Hai đề xuất "sát sườn" với đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025

TS. Trịnh Thu Tuyết

(Dân trí) - TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, đề xuất 2 phương án trước mắt cho đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025.

Không dùng đề bài kiểm tra lớp 10 minh họa cho thi tốt nghiệp

Tháng 12/2023 và tháng 3 vừa qua, Bộ GD&ĐT đều sử dụng đề kiểm tra lớp 10 học kì I để làm đề thi minh họa môn ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, sở dĩ sử dụng đề kiểm tra lớp 10 để minh họa cho đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025 bởi "tại thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11".

Hai đề xuất sát sườn với đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025 - 1

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Cách lí giải này khó thuyết phục vì thứ nhất, đề thi không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Thứ hai, các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, các kiến thức tiếng Việt và văn học được cung cấp theo cấu trúc đồng tâm của toàn chương trình, do đó hoàn toàn có thể soạn một đề thi minh họa độc lập cho các kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà không bị giới hạn bởi tiến độ chương trình.

Vấn đề thứ hai là nỗi băn khoăn về việc công bố đề minh họa có mang tính mặc định hay không? Và khi đề thi của trò được khuyến khích ra theo hướng "mở" thì việc xây dựng, hoàn chỉnh cấu trúc, định dạng, ma trận đề có tiếp tục được "mở" cho sự đóng góp ý kiến của giáo viên, học sinh…, trong cả nước hay không?

Áp lực trong 120 phút

Vẫn thời gian làm bài 120 phút, vẫn cấu trúc hai phần Đọc hiểu và Viết nhưng thực chất đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã tạo áp lực lớn về tính vừa sức, tính liền mạch cho việc học sinh khi thực hiện các yêu cầu của đề...

Với đề thi từ 2024 về trước, đoạn văn nghị luận xã hội (NLXH) yêu cầu nghị luận về một vấn đề đặt ra trong ngữ liệu đọc hiểu; bài nghị luận văn học yêu cầu nghị luận về một tác phẩm trong sách giáo khoa.

Như vậy, khi viết đoạn văn NLXH, học sinh có thể kế thừa mạch tư duy từ ngữ liệu của phần đọc hiểu; viết bài nghị luận văn học, các em có nền tảng là các tác phẩm đã quen thuộc trong chương trình.

Tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân đưa tới tình trạng nhàm chán của dạy và học theo văn mẫu lâu nay, việc thay đổi là tất yếu nhưng cần có lộ trình phù hợp và quan trọng nhất, đề phải đảm bảo tính liền mạch của tư duy, vừa sức cho học trò thực hiện các yêu cầu.

Hai đề xuất sát sườn với đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025 - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Hải Long).

Theo đề minh họa, học sinh phải đọc để hiểu, để bàn luận, phân tích tới hai ngữ liệu mới; và khi vấn đề nghị luận không nhất thiết liên quan đến nội dung phần đọc hiểu, sẽ xuất hiện những câu nghị luận về một vấn đề độc lập, mạch tư duy của các em sẽ bị đứt đoạn giữa ba phần: Đọc hiểu - Nghị luận xã hội - Nghị luận văn học.

Đọc ra các tầng ý nghĩa trong hai văn bản mới (với tổng độ dài các ngữ liệu có thể tới 1.300 chữ) đã khó; nhưng để hiểu, phân tích, bình luận thấu đáo, sâu sắc theo yêu cầu của đề còn khó hơn nhiều.

Với ngữ liệu phần Đọc hiểu, việc trả lời câu hỏi theo các mức độ nhận thức, kiểm tra kiến thức tiếng Việt, văn học và năng lực đọc hiểu đã được ôn luyện theo chương trình đồng tâm sẽ không quá khó khăn với học sinh, nhưng sự quá sức vẫn xuất hiện khi lượng câu hỏi tăng lên.

Với câu nghị luận văn học, ngữ liệu là những tác phẩm ngoài sách giáo khoa, có thể các em chưa bao giờ đọc thì vấn đề xuất hiện ngay ở việc lựa chọn dung lượng văn bản và yêu cầu nghị luận cho phù hợp với cả tâm lí và khả năng thực hiện, văn bản không quá dài khiến học sinh bị ngợp, khó nắm bắt và triển khai các nội dung nghị luận; cũng không quá ngắn khiến thí sinh không định hình được nội dung nghị luận.

Hai đề xuất với đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025

Thứ nhất, việc sử dụng các văn bản ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu đọc hiểu và nghị luận là tất yếu để triệt tiêu tình trạng dạy và học theo văn mẫu nhưng khi văn hóa đọc của chúng ta chưa cao, cấu trúc, định dạng của đề thi rất cần lộ trình thích hợp, đảm bảo tính vừa sức, tính tích hợp, sự kế thừa, tính liền mạch của tư duy…, vừa giảm áp lực cho học trò, vừa tăng tính khoa học, tạo mối liên hệ hữu cơ giữa các thành tố trong một chỉnh thể đề thi.

Thứ hai, theo cấu trúc, định dạng đề minh họa được công bố từ tháng 12/2023, hiện đang tồn tại hai dạng câu nghị luận xã hội: nghị luận về một vấn đề xã hội độc lập và nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu. Để giảm bớt áp lực cho học trò, tạo tính liền mạch trong tư duy, tính liên kết của các thành tố trong một chỉnh thể của đề thi, xin đề xuất phương án trước mắt: Nên yêu cầu bàn luận về một vấn đề đã đặt ra trong văn bản đọc hiểu.

TS Trịnh Thu Tuyết

Nguyên giáo viên ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội