Hàn Quốc tham vọng trở thành “thủ đô” giáo dục ĐH ở Đông Á
(Dân trí) - Sau khi đưa Hàn Quốc từ một trong những nước nghèo nhất châu Á trở thành nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới, các nhà lãnh đạo nước này lại đang có kế hoạch biến Hàn Quốc thành “thủ đô” giáo dục đại học ở khu vực Đông Á.
Hiện nay, một số trường đại học và cao đẳng của Mỹ đang thảo luận về việc thiết lập các dự án nghiên cứu và đại học ở Hàn Quốc. Trong khi đó, các trường đại học hàng đầu ở đất nước kim chi cũng đang tiến hành cải cách để tăng khả năng cạnh tranh với các học viện hàng đầu ở Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Một trong những lý do chính buộc các trường đại học Hàn Quốc phải nâng cấp là ngày càng nhiều sinh viên Hàn Quốc ra nước ngoài học tập.
Nhằm đạt được mục tiêu tăng sức cạnh tranh về giáo dục, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng Khu kinh tế tự do Incheon - trung tâm thương mại có diện tích 20.800 ha. Khu kinh tế tự do Incheon đã trở thành “đất lành” của một loạt học viện và trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Trong nhiều năm qua, Incheon đã lặng lẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng nhiều chính sách ưa đãi.
Và công sức của Hàn Quốc đã được đền đáp. Đại học New York và North Carolina đã ký thoả thuận thiết lập các chương trình đào tạo cấp bằng và dự án nghiên cứu ở Hàn Quốc. Một số học viện khác của Mỹ trong đó có Đại học Southern California, George Maso và George Washington cũng đang tiến hành các thỏa thuận tương tự.
Mục tiêu tiếp theo của Hàn Quốc là xây dựng trung tâm trao đổi văn hoá và tri thức phạm vi toàn cầu. Incheon được dự đoán sẽ là điểm đến của trên 40 viện nghiên cứu và ít nhất 7 trường đại học nước ngoài, thu hút sinh viên trong khu vực. Và cuối cùng, Hàn Quốc có thể trở thành trung tâm châu Á, tương tự như Brussels ở EU.
“Bắt tay” với các trường nước ngoài
Incheon chỉ là một trường hợp nổi bật nhất cho thấy lĩnh vực giáo dục đại học vốn hướng nội của Hàn Quốc đang cải tổ để chinh phục một thế giới đang toàn cầu hoá và sử dụng tiếng Anh.
Chính quyền tại các đặc khu kinh tế khác như thành phố cảng Pyeongtaek cũng đang đầu tư hàng triệu USD vào các dự án liên doanh trong lĩnh vực giáo dục.
Năm ngoái, Pyeongtaek đã ký thỏa thuận với Viện công nghệ Stevens về việc mở trường đại học trong khu Thành phố Đại học Pyeongtaek, và cũng đang đàm phán với một số trường đại học khác của Mỹ và Châu Âu.
Trường đại học quốc tế đầu tiên của Hàn Quốc - Đại học Giao thông và Hàng hải Hà Lan - ra mắt hồi tháng 9 vừa qua tại thành phố cảng miền biển phía Nam Gwangyang.
Trong khi đó, các trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc cũng đang theo đuổi các chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ. Học viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (Kaist), trường đại học nghiên cứu hàng đầu nước này đang tiến hành cuộc tái thiết quy mô lớn nhất trong vòng 37 năm qua, quyết tâm đưa Kaist trở thành trường đại học đẳng cấp toàn cầu. Kaist cũng dự định xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học tại Incheon.
Yonsei - trường đại học tư hàng đầu Hàn Quốc - đã thành lập trường khoa học xã hội đầu tiên đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh trong suốt 4 năm học nhằm thu hút sinh viên trong nước cũng như sinh viên nước ngoài.
Nỗi lo thâm hụt “thương mại giáo dục”
Năm ngoái, Hàn Quốc dành đến 2,6% GDP cho giáo dục đại học, mức đầu tư này chỉ đứng sau Mỹ và gấp hơn 2 lần mức trung bình của hầu hết các nước châu Âu. Tuy nhiên, vẫn có 218.000 sinh viên xứ Hàn theo học tại các trường đại học nước ngoài, lớn gấp đôi so với con số tương tự hồi giữa những năm 1990.
Vụ Chính sách đại học thuộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã bày tỏ mối lo ngại đặc biệt và ước tính mỗi năm thâm hụt “thương mại giáo dục” của Hàn Quốc lên đến 3-4 tỷ USD. Thừa nhận rằng Hàn Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng “du học”, Bộ Giáo dục Hàn Quốc coi việc thuyết phục sinh viên học tập trong nước là ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hỗ trợ cho các trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh cũng như ra sức tuyển dụng thêm giáo sư nước ngoài.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong năm 2007, 23 trường đại học công lập mời được 22 giáo sư nước ngoài đến Hàn Quốc giảng dạy. Và con số này được đánh giá là vẫn chưa khả quan.
Tờ The Chronicle of Higher Education nhận định rằng vấn đề hiện nay của Hàn Quốc là vẫn thiếu vắng các viện nghiên cứu chất lượng cao. Bên cạnh đó, các trường đại học Hàn Quốc cần nâng cao chất lượng để có thể trở thành lựa chọn đầu tiên đối với giáo sư nước ngoài cũng như sinh viên Hàn Quốc.