Hàng loạt trường phổ thông tư thục kiến nghị bảo vệ quyền sở hữu
(Dân trí) - Chủ đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục đã có văn bản kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về bảo vệ quyền sở hữu và quyền điều hành của nhà đầu tư với trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), phiên bản ngày 12 tháng 4 năm 2019, các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội là trường THCS & THPT Marie Curie – Hà Nội, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS & THPT Nguyễn Siêu, Trường THCS & THPT Lômônôxôp, THPT Bình Minh, Tiểu học Đoàn Thị Điểm, THPT Kinh Đô và trường THPT Marie Curie – Hải Phòng đã có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Lãnh đạo các trường tư cho rằng, Đảng và Nhà nước khuyến khích cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục Việt Nam. Ở trường công lập, Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu.
Ở trường tư thục, Nhà đầu tư thực sự thay vai trò của Nhà nước đầu tư tài chính, tài sản đảm bảo điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu trường. Pháp luật của Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu chính đáng của các Nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, giáo dục... Năm thành phần kinh tế được bình đẳng trước pháp luật.
Điều hiển nhiên, chủ sở hữu có quyền điều hành doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... Trên cơ sở đó, lãnh đạo các trường kiến nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi điều chỉnh nội dung các điều 56, 100 trong Dự thảo Luật Giáo dục, phiên bản ngày 12 tháng 4 năm 2019. Cụ thể:
Giữ nguyên quy định về Hội đồng quản trị trường tư thục trong Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành, thay cho Khoản 3 Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/4/2019:
“Hội đồng quản trị của trường tư thục là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật”.
Giữ nguyên nội dung Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành, thay cho Điều 100 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản ngày 12/4/2019.
Giữ nguyên nội dung Điều 67, Luật Giáo dục hiện hành:
“Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn. Tài sản, tài chính của trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường”.
Nội dung trên thay thế cho Điều 100 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi ngày 12/4/2019:
"Tài sản trường dân lập, tư thục thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường. Tài sản của trường dân lập, tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Tài sản thuộc sở hữu của trường tư thục được hình thành từ vốn góp của các thành viên, được xác định bằng biên bản góp vốn của các nhà đầu tư và ghi trong điều lệ nhà trường.
Các nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn cho nhà trường theo quy định.
Việc chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường”.
Nhật Hồng