Hàng chục giáo viên mầm non dạy không lương: Hơn 700 lao động hết hợp đồng
(Dân trí) - Thời gian qua, hàng chục giáo viên mầm non tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa đi dạy không lương, hiện các ngành chức năng đang trình UBND tỉnh này xem xét, giải quyết.
Việc tuyển dụng viên chức phải cân đối giữa 3 cấp học
Theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, năm 2020 của Chính phủ về chính sách đối với giáo viên mầm non theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP (NĐ06) được thực hiện đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm giáo viên mầm non hết hợp đồng.
Trong đó một số địa phương có nhiều lao động hợp đồng (LĐHĐ) làm giáo viên mầm non theo NĐ 06 như: Quan Sơn 67, Hoằng Hóa 65, Mường Lát 58, Thạch Thành 47, Quảng Xương 44, Triệu Sơn 41, Cẩm Thủy 25, Quan Hóa 23…
Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục giáo viên từ thời điểm 31/12/2021 đến nay vẫn đi dạy bình thường nhưng chưa được nhận lương, do các địa phương đang chờ hướng dẫn của UBND tỉnh Thanh Hóa. Thực tế này khiến không ít giáo viên gặp khó khăn.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, liên Sở Nội vụ, Tài chính và Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa về việc giải quyết số lượng LĐHĐ làm giáo viên mầm non, giáo viên tiếng Anh (gọi chung là giáo viên) theo NĐ06 và Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ (NQ102).
Số LĐHĐ theo NĐ06 được giao là 4.081 người, đã tuyển dụng 3.463 người, tính đến 31/12/2021 còn lại là 618 người. Số LĐHĐ của UBND thành phố Thanh Hóa theo NQ102 được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến thống nhất là 79 người, thời hạn hợp đồng đến 31/12/2021.
Bên cạnh đó, số lượng LĐHĐ giáo viên tiếng Anh được giao là 81 người, đã tuyển dụng 75 người, tính đến 31/12/2021 còn lại 6 người.
Số lượng LĐHĐ làm giáo viên còn lại là 703, trong đó giáo viên mầm non theo NĐ06 là 618 người, giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học là 6 người và giáo viên mầm non theo NQ102 là 79 người. Nhiều người trong số này đã hợp đồng lao động làm giáo viên từ năm 2014, đều có thâm niên trong công tác giảng dạy và chế độ chính sách được hưởng như viên chức. Thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện tuyển dụng một số LĐHĐ làm giáo viên mầm non.
Theo đánh giá của liên Sở, trong những năm qua việc thực hiện hợp đồng lao động giáo viên đã giải quyết được một phần tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, bảo đảm chương trình dạy học cho cấp mầm non và tiếng Anh cho cấp tiểu học, trung học cơ sở.
Số lượng người làm việc được giao hàng năm của các cấp mầm non, tiểu học chưa bảo đảm theo định mức quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Một số địa phương không còn chỉ tiêu biên chế để thực hiện việc tuyển dụng đối với số LĐHĐ làm giáo viên. Mặt khác, hiện nay có 11/27 huyện đang bố trí số lượng người làm việc cấp trung học cơ sở cao hơn so với số được giao năm 2022. Do đó việc tuyển dụng viên chức phải cân đối giữa 3 cấp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở), bảo đảm không vượt quá số lượng người làm việc được UBND tỉnh Thanh Hóa giao năm 2022.
Đề xuất cho các địa phương được thực hiện hợp đồng lao động
Căn cứ các quy định, sau ngày 31/12/2021, không còn LĐHĐ làm giáo viên mầm non theo NĐ06. 618 LĐHĐ làm giáo viên còn lại chưa được tuyển dụng sẽ phải chuyển sang thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo NQ102; đồng thời 79 LĐHĐ làm giáo viên mầm non theo NQ102 của UBND thành phố Thanh Hóa cũng đã hết thời hạn hợp đồng lao động.
Để giải quyết một phần khó khăn trong việc bảo đảm chương trình dạy học khối mầm non, tiểu học; đồng thời để thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm chế độ, chính sách đối với 703 LĐHĐ nêu trên, liên ngành Nội vụ, Tài chính, GD&ĐT đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý để UBND các huyện, thị xã, thành phố được thực hiện hợp đồng lao động theo NQ102 đối với 703 người. Chế độ chính sách vẫn bảo lưu như hiện hưởng, thời hạn hợp đồng lao động làm giáo viên kể từ 1/1 đến 31/12.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố có số lượng người làm việc còn thiếu so với số lượng người làm việc được giao năm 2022: Sau khi thực hiện việc điều chuyển số lượng người làm việc thừa từ cấp trung học cơ sở xuống tiểu học, khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt để thực hiện, trong đó phải ưu tiên việc tuyển dụng từ số LĐHĐ làm giáo viên mầm non theo NĐ06 và giáo viên tiếng Anh được UBND tỉnh này giao.
Dự kiến kinh phí các ngành đề xuất để thực hiện hợp đồng lao động đối với số giáo viên nêu trên là 70 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 1/1.
Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa, vấn đề kinh phí theo phân cấp, các huyện chủ động chi trả, nếu thừa hoặc thiếu thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp vượt quá khả năng kinh phí sẽ báo cáo Bộ Tài chính.
Liên quan đến nội dung này, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin với PV Dân trí, UBND tỉnh đã nhận được đề xuất của liên Sở Nội vụ, Tài chính và Giáo dục và Đào tạo. Hiện văn phòng UBND tỉnh đã tổng hợp đưa vào chương trình kỳ họp tới đây để xem xét vì có liên quan đến việc cần bổ sung kinh phí ngoài dự toán cho các địa phương.