Hà Nội vào cuộc chữa nói ngọng cho HS

(Dân trí)- 13 huyện ngoại thành Hà Nội đang nỗ lực trong việc “luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm n, l” cho học sinh tiểu học. Nhiệm vụ đề ra thì không có gì là khó nhưng thực tế để giải quyết câu chuyện “nói ngọng” của công dân thủ đô là một điều không dễ.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội (bao gồm Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn) cho thấy có 22,27% trong số 203.832 học sinh (HS) và 11,80% trong số 10.875 giáo viên (GV) nói và viết sai chữ l, n (tạm gọi là ngọng - PV). Huyện có tỷ lệ HS nói ngọng nhiều nhất là Mê Linh, kế tiếp là Sóc Sơn…

Qua tìm hiểu thì không phải sau khi sát nhập Hà Nội thì Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh mới triển khai công cuộc “chuẩn hóa” phát âm cho HS mà trước đó từ khi đang còn thuộc Vĩnh Phúc thì đã tiến hành thực hiện. Để các bạn độc giả có cái nhìn sâu hơn về công cuộc “chuẩn hóa” tưởng dễ nhưng lại “vô cùng” khó này chúng tôi đã đi thực tế một số trường tiểu học thuộc địa bàn huyện Mê Linh.
 
Cả thầy lẫn trò đều ngọng

Được lời giới thiệu của trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh chúng tôi đến thăm hai trường tiểu học thuộc địa bàn xã Đại Thịnh. Đây là một trong những nơi mà nhiều người dân thường sai khi phát hai phu âm l, n.

Khi được biết chúng tôi đi tìm hiểu về hiện tượng nói ngọng, cô Phan Thị An - hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Thịnh A không ngần ngại cho biết: “Hiện tại trường có khoảng 70% HS và 30% GV nói ngọng”.

Giải thích về việc tỷ lệ GV nói ngọng ở mức tương đối cao, cô An tâm sự: “Nếu GV để ý thì sẽ khó có thể phát hiện được họ ngọng, nhưng nếu giao tiếp bình thường thì khó để phát hiện. Phần lớn những GV phát âm sai đều là con em địa phương đi học Sư phạm sau đó quay trở lại làm công tác giảng dạy”.

Cũng theo cô An thì mặc dù phát âm chưa đúng nhưng khi HS viết thì sai rất ít. Nhà trường cũng đã yêu cầu GV phải luyện tập để phát âm đúng, không để tình trạng nói sai trước HS.
 
Hà Nội vào cuộc chữa nói ngọng cho HS - 1

Nói ngọng đã ngấm sâu vào không ít học sinh ngoại thành nên việc sửa không phải chuyện dễ dàng.

Chủ trương là thế nhưng khi đi khảo sát một số HS, GV thì lại hoàn toàn khác. Một đồng nghiệp khi xin phép vào một lớp học để chụp ảnh làm tư liệu đã suýt bật cười khi GV lên tiếng: “Nớp em không được đẹp lắm. Nếu nớp đẹp em cho chụp ngay”. Trong khi đó HS lại nhao nhao hỏi: “Cô chụp ảnh nàm gì thế?”.

Cách đó không xa, Trường tiểu học Đại Thịnh B cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thậm chí ở nơi này có lớp HS ngọng gần 80%. Cô Nguyễn Thị Trang, phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Chúng tôi mới thực hiện việc luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm n, l theo sự chỉ đạo của Sở và Phòng GD từ tuần tháng 9. Do mới triển khai nên cũng chưa thể đánh giá được. Nhưng chắc chắn để sửa được lỗi này thì không thể ngày một, ngày hai được”.

Cô Trang cũng cho biết thêm, bản thân ở trường cũng có một số GV nói ngọng. Không ít lần thầy cô phát âm đúng đã góp ý trực diện cho những thầy cô phát âm sai nhưng đôi khi cũng phát sinh ra không ý vấn đề.

“Đối với những GV mà có tinh thần tiếp thu thì khi góp ý không có vấn đề gì. Nhưng có những người đôi khi lại cho rằng là là “soi mói” và có vẻ không hài lòng” - cô Trang bộc bạch.

Khi được hỏi ở trong trường vẫn có tỷ lệ HS không nói ngọng, vậy nguyên nhân là do đâu?, cô Phan Thị An - hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Thịnh A đánh giá: “Phần lớn những HS không ngọng là do gia đình biết quan tâm nhắc nhở các em, chủ yếu là các gia đình phụ huynh trẻ. Còn đối với những gia đình có độ tuổi cao hơn thì họ chưa ý thức được, thậm chí là không làm được bởi bản thân cũng phát âm sai thì làm sao có thể nhận biết là con nói có đúng hay không?”.

Cùng chung quan điểm này, cô Nguyễn Thị Trang cho biết thêm, đối với GV thì việc sửa đơn giản hơn rất nhiều bởi các thầy cô ý thức được. Quan trọng hơn là thầy cô có mục tiêu để sửa bởi đứng lớp mà nói ngọng thì không được. Nhưng với HS thì rất khó bởi hàng ngày các em tiếp xúc với ông, bà thậm chí cả phụ huynh những người nói ngọng. Điều quan trọng để sửa được phát âm sai là phải có người phát hiện ra và nhắc nhở điều chỉnh.

Không dễ để thực hiện

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, hai năm nay Sở đã yêu cầu các trường tiểu học thường xuyên chú trọng việc sửa phát âm, viết sai khi dạy tiếng Việt, đặc biệt là các phân môn tập đọc, tập viết, tập làm văn. Các trường phải bố trí ít nhất 1-2 tiết/tuần để luyện tập, chữa ngọng cho HS.

Các trường có thể tổ chức các hình thức sinh động để tạo môi trường phát âm, viết chuẩn tiếng Việt. GV phải dành thời gian trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để sửa lỗi phát âm cho nhau, hướng dẫn HS chia nhóm để luyện tập sửa ngọng. Việc nắm chắc nghĩa của từ để viết đúng là yếu tố quan trọng giúp việc sửa ngọng nhanh hơn.

Ông Tiến cũng cho rằng, chỉ khi phân biệt được việc phát âm và viết thế nào là đúng, sai thì mới có thể sửa được.

Kế hoạch đề ra không có gì là phức tạp nhưng theo cô Bích Hồng - GV Trường tiểu học Đại Thịnh B thì nếu những năm trước đó đã ngọng mà bây giờ sửa thì rất khó. Bản thân chủ nhiệm lớp 4 cô cũng đã trực tiếp luyện phát âm để viết đúng cho HS của mình thấy rất vất vả bởi lượng kiến thức ở khối này đã quá nhiều rồi.
 
Hà Nội vào cuộc chữa nói ngọng cho HS - 2

Một tiết “luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm n, l” của học sinh lớp 5 Trường tiểu học Đại Thịnh B.

“Theo tôi để giải quyết được việc nói ngọng của các em có hiệu quả nên cần phải triển khai mạnh mẽ ở ngay từ lớp 1, thậm chí là từ mẫu giáo. Tất nhiên để làm được điều đó chúng ta phải có GV thật chuẩn”- cô Hồng đề xuất.

Để hiểu sâu hơn cách mà các trường đang thực hiện trong công cuộc “chuẩn hóa”, chúng tôi đã tham dự một tiết học “luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm n, l” dành cho HS lớp 5 của Trường tiểu học Đại Thịnh B.

Với phương thức đọc một đoạn văn, câu chuyện sau đó GV yêu cầu HS gạch chân những từ có chứa phụ âm l, n. Từ cơ sở tìm ra các từ đó, GV luyện phát âm cho HS. Điều đáng ghi nhận là rất ít HS mắc lỗi khi nhận biết âm l, n nhưng khi luyện phát âm thì lại hoàn toàn khác. Theo quan sát của chúng tôi, nói là luyện phát âm nhưng gần như cách thức mà các trường đang thực hiện đó là “nghe cô đọc và HS đọc lại”.

Chỉ với một từ khá đơn giản như “nộp” hay “làm” nhưng không ít HS của lớp đã phát âm thành “lộp” và “nàm”. Để giải quyết tình huống này GV đã phải nếu cách phát âm l, n như uốn lưỡi lên trên hay phía dưới. Phải ít nhất 5-6 lần một HS lớp 5 mới có thể hoàn tất công việc đọc đúng.

Khi được hỏi tại sao cô không dùng cách luyện tập phát âm như ở khối lớp 1 để thực hiện, GV này cho biết: “Thật ra tỷ lệ HS nói ngọng ở lớp này không nhiều nên dùng cách này nhanh hơn. Còn nếu có nhiều thì hiệu quả nhất là lại phải “rèn” như lớp 1”.

Điều mà chúng tôi quan tâm hơn cả là với khoảng thời gian là 1-2 tiết như hiện nay (theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội) thì GV không thể bao quát kiểm tra được hết HS của mình. Trong khi đó việc chữa ngọng phải diễn ra thường xuyên và liên tục được nhắc nhở thì mới có hiệu quả.

Một HS của Trường tiểu học Phủ Lỗ B (Sóc Sơn) trước kia nói ngọng đã tâm sự với chúng tôi: “Để sửa được lỗi này cháu đã phải rèn rất nhiều. Quan trọng nhất vẫn phải có người nhìn ra việc phát âm sai để điều chỉnh”.

Cô Dương Thị Chuyền - nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Liên Hà (Đông Anh), một trong những ngôi trường mà tỷ lệ HS nói ngọng phổ biến góp ý thêm, ở cấp tiểu học khi được thầy cô quan tâm thì số các em nói ngọng giảm hẳn nhưng khi lên cấp học cao hơn thì lại tái ngọng tương đối nhiều bởi không có ai theo sát để sửa. Chính vì thế chúng ta cùng phải đặc biệt quan tâm đến hiện trạng này để đưa ra hướng giải quyết.

Qua tìm hiểu của phóng viên, Sở GD-ĐT Hà Nội từng đưa ra quy định nếu GV nào nói ngọng mà không sửa được sẽ không cho làm công tác giảng dạy và chuyển làm công tác khác. Chính quy định này khiến các GV luôn có ý thức để sửa. Nhưng đối với HS thì lại khác, chỉ khi nào tạo được ý thức cho HS và sự quan tâm đúng đắn của phụ huynh thì công cuộc “chuẩn hóa” cho công dân thủ đô mới hiệu quả hoàn toàn. Với cách làm như hiện nay, để sửa được thì chắc hẳn phải mất một thời gian khá dài.

Nguyễn Hùng