Đánh giá học sinh tiểu học:

Hà Nội không gây sức ép cho giáo viên về sổ sách

(Dân trí) - Trước việc nhiều trường vẫn tạo áp lực sổ sách cho giáo viên, tại buổi sơ kết học kì 1 bậc tiểu học sáng nay 21/1, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến quán triệt: “Hiệu trưởng không máy móc, ép buộc giáo viên trong việc ghi sổ sách”.

Nhiều áp lực nhưng không dám... chia sẻ

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, đây là đầu tiên Hà Nội thực hiện hội thảo trực tuyến mà có sự tham gia của hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học trên toàn thành phố. Mục đích là Sở mong muốn được lắng nghe nhiều hơn ý kiến từ phía cơ sở, đặc biệt là trực tiếp Hiệu trưởng các trường.

Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến quán triệt các trường học trong việc thực hiện Thông tư 30.
Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến quán triệt các trường học trong việc thực hiện Thông tư 30.

Thông tư 30 vẫn được nhiều giáo viên ở địa bàn Hà Nội than phiền về số lượng sổ sách quá lớn, ghi chép quá nhiều… do đó không thể quan tâm được nhiều tới học sinh. Tuy nhiên, khi lãnh đạo Sở GD-ĐT bày tỏ mong muốn nhận được những chia sẻ đánh giá về bản tổng kết học kì 1 cũng như băn khoăn nếu có thì lại không một ai mạnh dạn đề đạt mà vẫn là điệp khúc “đồng ý, nhất trí”.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, phụ trách bậc tiểu học đặt dấu chấm hỏi: Tôi không tin hơn 700 thầy cô ở đây mà không ai có băn khoăn, thắc mắc gì?

“Tôi nghĩ chắc chắn là có băn khoăn, muốn chia sẻ nhưng vì lý do này lý do khác nên chưa đưa ra tại đây. Tôi mong các thầy cô có ý kiến gì sau này có thể chuyển cho các phòng GD-ĐT. Nếu giải quyết được ngay thì các phòng GD-ĐT hướng dẫn, giúp đỡ các trường. Nếu các phòng không giải quyết được thì chuyển lên phòng GD Tiểu học của Sở. Nếu Sở không giải quyết được thì chúng tôi sẽ gửi ý kiến lên Bộ GD-ĐT. Thậm chí, nếu cần ra văn bản để giải quyết vấn đề thì Sở sẽ làm” - ông Tiến chia sẻ.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị với các Phòng GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường tiểu học hãy mạnh dạn nêu vấn các trường, giáo viên hiện nay có khó khăn gì. Đừng nghĩ tặc lưỡi cho qua, nói làm gì cho phòng, sở soi xét. Phải bỏ quan điểm đó. Nói thẳng nói thật. Đừng để âm ỉ trong đầu rồi làm đôi khi không đúng, ức chế mãi.

Hiệu trưởng không gây sức ép cho giáo viên về sổ sách

Mặc dù không có một ý kiến nào băn khoăn về việc thực hiện Thông tư 30 nhưng Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến vẫn thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay trong dư luận có nhiều ý kiến về Thông tư 30, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận cho thấu đáo. Nếu ở Thông tư 32 ở khâu đánh giá thường xuyên thì một số môn vẫn cho điểm thì nay ở quy định mới là không cho điểm. Nhiều người đặt ra băn khoăn, như vậy sẽ không tập trung, chất lượng giảm sút. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo của các trường mà tổng hợp được thì cho thấy tỷ lệ học sinh đạt hoàn thành cao hơn cùng kì của năm học trước, tỷ lệ chưa hoàn thành thấp hơn. Như vậy, đánh giá theo Thông tư 30 không làm giảm chất lượng học sinh.

“Trước đây mở vở học sinh ra là ta thấy điểm số nhưng bây giờ thấy không điểm số mà chỉ là những lời nhận xét giáo viên. Nhận xét bằng lời có ký hiệu, vết tích, chữ đúng hoặc chữ V để ký hiệu chưa hoàn thành. Qua thực tế ở các quận, huyện cho thấy, hầu hết các trang đều có bút tích mực đỏ của cô giáo hoặc bút chì học sinh (tự sửa bài hoặc bạn đánh giá). Cuối tuần còn có bút tích của phụ huynh. Nếu làm được tốt điều này sẽ tác động trẻ thường xuyên, kịp thời” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến chia sẻ.

Ông Tiến cũng khẳng định, hiện nay vấn đề lớn nhất của giáo viên khi thực hiện Thông tư 30 đó là băn khoăn về sổ sách.

“Chúng tôi đi khảo sát thực tế cho thấy, thầy cô đang tự làm khổ mình, Sở không bắt thầy cô phải làm như vậy. Có thầy cô biết nhưng không dám làm vì sợ Ban giám hiệu phê bình. Trong khi đó, có các đồng chí hiệu trưởng đôi khi cũng quá máy móc, đi sâu quá vào vấn đề hình thức. Chúng ta cần phải nhận thức được giáo viên cần phải làm gì và làm cho ai” - ông Tiến nói.

Tại Hội nghị sơ kết, Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến cũng quán triệt tới 30 quận/huyện, sổ theo dõi chất lượng là ghi những gì học sinh còn hạn chế hoặc có điểm nổi bật, không phải ghi tất cả. Cũng phải xác định đây sổ cá nhân ghi chú của giáo viên. Ban giám hiệu cần hướng dẫn kĩ cho giáo viên ghi thế nào. Xem sổ đó đánh giá xem cô giáo này đã lưu bút ở những em này có vấn đề này, kia. Tháng này còn làm chậm, tháng sau thế nào. Không nặng nề về sổ sách, hồ sơ. Giáo viên yên tâm phục vụ cho mình, làm tốt công việc trong giảng dạy.

“Sổ ghi chép giáo viên không cần chìa cho học sinh đọc chính vì thế không phải ghi chuẩn chỉnh mà cần phải biết quy ước để cho bản thân mình hiểu và giải thích cho Hiệu trưởng biết là được” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến chốt về vấn đề sổ sách.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều Hiệu trưởng, mặc dù Hội nghị đã quán triệt cách thức ghi sổ sách nhưng cũng cần ban hành một văn bản, hướng dẫn chi tiết để làm hành lang pháp lý cho các trường thực hiện. Nếu không có văn bản thì khi lãnh đạo Phòng GD-ĐT về kiểm tra hỏi về sổ sách sẽ không biết trả lời ra sao.

Lo lắng của giáo viên không phải là thiếu cơ sở khi mà trực tiếp chúng tôi chứng kiến việc lãnh đạo của một trường đề xuất ý tưởng mã hóa sổ sách lên Phòng GD-ĐT lập tức nhận được phản hồi: Cứ theo quy định mà làm, không mã hóa gì hết. Lãnh đạo cấp trên có nói nhưng khi chưa có văn bản chính thức thì cũng không được thực hiện.

Nguyễn Hùng

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm