Hà Nội: Không bắt ép HS tiểu học làm bài tập ở nhà
(Dân trí) -Giáo viên cần hướng dẫn HS tự học và tạo mọi điều kiện để HS hoàn thành bài học tại lớp, tuyệt đối không yêu cầu HS làm thêm bài tập ở nhà khi đã học 2 buổi/ngày. Nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm cho HS của lớp mình phụ trách (kể cả ngày nghỉ).
Năm học 2012-2013, Hà Nội tiếp tục chữa nói "ngọng" ở một số quận huyện.
Sở GDĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, thời lượng tối đa chỉ 5 tiết/buổi, tối thiểu 5 buổi/tuần. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4 tiết/tháng) được thực hiện tích hợp, lồng ghép vào các môn mỹ thuật, âm nhạc, thủ công-kỹ thuật theo hướng dạy học phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhà trường. Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày, thời lượng tối đa không quá 7 tiết giáo dục văn hóa/ngày. Các trường cần từng bước nghiên cứu đổi mới hình thức tổ chức dạy buổi thứ hai phù hợp với nhu cầu của HS.
Năm học mới này, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm mô hình trường học mới tại Trường tiểu học Tả Thanh Oai (H. Thanh Trì). Triển khai thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột” (phương pháp dạy hình thành kiến thức cho HS bằng các thí nghiệm, HS được chia nhóm để tự làm) tại 4 trường tiểu học tại quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng. Thí điểm ở môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2, 3 môn Khoa học ở lớp 4, 5. Tiếp tục triển khai thí điểm dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới tại 10 trường tiểu học (quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân).
Tổ chức dạy học theo hướng hoạt động, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Những nơi có điều kiện chủ động thực hiện mô hình dạy học phân hoá theo các nhóm đối tượng HS trong cùng một lớp đảm bảo phù hợp với từng đối tượng. Tập trung chỉ đạo dạy-học và tổ chức các hoạt động đối với HS lớp 1.
Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy - học trên cơ sở đảm bảo Chuẩn kiến thức và kỹ năng các môn học, vận dụng linh hoạt, đảm bảo tính vừa sức phù hợp với trình độ và khả năng nhận thức của HS địa phương. Giao trách nhiệm cho GV chủ động thực hiện phân phối chương trình môn học theo từng tuần. Mỗi GV chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy bám sát yêu cầu cơ bản về chuẩn kiến thức và kĩ năng của từng bài. Tiếp tục triển khai tích cực Chuyên đề “Luyện phát âm và viết đúng hai phụ âm đầu L, N” đối với GV và HS cấp Tiểu học tại một số khu vực trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chủ trương cấp sách giáo khoa cho HS có hoàn cảnh khó khăn, con liệt sĩ, con thương binh, cần tăng cường xây dựng tủ sách dùng chung nhằm tạo điều kiện choHS có hoàn cảnh khó khăn, HS diện chính sách có thể thuê hoặc mượn, đồng thời giáo dục HS ý thức giữ gìn và bảo quản sách để có thể sử dụng trong nhiều năm. Đảm bảo 100% HS đến trường đều có sách giáo khoa.