Hãi hùng những vụ đánh ghen của nữ sinh

(Dân trí) - Do ghen, học sinh nữ lớp 9 đánh và ép học sinh nữ lớp 7 uống thuốc ngủ trong nhà vệ sinh; vì tình, 2 học sinh nữ ghen tuông dùng kẹp tóc đâm nhau; hành hạ bạn gái vì xinh hơn mình…

Đây là một trong những thông tin mà các giáo viên kể lại tại hội thảo “Xây dựng dự án mô hình trường học an toàn và thân thiện với em gái” do Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở Ngoại vụ và Tổ chức Plan tại Hà Nội phối hợp tổ chức vào ngày 11/6.

Một hình ảnh nữ sinh đánh nhau.
Một hình ảnh nữ sinh đánh nhau.

Đánh ghen dùng kẹp tóc đâm nhau

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện Hà Nội có gần 322 nghìn học sinh (HS) nữ ở cấp THCS, chiếm 48% tổng số HS toàn cấp; tỷ lệ này ở cấp THPT là gần 53%. Bạo lực học đường tấn công vào HS nữ đang có chiều hướng gia tăng, để lại những hậu quả nghiêm trọng, nặng nề về tâm lý cho các em gái ở lứa tuổi vị thành niên. Tại hội thảo, lãnh đạo Trường THCS Dương Quang (huyện Gia Lâm) đã kể lại sự việc HS nữ của trường đánh nhau đã lâu nhưng vẫn còn ám ảnh với giáo viên và HS trong trường. Cụ thể, năm học 2010 - 2011, HS nữ lớp 9 đánh và ép HS  nữ lớp 7 uống thuốc ngủ trong nhà vệ sinh. Nguyên nhân là do HS nữ lớp 9 hiểu lầm em học sinh nữ lớp 7 cướp người yêu của mình nên HS lớp 9 này đã rủ thêm một người bạn than khác đánh HS lớp 7 kia trong nhà vệ sinh, rồi dọa nạt và ép uống thuốc ngủ. Được tin báo về vụ việc nghiêm trọng đó, Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên, nhân viên bảo vệ đã xuống ngay nơi sự việc để giải quyết kịp thời.

Hãi hùng hơn khi nghe lãnh đạo Trường THPT Kim Anh - Sóc Sơn kể, tại trường mấy năm học trước xảy ra các vụ như do mâu thuẫn giữa 2 HS, trong 2 nhóm nên 2 tốp HS nữ hẹn nhau ra một điểm cách xa trường rồi nhảy vào đánh nhau tập thể, đấm đá như những HS nam. Do vị trí đánh nhau gần tiểu đoàn bộ đội nên được các chú bộ đội can thiệp kịp thời và báo về nhà trường; Vụ thứ 2 là trường hợp 2 HS nữ ghen tuông đánh nhau dùng kẹp tóc đâm vào người bạn. Gần đây nhất là vụ HS nữ thất tình mang chai rượu, 2 chén và dao vào trường uống...

Lãnh đạo Trường THPT Kim Anh cho biết: “Đối với các em nữ không chỉ là vấn đề không an toàn về than thể mà vấn đề chính là yếu tố tinh thần, những hiện tượng xấu, những vấn đề không lành mạnh xâm hại khiến các em có những suy nghĩ bồng bột, hiểu biết lệch lạc, hành động thiếu suy nghĩ... Đây là vấn đề chúng tôi thấy lo ngại, vì tâm tư suy nghĩ của các em chúng ta không biết hết được, không kiểm soát được và khó lượng trước được các sự việc”.

Còn tại Trường THCS Kiến Hưng (Hà Đông), cô Nguyễn Thị Bạch Loan chia sẻ: “Một số HS Trường THCS Kiến Hưng do ảnh hưởng từ gia đình, xã hội và để tự khẳng định cái tôi của mình nên đã mắc vào các hình thức bạo lực như đánh đập, hành hạ bạn chỉ vì bạn ấy xinh hơn, học giỏi hơn, có đồ dùng cá nhân đẹp hơn… Thậm chí có em rủ nhau bài xích, bắt nạt bạn cả trên lớp lẫn trên đường đi học về vì những lời nói, bình luận vu vơ. Có một số em gái bị các bạn nam hoặc các anh lớp lớn hơn dồn vào phòng vệ sinh giờ ra chơi hoặc cuối buổi học để giở trò sàm sỡ…”.

Cô Loan cho rằng, khi sự việc trên xảy ra, một số em đã không báo cáo cho thầy cô hoặc bố mẹ biết. Để thỏa mãn cho những suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi, các em nghĩ rằng việc đánh nhau, cô lập, mắng chửi của bạn mình là đúng, không sai vì làm như vậy là bảo vệ được tình yêu, vị trí của mình trước các bạn. Thậm chí, các em còn lôi kéo, khuyến khích, cổ vũ cho những việc làm sai. Đa số các em biết hành vi sai trái nhưng lại không dám lên tiếng vì sợ trả thù. Chỉ có một số em tỏ thái độ không đồng tình và báo cho thầy cô, bố mẹ biết.

Ý kiến của đại diện nhiều trường đều khẳng định sự cần thiết dành quan tâm đặc biệt đến HS nữ, tránh cho các em những tổn thương về thân thể và tinh thần. Thực tế hiện nay, ngoài nạn bạo lực học đường, nhiều HS nữ còn bị rối nhiễu tâm lý, nhiều nguy cơ bị xâm hại tình dục…

Căng mình “chống chọi” với bạo lực học đường

Theo số liệu thống kê từ đường dây nóng của Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em trong những ngày cuối năm 2012 cho thấy bạo hành tại trường học tăng 13 lần so với 10 năm trở về trước.

Một cuộc khảo sát do khoa Xã hội học, Trường ĐH KH XHNV - ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện mấy năm trước tại 2 trường THPT tại quận Đống Đa (Hà Nội) về tình trạng bạo lực nữ sinh đã cho thấy nhiều kết quả đáng lo ngại. Cụ thể, có đến 96,7% số HS trong mẫu được hỏi cho rằng ở trường các em có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Mức độ bạo lực trong nữ sinh là 44,7% rất thường xuyên; 38% thường xuyên và 17,3% không thường xuyên.

Đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng bạo lực ở nữ HS, cô giáo Nguyễn Thị Bạch Loan - Trường THCS Kiến Hưng cho biết: “Nhà trường đã đưa ra 9 giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trong đó có những giải pháp như mời chuyên gia tâm lý đến nói chuyện về giới tính cho các em, lồng ghép kỹ năng sống vào các môn học, thành lập tổ tư vấn về tâm sinh lý học đường, hòm thư góp ý… Đặc biệt nhà trường , coi trọng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm vì giáo viên chủ nhiệm như người mẹ thứ 2 của HS, theo sát từng em. Tuy nhiên, theo cô Loan, hiện nhà trường vẫn vấp phải rào cản từ sự bất hợp tác của phụ huynh và HS”.

Với quan điểm lấy xây để chống nên Trường THCS Dương Quang (Gia Lâm) thậm chí đưa ra 10 giải pháp để ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường. Trong đó, có các giải pháp quan trọng thành lập tổ phản ứng nhanh và luyện tập dưới dự hướng dẫn của công an để kịp thời ứng phó, nhanh chóng đưa ra những phương án cụ thể để giải quyết vụ việc; lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, tổ chức chuyên đề “Học sinh, sinh viên nói không với hành vi bạo lực”.

Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng hồ sơ tâm lý đối với những HS chưa ngoan và những học sinh có nguy cơ bạo lực cao để nắm bắt diễn biến tâm lý của các em để có biện pháp động viên uốn nắn kịp thời… Đồng thời, nhà trường phối hợp với Ban Đại diện Cha mẹ HS cung cấp tài liệu, tổ chức tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường tới 100% phụ huynh HS nhằm nâng cao hiểu biết của phụ huynh về đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ vị thành viên.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm