Hai tiến sĩ trẻ hiến kế đối phó với bão lũ miền Trung và ngập nước ở TP.HCM

Mai Châm

(Dân trí) - “Nghiên cứu của tôi hướng tới năm 2045 Việt Nam chúng ta sẽ còn rất ít tổn thương do thiên tai”, TS. Trịnh Quang Toàn trình bày về "Công tác dự báo - cảnh báo mưa lũ sớm" nói.

Hai tiến sĩ trẻ hiến kế đối phó với bão lũ miền Trung và ngập nước ở TP.HCM - 1

Các Thạc sĩ, Tiến sĩ trẻ trong và ngoài nước sôi nổi đóng góp tri thức khoa học - công nghệ giúp ích cho đất nước.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2020 có 4 phiên thảo luận với chủ đề: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Vai trò của khoa học - công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước; Vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045.

Giải quyết vấn đề ngập úng, ô nhiễm kênh rạch tại TP.HCM

Tại phiên thảo luận về khoa học công nghệ, nhiều sáng kiến, giải pháp cụ thể đã được đưa ra để giải quyết các vấn đề nóng hổi trong kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay như: ngập úng và ô nhiễm kênh rạch tại TP.HCM; nuôi trồng và xuất khẩu nông sản đặc sản trong nước; đối phó với biến đổi khí hậu, giải pháp đối phó với thiên tai…

Đưa ra “Vấn đề chống ngập úng và ô nhiễm tại thành phố Hồ Chí Minh”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Long (trở về từ Pháp) trình bày những giải pháp vừa tận dụng được cơ sở hạ tầng của địa phương, vừa giải quyết vấn đề một cách khoa học.

Hai tiến sĩ trẻ hiến kế đối phó với bão lũ miền Trung và ngập nước ở TP.HCM - 2

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Long nêu giải pháp về “Vấn đề chống ngập úng và ô nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Anh Long cho hay, đối với tình trạng ngập nước tại TP.HCM: “TP.HCM nằm ở hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai và giáp với biển Đông, nơi có địa hình thấp và khá bằng phẳng với gần 75% diện tích có cao độ dưới + 2m. TP.HCM cũng như những tác động trực tiếp từ triều cường biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng. Nhiều nơi ở khu vực trung tâm có mức ngập tới 50 cm dẫn tới việc di chuyển và đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khoẻ của người dân TP.HCM”.

Để giải quyết vấn đề ngập úng tại TP.HCM, một trong các giải pháp là: Cải tạo hệ thống cống vòm cổ dài 100 km được xây dựng cách đây 150 năm và đang gần như bị bỏ hoang.

"Chúng ta có thể sử dụng hệ thống cống vòm cổ này làm hệ thống dự trữ nước thứ cấp cho thành phố trong trường hợp ngập lụt, sau khi hết mưa sẽ bơm nước ra và có thể làm giảm đáng kể hiện tượng ngập úng đặc biệt tại trung tâm thành phố", TS. Long cho hay.

Còn với vấn đề ô nhiễm tại các kênh rạch, Tiến sĩ Long đưa ra một số biện pháp cần áp dụng phối hợp như: Xác định các nguồn nước thải công nghiệp và dân sinh đổ ra kênh rạch chưa qua xử lý; Thiết lập lại các trạm quan trắc thích hợp; Cải tạo hồ điều tiết…

Giải pháp giảm thiểu thiệt hại từ bão và lũ

Tiến sĩ Trịnh Quang Toàn (trở về từ Mỹ) trình bày về “Công tác dự báo - cảnh báo mưa lũ sớm”. Đây là một chủ đề có tính thời sự cao, đặc biệt là sau khi miền Trung nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão.

Hai tiến sĩ trẻ hiến kế đối phó với bão lũ miền Trung và ngập nước ở TP.HCM - 3

Tiến sĩ Trịnh Quang Toàn: “Tôi có tham vọng kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam để mở rộng nghiên cứu khí tượng thủy văn phục vụ cho công nghiệp năng lượng, nông nghiệp… Nghiên cứu của tôi hướng tới năm 2045 Việt Nam chúng ta sẽ còn rất ít tổn thương do thiên tai”.

TS. Toàn đã có 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về ngành Khí tượng thủy văn. Anh Toàn chia sẻ những mô hình cảnh báo thiên tai hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay.

Theo đó, hệ thống dự báo và cảnh báo có thể chia thành 3 loại: hệ thống dự báo và cảnh báo dựa theo kinh nghiệm; hệ thống dự báo và cảnh báo dựa vào hệ kịch bản mô phỏng trước; hệ thống dự báo cảnh báo dựa vào các công nghệ theo thời gian thực.

Theo anh Quang Toàn, từ những số liệu thực tế, con người có thể đưa ra những dự báo chính xác nhất cho các hiện tượng bão và lũ - hai hiện tượng thiên nhiên gây ra thiệt hại lớn mỗi năm ở nước ta.

“Tôi có tham vọng kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam để mở rộng nghiên cứu khí tượng thủy văn phục vụ cho công nghiệp năng lượng, nông nghiệp… Nghiên cứu của tôi hướng tới năm 2045 Việt Nam chúng ta sẽ còn rất ít tổn thương do thiên tai”, TS. Toàn nói.

Anh Quang Toàn cũng trình bày về những thách thức khi ứng dụng khoa học kỹ thuật kế thừa của thế giới vào điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy vậy, nhà khoa học trẻ rất mong muốn ứng dụng những giải pháp mới nhất này để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại vì bão lũ như thời gian vừa qua.

Hai tiến sĩ trẻ hiến kế đối phó với bão lũ miền Trung và ngập nước ở TP.HCM - 4

Nhiều câu hỏi mang tính chuyên môn cao và sâu sắc được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ ba.

TS. Đinh Hùng Cường chia sẻ về vấn đề giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, đặc biệt là quả vải. Anh Cường đưa ra 3 giải pháp chung như sau: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Học hỏi và cải tiến công nghệ bắt kịp với thế giới; Tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Lắng nghe bài tham luận của các nhà khoa học trẻ, đại biểu trí thức trẻ đặt nhiều câu hỏi nóng như việc ứng dụng công nghệ mới vào thực tế ở Việt Nam liệu có khả thi? Vấn đề kinh phí, vấn đề tương thích và nhân sự cũng được quan tâm…