Hằng "Mắm ruốc" và câu chuyện về người thầy
Chia sẻ về quá trình đi học và lập nghiệp, đối với Hằng, một trong những may mắn chị có được đó chính là gặp được nhiều người thầy, người cô rất đặc biệt. Mỗi người thầy dạy đem đến cho tôi những bài học quý báu trong việc học hành, khởi nghiệp và trong cuộc sống để trở thành Đào Thị Hằng như hôm nay.
Đào Thị Hằng hay Hằng mắm ruốc không phải cái tên xa lạ trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Úc Châu về một cô gái sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở vùng đất Quảng Trị bằng những nỗ lực và quyết đoán của mình đạt được những thành công đáng nể trên con đường học vấn khi giành học bổng tại Úc và khởi nghiệp với quyết định khá táo bạo – bỏ học bổng tiến sĩ để phát triển thương hiệu nước mắm “Mắm thuyền nan” trên chính quê hương mình.
Hãy cùng nghe Hằng chia sẻ về những người thầy có sức ảnh hưởng đối với con đường đi đến thành công của mình.
“Tiếng Anh là cần câu cơm- Cần câu cơm là tiếng Anh”
Chia sẻ về quá trình đi học và lập nghiệp, đối với Hằng, một trong những may mắn chị có được đó chính là gặp được nhiều người thầy, người cô rất đặc biệt. Mỗi người thầy dạy đem đến cho tôi những bài học quý báu trong việc học hành, khởi nghiệp và trong cuộc sống để trở thành Đào Thị Hằng như hôm nay.
Một trong những kỷ niệm bước ngoặt đầu tiên trong đời tôi là về người Thầy Bùi Xuân Tín, giáo viên chủ nhiệm ở ĐH Nông Lâm Huế. Trong 3 năm làm chủ nhiệm lớp ĐH, thầy duy nhất chỉ tham gia họp lớp một lần vào đầu năm.
Trong buổi họp lớp đó thầy chỉ căn dặn hai điều: giỏi chuyên môn mình sẽ làm việc sau này và giỏi tiếng Anh. Thầy ghi lên bảng một dòng duy nhất: “Tiếng Anh là cần câu cơm – Cần câu cơm là tiếng Anh”. Giải thích xong, thầy xách cặp về và từ đó đến ngày tốt nghiệp, thầy không tham gia một buổi họp lớp nào nữa.
Năm 2007, tôi có cơ hội sang Nhật Bản nhưng vốn tiếng Anh còn non yếu lúc đó, lạc đường mà không biết làm sao để hỏi được đường về. May mắn các thầy lo xa bằng cách ghi số điện thoại của thầy ở bảng tên đeo trước ngực. Mình lật ngược bảng tên đưa cho người đi đường và nhờ họ gọi điện thầy đến đón về. Lúc đó mình cảm thấy bí bức lắm và quyết tâm học tiếng Anh lại từ đầu.
Về đến nhà, gặp thầy chủ nhiệm và nói với thầy: “Em muốn đi du học vì em cảm thấy những cái em cần học nó đang ở ngoài kia, em muốn học những cái mà không được dạy ở trường. Em có cảm giác em muốn biết những cái mới ở môi trường khác. Em muốn đi du học thì phải làm như răng thầy?”
Thầy đưa cho tôi một bài nghe, một file mp3 về đề tài giáo dục nhưng không đưa file chữ nội dung. Thầy nói về nghe đi rồi đánh máy ra những gì tôi nghe được. Tôi đem về nghe 3 ngày mới được 70% và bắt đầu học như vậy.
Nhưng học tiếng Anh nghiệt ngã lắm, cứ như bơm lốp xe đạp, bơm lên đi một thời gian là nó lại xẹp xuống. Mỗi lần xẹp hơi như vậy là mình lại đạp xe đạp qua nhà thầy, nói: “Em đuối lắm rồi thầy ơi, học không vô mà nghe cũng không lên”.
Thầy bắt đầu “bơm hơi” cho tôi bằng cách kể những câu chuyện hồi trước thầy đi học thạc sĩ ở Thái Lan như thế nào, thầy kể về những người bạn học của thầy. Thầy đưa quyển khóa luận tốt nghiệp thạc sĩ ra cho mình coi, thấy nhiều chữ tiếng Anh lắm. Như truyền cảm hứng, tôi bắt đầu nghĩ về tương lai của mình ở phía trước: được đi học và có những người bạn thú vị và được giỏi như thầy.
“Thầy là người truyền cho miềng động lực học tiếng Anh và đi du học. Thầy là người đốt đuốc, gieo mầm cho miềng cố gắng”. Vậy đó, bài học tôi rút ra là khi mình thực sự khát khao, mong muốn một điều gì đó, hãy nói với người thầy của mình. Người thầy giỏi là người thầy có khả năng truyền cảm hứng, làm chỗ dựa và nâng đỡ tinh thần của mình, giúp mình đạt được điều mong muốn.
