Hai tấm bằng Thạc sĩ đầu tiên của người mù ở Việt Nam

Họ bị khiếm khuyết đôi mắt, nhưng bù lại là một tinh thần, nghị lực phi thường để vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ vượt mọi rào cản, học hết phổ thông, đại học, mới đây anh chị còn nhận được tấm bằng Thạc sĩ với số điểm xuất sắc khi bảo vệ luận văn tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Cuộc sống đã đưa họ đến với nhau, như một sự bù đắp cho những thiệt thòi mà họ phải hứng chịu.

Bán máu lấy tiền đi học

Anh Phạm Xuân Trường (quê Thanh Oai, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có 5 người con thì tất cả đều ít nhiều bị di chứng chất độc da cam, trong đó 3 người đôi mắt gần như không nhìn thấy gì nữa. Trường bị phát hiện thoái hóa sắc tố võng mạc năm lên 3 tuổi. Ngày ấy, Trường dắt bà nội đi chơi, nhưng lại toàn dắt ra… bờ ao, bụi cây, nghi ngờ nên bố mẹ đưa đi khám. Bác sĩ kết luận một mắt Trường mù hoàn toàn, một mắt thị lực chỉ còn 1/10, nếu không đi học thì may mắn có thể giữ lại phần thị lực này.

Dù vậy, với sự ham mê học của mình, Trường vẫn đến trường, luôn đứng top đầu lớp. Thời điểm đó, gia đình anh khó khăn lắm, bố mẹ thì đau ốm liên miên, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng nhưng lại phải lo cho 5 anh em học hành. 3 anh em Trường, Sơn, Hồng mắt gần như không nhìn thấy gì, cố gắng đi học và học giỏi thì được, chứ làm gì ra tiền để phụ bố mẹ vào tiền học hành thì thật khó. Thế là trong lúc bí bách nhất, Trường nghĩ đến việc đi… bán máu. Không ngờ hôm đó vừa tới Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương bán máu thì Trường ngớ người khi lờ mờ nhìn thấy cái dáng quen thuộc của người em là Sơn cũng vừa bán máu xong trở ra. Về sau, họ mới biết cô em gái Hồng ở nhà cũng lẳng lặng ra Bệnh viện Hà Tây bán máu lấy tiền đi học. Thế nên, bà Nguyễn Thị Lợi, mẹ anh Trường vẫn còn nhớ như in cái ngày Trường cầm tấm bằng tốt nghiệp cử nhân rưng rưng bảo: Tấm bằng này con đã đổi bằng máu và nước mắt.

Tốt nghiệp THPT, Trường tìm hiểu các trường đại học, cao đẳng, nhưng chẳng có trường nào nhận người mù vào học, buồn chán Trường vào TP Hồ Chí Minh vừa kiếm sống vừa tìm cơ hội. Ba năm ở miền đất xa xôi với đôi mắt gần như không nhìn thấy gì và đủ các nghề như cao bếp lò, đóng than tổ ong, dán dép cao su, gói mì tôm… nhưng anh vẫn chưa tìm được cơ hội học. Thương con, bố mẹ phải tìm đủ mọi cách để “lừa” anh về, và anh đã quyết định thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Những tưởng cơ hội học tập đã mở ra trước mắt, nhưng nhập học chưa được bao lâu thì anh bị thầy Hiệu trưởng gọi lên nói nhà trường không có điều kiện giảng dạy cho người mù. Phải mất nhiều lần “tranh đấu”, với lòng quyết tâm của mình anh mới được trở lại giảng đường.

Đến năm 2000 thì mắt anh kém hẳn, gần như không nhìn được chữ nữa, anh phải dùng bút dạ viết lên giấy tối màu trong những bài thi. Dù vậy, bằng đủ mọi cách, với lòng quết tâm của mình, năm 2001, anh đã lấy được tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, sau đó anh tiếp tục học và đỗ tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế (2005). 
 
Gia đình anh Phạm Xuân Trường
Gia đình anh Phạm Xuân Trường.


Thành thạo nhiều ngoại ngữ

Cùng cảnh ngộ mù với chồng, chị Đinh Việt Anh (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị thoái hóa võng mạc từ năm lên 3 tuổi. Sau một trận sốt cao, một mắt không còn nhìn thấy gì, mắt còn lại mờ dần rồi cũng mất thị lực luôn. Nhà nghèo, thương con bố mẹ chị Việt Anh gom góp tiền nuôi đàn lợn bán lấy tiền đưa con đi chữa trị, cứ mỗi dịp hè lại ra Viện mắt Trung ương chữa nhưng không khỏi. 

Hồi học tiểu học, đôi mắt Việt Anh chỉ nhìn thấy lờ mờ, nhưng thương con ham học, mẹ vẫn xin cô giáo cho Việt Anh tới lớp nghe giảng bài. Trên lớp thì phải ngồi cạnh cửa sổ, về nhà thì phải khêu ngọn đèn thật to, đến nỗi có lần cháy xém cả tóc, ấy vậy mà cô học sinh khiếm thị vẫn nhiều lần được đi thi vở sạch chữ đẹp. Cuối cùng, mọi nỗ lực cứu con mắt còn lại của Việt Anh cũng không thành, dù năm lớp 9 cô bé đã được ghép giác mạc. Thế là Việt Anh phải dừng học cấp 3, ở nhà làm quen với bóng tối chật chội. Nhưng rồi quá nhớ trường lớp, Việt Anh lại xin bố mẹ cho đi học. Suốt những năm học phổ thông, cô phải học bài nhờ vào sự trợ giúp của bố mẹ, hàng ngày bố mẹ đi làm về, tối đến đọc lại bài cho Việt Anh, ấy vậy mà lúc nào cô bé cũng đứng đầu lớp, có lần còn suýt được đi thi học sinh giỏi tỉnh. 

