Hà Nội khen thưởng nhà giáo mẫu mực tiêu biểu

(Dân trí) - Sáng nay 15/11, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2009 - 2010 và tổng kết đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện nay cả Hà Nội có 2.464 trường và cơ sở giáo dục với 1,4 triệu học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố Hà Nội đã đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào cơ sở vật chất, trong đó kế hoạch là xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp với kinh phí 1.546 tỷ đồng sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2010.
 
Hà Nội khen thưởng nhà giáo mẫu mực tiêu biểu - 1
Cô và trò trường tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Với những cố gắng nỗ lực của toàn ngành giáo dục thủ đô, kết thúc năm học 2009 - 2010, ngành đã được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất vào tháng 11/2009 và Bằng khen đơn vị xuất sắc dẫn đầu của Thủ tướng Chính phủ; UBND TP đã công nhận cho 354 đơn vị tập thể Lao động xuất sắc và gần 300 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có 260 tập thể và 244 cá nhân tiêu biểu được Sở GD-ĐT tặng giấy khen.

Đóng góp to lớn nhất trong sự phát triển giáo dục thủ đô là đội ngũ giáo viên với lòng nhiệt tình say mê yêu nghề đã tạo nên những “kỳ tích” cho ngành giáo dục Hà Nội với 94,63% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, 25 học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học; 118 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, đã có 9 giải học sinh giành được huy chương tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế.

Các cô giáo đã có những xuất sắc cho ngành giáo dục thủ đô như cô giáo Nguyễn Thu Kiều Trang, giáo viên Trường tiểu học Tràng An, 2 lần đoạt giải nhất cấp thành phố về tiết dạy và sử dụng đồ dùng dạy học; cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Trường THCS Trưng Vương đã đoạt giải xuất sắc hội thi chuyên đề “Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” cấp thành phố; cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đạt giải nhất môn Sinh cấp thành phố; cô giáo Chung Thị Hương, Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố, cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Trung tâm GDTX Đống Đa, cô giáo Hoàng Thị Tâm, Trung tâm GDTX Thanh Trì... là những giáo viên tâm huyết với nghề, say sưa chuyên môn đạt đạt giải nhất kỳ thi giáo viên giỏi môn Hóa và Vật lý cấp thành phố…

Bên cạnh đội ngũ giáo viên giỏi, nhiều cán bộ quản lý, những người luôn đi đầu trong mọi việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã góp phần đưa tập thể nhà trường phát triển vững chắc như thầy giáo Nguyễn Minh Châu, hiệu trưởng trường THPT Ngọc Tảo; thầy giáo Phạm Đức Doanh, hiệu trưởng Trường THPT Việt Ba đã vinh dự được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích mà ngành giáo dục Hà Nội đạt được, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận rằng quy mô giáo dục ở một số ngành học, cấp học chưa hợp lý; chất lượng giáo dục toàn diện giữa các trường, các vùng miền chưa đồng đều. Một bộ phận học sinh chưa ngoan về đạo đức, lối sống và bạo lực học đường vẫn còn. Trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm của một số giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất vẫn chưa thật đầy đủ; quỹ đất còn thiếu theo tiêu chuẩn, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Vẫn còn ý kiến về dạy thêm, học thêm, về ấn đề quản lý tài chính, thu chi đầu năm học và tuyển sinh đầu cấp. Ở một số trường chưa phát huy tốt quy chế dân chủ, kinh nghiệm quản lý của một số cán bộ quản lý còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận cán bộ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non nông thôn cũng còn nhiều khó khăn.

Hồng Hạnh