Người thầy và bài học về sự tử tế
Sau khi được học bổng Năng lực lãnh đạo của chính phủ Úc, tôi lên đường với niềm tin rằng: mình thích học và sẽ học tốt cùng sự tự tin với vốn tiếng Anh đã được dày công tích lũy suốt hơn mười năm. Nhưng đời không như mà mơ!
Việc đi du học không đẹp mộng mơ như tưởng lúc còn ở nhà vì hầu như tôi không hiểu được các bài giảng trên lớp?
Cứ đến buổi giảng bài, tôi chỉ biết câm nín ngồi nhìn thầy nói và các bạn trong lớp liên tục giơ tay đặt câu hỏi và thảo luận. Tôi thì thậm chí còn chưa hiểu thầy nói cái gì, bạn hỏi cái gì, nên chẳng thể tham gia thảo luận được.
Cảm thấy bị cô lập, tự ti, bỏ rơi phía sau, tôi cảm thấy nghi ngờ vào năng lực học của chính bản thân mình. Tôi quyết định đến gặp giáo viên chủ nhiệm, tên là Jackie Venning, người đã giúp tôi trong quá trình xin thư nhập học và học bổng trước đó.
Khi nghe tôi tâm sự, cô đặt hai tay vào vai tôi và nói: “Hằng, cô hiểu, em hãy bình tĩnh, cô hiểu những khó khăn em đang đối mặt. Ngay với một sinh viên bản địa, dùng tiếng Anh là ngôn ngữ bản xứ thì các bạn cũng gặp rất nhiều khó khăn với chương trình học thạc sỹ. Cô làm việc này rất nhiều năm nên cô hiểu và có kinh nghiệm để giúp em vượt qua việc này. Do vậy việc em gặp khó khăn là chuyện bình thường và cô sẽ giúp em vượt qua”.
Cô đưa mình sang trung tâm chuyên hỗ trợ sinh viên sinh viên quốc tế găp khó khăn về ngôn ngữ, phương pháp học, cách quản lý thời gian, toán, tin học…cho các sinh viên trong trường. Đặc biệt là sinh viên quốc tế năm đầu tiên. Những người già về hưu, sinh viên người Úc trong trường cũng đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ sinh viên quốc tế giao tiếp tốt tiếng Anh bằng cách kết nối để hai người có thể thiết lập mối quan hệ để trao đổi và trò chuyện với nhau.
Lúc đó mình gặp thầy Peter là tình nguyện viên của trung tâm. Ông là giáo viên tiếng Anh đã về hưu. Thầy Peter đã giúp mình rất nhiều không những trong việc cải thiện khả năng tiếng Anh, mà quan trọng hơn, Peter giúp miềng hiểu được sự khác nhau giữa môi trường học thuật phương Đông và phương Tây, những khó khăn của một sinh viên châu Á thường gặp phải và cách để vượt qua được khó khăn đó.
Sau một thời gian với sự giúp đỡ của thầy Peter, mình mới hiểu ra lý do tại sao thầy và các bạn nói mình không hiểu và mình nói cũng chẳng ai hiểu, đó là do vốn phát âm mình chưa được học bài bản từ đầu. Thầy Peter kiên trì giúp mình chỉnh lại cách lấy hơi từ bụng, cách đặt vị trí răng, môi và lưỡi để phát âm được chính xác từng từ một. Ông cẩn thận chỉnh sửa các lỗi ngữ pháp và cách dùng từ cho tất cả các bài viết, bài luận và bài báo khoa học mình viết, nhờ đó kỹ năng viết của mình chắc lên dần dần.
Điều mình nhận ra từ sự giúp đỡ của thầy Peter là: “Nếu muốn giúp đỡ một ai đó, đưa cho người ta phương pháp và hướng dẫn chưa đủ, mà quan trọng là bắt tay chỉ việc, kèm cặp tận tình một thời gian đủ dài thì người được giúp mới làm được việc. Lúc đó, sự giúp đỡ mới có hiệu quả. Dù phương pháp có mới và có hay đến mấy, mà chỉ hướng dẫn chứ không bắt tay chỉ việc đủ lâu thì người được giúp khó mà làm được. Mình áp dụng điều này với học trò của mình và thấy rất hiệu quả”.
Một điều nữa mà thầy Peter giúp mình nhận ra là sự khác biệt giữa văn hóa đời sống và học thuật giữa phương Đông và phương Tây chính là sự chủ động. Từ nhỏ mình vốn có tính tự lập, nhưng thực sự hiểu và thấm ra được sự chủ động có lẽ là điều hữu ích nhất trong quá trình du học của mình.
Sự chủ động giúp mình vượt qua được rào cản của sự sợ hãi và được là chính mình, nói ra được điều mình mong muốn. Vợ của thầy Peter là người Trung Quốc nên ông hiểu về văn hóa Á Đông: luôn kín đáo, dè dặt trong mọi việc và thường gặp khó khăn trong việc bộc lộ được cảm xúc, diễn đạt được suy nghĩ và ý kiến của mình.
Thầy Peter là người thầy dạy cho mình bài học về sự tử tế, chu đáo của một người thầy khi giúp học trò mình đi đến đích.
Câu chuyện khởi nghiệp – Hãy can đảm !
Không vận hành một NGO cho thương hiệu mắm, Hằng xem kinh doanh là con đường, là phương tiện giúp Hằng thực hiện mục đích của mình: giữ gìn và phát triển văn hóa mắm vì Hằng tin đó là cái gốc của phát triển bền vững.
Do vậy, thay vì vận hành một NGO (tổ chức phi chính phủ), Hằng chọn kinh doanh làm phương tiện để giúp Hằng đạt mục đích của mình một cách lâu dài và bền vững. Và trên con đường đó, Hằng có duyên được gặp nhiều người bạn tốt, có chung tư tưởng. Từ đó, Hằng học được nhiều bài học quý báu để phát triển bản thân để sống vui vẻ, an bình và hạnh phúc.
Cái Hằng muốn chia sẻ là khi làm việc gì thì hiểu thấu đáo tại sao mình làm và có sự can đảm để làm điều đó. Mỗi lúc gặp khó khăn, Hằng dừng lại và kết nối với trái tim, tâm hồn mình để hiểu tại sao mình làm và có can đảm để làm điều đó. Sự can đảm dám làm điều mà mình không chắc chắn là nó sẽ thành công hay thất bại chính là thước đo sự trưởng thành của tâm hồn, nội tâm của mỗi người.
Do vậy đứng trước những quyết định, những khó khăn, hãy kết nối với phần sâu thẳm trong tâm hồn mình để hiểu được tại sao mình làm, mình làm vì cái gì để nuôi dưỡng sự can đảm của mình.
Đi hay ở
Câu chuyện trở về hay ở lại gần đây được đề cập đến rất nhiều gần đây. Còn đối với Hằng, Hằng tâm niệm cứ để mọi việc thuận tự nhiên. Nếu học xong các bạn muốn về, các bạn sẽ về. Các bạn muốn ở lại, các bạn cứ ở lại. Suy cho cùng mỗi người nên sống trọn vẹn cuộc đời của chính mình, trước khi sống cho gia đình, cho cộng đồng và cho đất nước. Cuộc sống vốn đa dạng để mỗi người trải nghiệm nó, nên Hằng nghĩ chúng ta nên tôn trọng quyết định của mỗi cá nhân.
Bản thân Hằng cũng vậy, khi Hằng cảm thấy việc phát triển con đường học thuật như vậy là đủ cho Hằng, Hằng dừng lại để áp dụng những điều Hằng được học về phát triển bền vững vào thực tế để xem nó vận hành như thế nào, từ đó rút ra được những bài học cho chính bản thân mình, để hoàn thiện mình. Quyết định về lập nghiệp trên quê hương nó xuất phát từ chính mong muốn của bản thân Hằng, chứ không phải của bất cứ ai.
Dự án tương lai
Sử dụng tốt tiếng Anh đã cho bản thân Hằng và các em trong gia đình một tương lai rộng mở, với nhiều lựa chọn trong nghề nghiệp và phát triển bản thân. Để có được vốn tiếng Anh tốt như ngày hôm nay, Hằng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người thầy của mình, những người truyền cảm hứng, hướng dẫn Hằng học tận tình và trao cho Hằng học bổng để Hằng được đi học.
Từ những điều tích cực này, Hằng triển khai chương trình học bổng học tiếng Anh, có tên: Good English – Better Futture. Hằng muốn trao lại cơ hội này với các bạn sinh viên khó khăn nhưng có ý chí vươn lên bằng cách trao 20 suất học bổng học học Tiếng Anh trong vòng 1 năm, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng. Chương trình học Hằng thiết kế cho một người mới bắt đầu, với 6 modules, được hướng dẫn từ cơ bản nhất, bao gồm âm, từ, cụm, câu, đoạn và bài.
Nhắn nhủ cho thế hệ trẻ
Hằng nghĩ trong cuộc sống cần có khả năng sống và nghĩ Độc Lập, được là chính mình để được Tự Do và biết thế nào là đủ để được Hạnh Phúc.
Việc học hành hay phát triển sự nghiệp cũng để phục vụ mục đích đó. Việc học hành không nhất thiết phải học cao hay phải vào đại học mà là cần gì học nấy. Hay nói cách khác là khả năng tự học. Học để xóa bỏ những tri thức và định kiến sai lầm để thực sự được tự do và hạnh phúc.
Theo Bảo Khánh
Hoa học trò