Học hết cấp 3, Việt Anh tự đăng ký hệ đại học từ xa chương trình do trường đại học Mở Hà Nội phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Theo học 2 năm thì phải dừng do trường không tổ chức thi được cho học viên. Cuối năm 2007, Việt Anh biết đến Hội Người mù Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ở đây, chị được tiếp cận với chữ nổi và với thành tích học tập của mình, chị được giữ lại giảng viên hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ. Chị vẫn không ngừng tìm kiếm những khóa học phù hợp với mình và năm 1999, chị đã quyết định nộp hồ sơ dự thi vào hệ tại chức của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đỗ với số điểm cao. Từ thực tế học tập của mình, ngày lên lớp chép bài bằng chữ nổi, buổi thi thì mang theo chiếc máy chữ làm bài, Việt Anh còn cho ra đời giáo án dạy vi tính cho người mù. Chưa dừng lại ở đó, năm 2002, chị tiếp tục thi đậu khoa Tiếng Anh, ĐH Mở Hà Nội, ngoài ra còn học thêm tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp… Đến nay chị đã thành thạo 2 ngoại ngữ là điều mà người bình thường cũng khó mà làm được.

Sự bù đắp của tạo hóa

Nếu ai được gặp, được chứng kiến hạnh phúc viên mãn của anh chị thì chắc chắn đều nghĩ như vậy, tạo hóa đã cho anh chị nên duyên vợ chồng như sự bù đắp những thiệt thòi cho họ. Anh chị gặp nhau tại Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù và dần dần cảm mến nhau. Anh chị xây dựng gia đình năm 2009. Với tinh thần học hỏi không ngừng, anh Trường đã nộp hồ sơ học cao học ở nhiều nơi nhưng đều không được chấp nhận, 3 năm liền, anh nộp hồ sơ thi cao học vào Học viện Hành chính Quốc gia nhưng cũng bị bỏ sang một bên. Đến tận năm thứ ba là năm 2010, hai vợ chồng anh lại nộp hồ sơ vào Học viện Hành chính Quốc gia, lần này người nhận hồ sơ vừa ngạc nhiên, vừa cảm phục nghị lực của anh đã đưa anh tới gặp đại diện phòng Đào tạo. Anh đã bằng đủ mọi lý lẽ thuyết phục và cuối cùng cả hai anh chị đã được chấp nhận, họ theo học chuyên ngành Quản lý hành chính công của Học viện Hành chính quốc gia. Có lẽ, đó là hai học viên cao học đặc biệt nhất từ trước đến nay, hàng ngày họ thuê xe ôm đến lớp, trong giờ học người gõ máy tính, người viết chữ nổi. Về đến nhà, sau khi xong công việc cơ quan và cho con đi ngủ, hai người lại ngồi với nhau khớp lại bài vở, cũng là ôn bài luôn. Cuối cùng 4 năm cao học với muôn vàn khó khăn, anh chị đã nhận lại thành quả là tấm bằng Thạc sĩ xuất sắc cùng về đề tài liên quan đến lợi ích người khuyết tật, người mù. Luận văn thạc sĩ của cả hai người đều được đánh giá xuất sắc, có giá trị cả về mặt thực tiễn và khoa học, được cho điểm cao ngay cả với người bình thường cũng khó mà đạt mức điểm này. Đây cũng là hai tấm bằng Thạc sĩ đầu tiên của người mù ở Việt Nam.

Niềm hạnh phúc lớn lao nữa của anh Trường, chị Việt Anh là năm 2010, anh chị đã được chào đón đứa con gái đầu lòng khỏe mạnh, xinh xắn. Dù cả hai vợ chồng vừa phải hoàn thành công việc của mình tại cơ quan, vừa phải đi học, lại nuôi con nhỏ, nhưng những khó khăn không làm họ nản lòng. Thời gian đầu, chị phải có người phụ giúp chăm con, sau thì chị cố gắng tự làm từ việc thay tã, giặt quần áo đến việc cho con ăn. “Khi cho con ăn bột, uống sữa, tôi phải sờ đúng miệng con để đút. Cháu rất hiếu động, quay ngang, quay ngửa nên mỗi lần cho con ăn xong là cả nhà phải đi… thay quần áo” - chị kể đầy hạnh phúc. Vì cả hai vợ chồng đều khiếm thị nên anh chị tập cho con tự lập từ rất sớm, mới 4 tuổi mà bé đã có thể tự làm những công việc cá nhân của mình, thậm chí còn có thể học chữ, số bố mẹ dạy.

Hiện tại, cả hai anh chị đều là Ủy viên BCH Hội Người mù Việt Nam, anh Trường là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù, thành viên “Mạng lưới giáo viên dạy massage y học cho người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương” (AMIN). Chị Việt Anh mới được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Đời Mới - tạp chí của Hội Người mù và đảm nhận nhiều cương vị khác trong Hội Người mù Việt Nam cũng như khu vực.
 
Theo Linh Nhật
An Ninh Thủ Đô