Hà Nội đối mặt với nguy cơ thiếu trường học

Cơ sở vật chất, đặc biệt là quỹ đất dành cho giáo dục còn thiếu, quy mô mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác di dời hộ dân trong trường học và việc xây dựng trường chuẩn quốc gia còn chậm.

Trên đây là những khó khăn, hạn chế được Sở GD-ĐT Hà Nội nêu ra tại buổi làm việc ngày 24/4 với các đơn vị chức năng của TP Hà Nội về công tác kiên cố hóa trường lớp và xã hội hóa giáo dục trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội hiện có 1.029 cơ sở giáo dục và 234 Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, với 34.815 giáo viên và 697.479 học sinh. Theo phân cấp, Sở GD-ĐT Hà Nội trực tiếp quản lý các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và 5 trường phổ thông, mầm non trực thuộc. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc quản lý của các quận, huyện.

Tuy nhiên, trước nhu cầu học tập của người dân ngày càng lớn thì quỹ đất đầu tư xây dựng trường học tại Hà Nội dường như lại càng khó khăn hơn, nhất là khu vực các quận nội thành.

Tại 4 quận nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình vẫn còn tới 11 phường chưa có trường tiểu học, 29 phường chưa có trường THCS; bình quân số học sinh/lớp, số lớp/trường cao, nhưng số m2/học sinh lại rất thấp so với quy định. Thêm vào đó theo Luật cư trú mới, với sức hấp dẫn của đô thị Thủ đô, dân số cơ học ngày càng tăng nhanh, khiến nguy cơ thiếu trường học tại Hà Nội là không tránh khỏi.

Trước nguy cơ thiếu trường học trong tương lai gần, một trong những giải pháp được Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị với thành phố là sớm điều chỉnh bổ sung Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội và dành thêm nhiều quỹ đất cho giáo dục.

TP Hà Nội cũng chủ trương trong thời gian tới giao cho các đơn vị chức năng phối hợp nghiên cứu chọn địa điểm để xây trường cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân thuê, đồng thời tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, xây dựng trường học.

Được biết từ đầu năm 2008 đến nay, TP Hà Nội đã tiếp nhận 19 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, trong đó có dự án xây trường liên thông các cấp học với quy mô lớn ở huyện Từ Liêm.

Ở quận Hoàng Mai, khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh của Thủ đô, sau gần 4 năm thành lập quận, dân số tại đây đã tăng từ 18 vạn người lên gần 27 vạn người, trong khi cơ sở vật chất trường lớp lại rất thiếu thốn, đặc biệt là bậc mầm non.

Ở các lớp mẫu giáo 4-5 tuổi, tình trạng sĩ số 50-60 cháu/lớp được coi là chuyện bình thường. Số trẻ từ 0-5 tuổi trên địa bàn quận vào khoảng 25.000 cháu, nhưng trường lớp chỉ có khả năng đáp ứng được 15% nhu cầu gửi trẻ, dẫn đến các nhóm, lớp mầm non tư thục nở rộ không thể kiểm soát.

Với thực tế này, theo dự báo của lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận thì áp lực các năm tới với cấp tiểu học và THCS sẽ rất nặng nề.

Với quận Hai Bà Trưng, cái khó là quận đã quan tâm đầu tư xây dựng trường học theo hướng chuẩn, nhằm tạo điều kiện tốt cho học sinh học tập. Nhưng khi xây xong trường đẹp càng không có điều kiện để đón học sinh do sĩ số học sinh/lớp phải giảm xuống theo quy định. Thế nên ở khu Nhà máy Dệt 8/3, dù quận đã đầu tư xây dựng 2 trường mầm non Quỳnh Mai và mầm non 8/3 khang trang nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu của khu công nhân này.

Còn ở quận Tây Hồ, vấn đề quy hoạch địa điểm đất cho trường học lại rất nan giải, bởi muốn thực hiện chủ trương thành lập mới các trường tư thục để cạnh tranh, nâng cao chất lượng các trường công lập thì cần phải có đất. Nhưng việc xin đất xây trường của các đơn vị, doanh nghiệp lại cực kỳ khó khăn.
Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm