Sinh viên với bệnh nói ngọng

Nói ngọng đôi khi gây cho sinh viên không ít cảnh dở khóc dở cười: Người điểm thấp khi bảo vệ luận văn, kẻ trầy chật xin việc để rồi bị loại bởi “l” với “n”. Những nỗi oan uổng không biết ngỏ cùng ai là do sinh viên chưa chú trọng sửa âm cho chuẩn để học tập và làm việc.

Minh Thu, cô sinh viên năm cuối trường ĐH Y tức tưởi khóc vì bao công sức cố gắng trong 6 năm học để mong có được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi đã vuột mất. Bài luận văn của cô được thầy hướng dẫn khen ngợi hết lời, những mong Thu sẽ thành công. Thế nhưng cô chỉ nhận được điểm 6, bởi trong suốt thời gian thuyết trình bảo vệ luận văn Thu đều nói ngọng giữa “l” với “n”. 

 

Chân ướt chân ráo ra trường, hy vọng tìm được công việc phù hợp nhưng Hoa (Khoa Marketting ĐH Kinh tế Quốc dân) phải ôm hồ sơ rong ruổi khắp nơi vì đi phỏng vấn ở đâu, cũng bị chê tật nói ngọng. “Bây giờ mới nghĩ đến chuyện sửa cố tật của mình, em thấy buồn lắm, bao năm bạn bè trêu ghẹo góp ý em cứ mặc kệ, giờ mới thấy thấm thía câu của các cụ “Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. 

 

Ngoài tính chất vùng miền, cũng có rất nhiều lý do cho việc nói ngọng của sinh viên. Điệp (SV ĐH Y tế công cộng) quê ở Bắc Giang trọ học cùng cô bạn thân là Lan quê Thanh Hóa, ban đầu nghe Lan nói chuyện nhầm giữa “l” và “n” Điệp còn trêu ghẹo nhại lại bạn, lâu dần chính Điệp nói ngọng theo Lan lúc nào không hay. Và cuối cùng, đến kì bảo vệ luận văn một năm trước, Điệp nhận điểm trung bình trong nước mắt, nỗi niềm không biết ngỏ cùng ai. Đối tượng nói ngọng chủ yếu là nữ sinh, bởi có không ít bạn vì “nói điệu”, “làm duyên” luyến láy khẩu âm khiến tự mình nói ngọng lúc nào không hay. 

 

Còn một bộ phận không nhỏ nữa là do “mốt nói ngọng” từ Internet, trong các forum, topic, khung chat Yahoo... chi chít những từ như “hok = không, zậy = vậy, giời ơi = xời ơi…” thói quen xấu này tưởng như vô hại nhưng khi đối diện với bạn bè ngoài đời thực, vui miệng lại cảm thán ngay bằng ngôn ngữ chat. Thậm chí có bạn còn viết nhầm ngay vào bài thi của mình. 

 

Còn Hoa vốn đã chịu khó sửa giọng ngay từ trong lúc học, mới về quê một tuần khi lên cô luôn mồm hỏi: “Thế tao còn ngọng không, chỉ sợ về quê mấy hôm bị ngọng lại thì làm sao thi được”, cả phòng nhìn mặt cô ngơ ngác mà ôm bụng cười. Gặp những lúc nói nhanh lại líu lưỡi, ngọng nghịu mặt Hoa đỏ bừng. Hơn ai hết Hoa hiểu khi nói ngọng thấy mình “mất điểm” trước người khác rất nhiều.

 

Từ lâu các bạn trẻ mặc nhiên coi nói ngọng là chuyện bình thường, chưa đặt nó vào cố tật xấu cần sửa đổi. Một số còn cho rằng, nói ngọng là bệnh “di truyền có sửa cũng thế thôi, cứ để thế cho nó gần với quê quán”.  

 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Giảng viên môn Văn hoá - Văn học, khoa Báo chí, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn - ĐHQG Hà Nội): “Việc nói ngọng hay lẫn lộn không phân biệt được “tr” với “ch”, “x” với “s”, “l” với “n” và các dấu trong phát âm là do văn hóa vùng miền, hầu như tất cả sinh viên ở các tỉnh  đều nói ngọng.

 

Nhưng điều quan trọng là phải biết sửa, việc đó không khó nhưng phải kiên trì. Sinh viên năm cuối mà còn nói ngọng thì nhiều giảng viên rất khó chịu, nghe xộn xạo như nhai gạo sống”.

 

Theo Thu Trang
VTC News