miền, kể cả thuận lợi cũng như khó khăn. Việc học sinh ở các quận nội thành và các khu vực trung tâm (là những khu vực có điều kiện sinh hoạt, học tập thuận lợi) không những đạt chuẩn mà còn vượt chuẩn so với quy định của Bộ GD&ĐT là chuyện dễ hiểu.
Vì vậy, 1.000 hồ sơ có điểm tuyệt đối cả hai môn Toán và Tiếng Việt ở trường Lương Thế Vinh là chuyện bình thường. Hơn nữa, nộp hồ sơ vào trường Lương Thế Vinh là học sinh của 100 trường tiểu học ở tất cả các quận huyện, thậm chí có các huyện mới sáp nhập như Hoài Đức, Thanh Trì…
“Người ta cố tình không thấy chuyện ấy là bất thường”
“Đáng buồn là chuyện bình thường ấy tôi tưởng giáo viên biết, phụ huynh biết, quản lý giáo dục các cấp các ngành cũng phải biết điểm số đó không thực chất, không phản ánh đúng năng lực học sinh”, PGS Văn Như Cương thẳng thắn.
Theo ông, để tìm ra một học sinh khi nào cũng đạt 10 điểm tuyệt đối môn Văn suốt 5 năm liên tục bậc Tiểu học trong cả nước cũng đã khó mà theo thông tin của Sở GD&ĐT Hà Nội thì toàn cấp tiểu học có đến hơn 100 nghìn em đạt 10 điểm tiếng Việt mỗi năm học.
“Chuyện ấy đáng lý ra phải không bình thường, thế mà ở đây các ông nói là bình thường. Trước đây chuyện 1000 hồ sơ nộp vào trường toàn điểm tuyệt đối tôi đã ngạc nhiên nay lại càng ngạc nhiên hơn nữa. Trong khi đó, tháng 9/2016 vừa qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng giáo dục tiểu học của chúng ta sau cả Lào. Chúng ta có biết bao nhiêu học sinh giỏi mà lại xếp sau như vậy?”, PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi.
Phụ huynh chen lấn mua hồ sơ vào lớp 6 tại trường THCS Lương Thế Vinh, Hà Nội.
"Tôi nhớ câu chuyện ở một trường nọ, cả trường có 231 em thì 230 em đạt học sinh Giỏi, chỉ một em đạt Khá. Tôi biết người ta cố tình không thấy chuyện ấy là không bình thường. Đó là điều thực sự đáng buồn", thầy Cương trăn trở.
Theo ông, đều quan trọng nhất hiện nay là làm sao khôi phục được cách đánh giá năng lực học sinh chuẩn để điểm số phản ánh thực chất mức độ học của các em.
Đơn cử như ở trường Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương cho biết, rất nhiều em tuyển vào trường có hồ sơ, học bạ "khủng" suốt 5 năm tiểu học nhưng khi học xong học kỳ 1, trường cho làm bài kiểm tra năng lực thì điểm cực kì kém. Trong khi đó, một số em điểm đầu vào có thể không cao bằng nhưng khi kiểm tra năng lực thì lại đạt Khá, Giỏi. Nguyên nhân là các em này không chạy điểm để làm đẹp hồ sơ tuyển đầu vào.
Ngoài chạy điểm, giờ nhiều phụ huynh chạy cả giải thưởng, giấy chứng nhuận, huân chương đủ thể loại để con được cộng điểm ưu tiên. Dù cho năng lực của các em chưa xuất sắc, dù cho các em chưa có khả năng/ năng khiếu ở môn nghệ thuật, thể thao nhưng phụ huynh vẫn tìm cách để "chạy" nhằm được cộng điểm gây ra nhiều tiêu cực.
PGS Văn Như Cương kể những câu chuyện dở khóc, dở cười về căn bệnh thành tích của phụ huynh: Có ông bố mang đến trường tôi huy chương vàng của con đạt được trong một cuộc thi hát. Nhà trường tìm hiểu mới biết em thuộc đội đồng ca có 75 học sinh tham dự và 75 em này đều được huy chương vàng. Một phụ huynh khác dùng 10 triệu đồng để mua huy chương vàng giải bơi lội cho con, nhưng nhà trường phát hiện em này không hề biết bơi, thậm chí rất sợ nước… Theo PGS Văn Như Cương bất cập này một phần đến từ quyết định cấm thi tuyển vào lớp 6.
"Chúng ta cố tình không thấy căn bệnh thành tích và những tiêu cực. Điều đó làm việc đánh giá sức học và kết quả giáo dục bị sai lệch", PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Liên quan những câu chuyện đáng suy nghĩ về giáo dục tiểu học, TS Lương Hoài Nam mới đây dẫn lại bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 9/2016.
WEF xếp hạng giáo dục tiểu học theo thang điểm từ một (kém nhất) đến 7 (tốt nhất). Việt Nam xếp thứ 92 (3,4), đứng sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan (3,5, xếp thứ 90), Lào (3,5, xếp thứ 89), Philippines, (3,9, xếp thứ 75), Indonesia (4,3, xếp thứ 54), Brunei (5, xếp thứ 26), Malaysia (5,1, xếp thứ 23), Singapore (6,1, xếp thứ 4).
Theo thống kê của Sở GD&ĐT toàn cấp tiểu học với 5 khối lớp năm học 2015 - 2016, số học sinh đạt điểm 10 bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán là 247.514, môn Tiếng Việt là 143.570 trên tổng số 617.181 học sinh. Trước đó, năm 2014-2015, số học sinh đạt điểm 10 môn Toán là 264.207; môn Tiếng Việt là 167.306 trên tổng số 584.421 học sinh. Theo báo cáo hai năm gần đây, tỷ lệ được 10 điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Tiếng Việt dao động khoảng từ 20% - 25%, môn Toán vào khoảng 45%. |
Lệ Thu