Hà Nội: “Căng” xét tuyển vào mầm non công lập

(Dân trí) - “Đối với mầm non, hiện chúng ta mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi nên việc trẻ dưới 5 tuổi vào được các trường mầm non công lập phải qua các phương thức xét tuyển của nhà trường như bốc thăm là đương nhiên”, trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết như vậy.

Cũng theo ông Đại, với các lớp 1, lớp 6 của Hà Nội, tất cả các em đúng tuyến đều được vào trường công lập vì đã phổ cập, không có chuyện học sinh hai khối này không được vào trường công lập- trừ gia đình phụ huynh học sinh có nhu cầu vào trường ngoài công lập.

Vẫn cấm thi tuyển vào lớp 6

+ Năm ngoái, nhiều trường đặc biệt vẫn có cách tuyển sinh riêng để chọn học sinh vào lớp 6. Liệu năm nay, tình trạng này có diễn ra không thưa ông?

Năm ngoái, việc tuyển sinh đầu cấp vào các trường như: Marie Curie, Amsterdam, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành... đều qua xét tuyển và có thể nói là thành công vì chúng tôi đã xây dựng các tiêu chí rất cẩn thận.

Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn yêu cầu các trường THCS không được dùng phương thức thi tuyển vào đầu cấp nên Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn kiên quyết yêu cầu các trường tuyển sinh theo phương thức xét tuyển và cấm thi tuyển dưới mọi hình thức.

+ Do phụ huynh có kinh nghiệm về việc có chứng chỉ các cuộc thi sẽ được xét tuyển dễ dàng hơn nên năm nay, các cuộc thi trên mạng đã tạo áp lực rất lớn cho nhiều gia đình. Sở GD&ĐT có hướng dẫn gì để tránh tình trạng một số em năng lực rất giỏi nhưng trượt cơ hội vào trường vì không có chứng chỉ các cuộc thi?

Các cuộc thi đó là một sân chơi. Đã là sân chơi thì phải tự nguyện và nó cũng có những mặt tốt nhất định. Tùy từng trường sẽ có các tiêu chí xét tuyển. Tuy nhiên, cho dù tiêu chí gì thì cũng không thể bỏ qua tiêu chí xét năng lực học tập từ lớp 1 đến lớp 5. Chẳng hạn, một số trường như Amsterdam, họ lấy tiêu chí 5 năm học sinh giỏi. Năm ngoái là năm đầu tiên thực hiện nhưng nhiều trường vẫn tuyển sinh tốt nên năm nay, tôi tin các trường sẽ có nhiều kinh nghiệm.

Hà Nội: “Căng” xét tuyển vào mầm non công lập - 1

+ Việc xét tuyển vào lớp 6 nhưng không cho phép các trường đặc biệt có cơ chế tuyển sinh riêng, theo ông, liệu có đảm bảo chất lượng?

Muốn xem xét chất lượng đào tạo, phải có thời gian để xác minh. Không thể chỉ qua một vài năm đã có thể xác định được. Vì thế tôi nghĩ rằng phương án nào cũng có tính hai mặt, có cái tốt và chưa tốt.

Phương án xét tuyển này đang phát huy tác dụng nên tôi nghĩ, chúng ta cứ tiếp tục thực hiện trong một thời gian nữa. Được biết, qua báo cáo của một số trường sau khi kết thúc học kì I vừa qua, kết quả học tập của những học sinh tuyển sinh năm ngoái khá tốt.

Máy móc ở trường mầm non, tiểu học còn hạn chế

+ Việc chuẩn bị cho phương án tuyển sinh trực tuyến đã thực hiện khá lâu. Liệu kỳ tuyển sinh năm nay, có thể áp dụng đại trà phương án này cho việc tuyển sinh đầu cấp của TP Hà Nội?

Phương án tuyển sinh trực tuyến là phương án mà Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo. Sở GD&ĐT cũng mong muốn phương án này tạo điều kiện cho người dân một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cũng hết sức thận trọng ở chỗ, hạ tầng CNTT cua chúng ta chưa tốt. Thứ hai là khả năng ứng dụng CNTT của chúng ta còn một bộ phận chưa tiếp cận được.

Kể cả ở trên thế giới và trong nước, việc triển khai phải theo từng mức độ. Trước mắt, chúng tôi đang hy vọng có thể xây dựng theo mức độ 3, đó là có thể áp dụng việc nộp đơn tuyển sinh trực tuyến. Người dân có thể đăng kí đơn và căn cứ vào mức đơn, những em nào đúng tuyến thì đều được nhận.

Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai nhưng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: máy móc, đường truyền, cơ sở vật chất và phần mềm phải được thực hiện. Nếu chưa thực hiện xong mà đã đưa ra áp dụng ngay thì chưa được.

+ Sở GD&ĐT Hà Nội đã có cuộc khảo sát liên quan đến tình hhình cơ sở vật chất chuẩn bị cho tuyển sinh trực tuyến? Có khoảng bao nhiêu phần trăm các trường có thể đáp ứng được ngay phương thức này, thưa ông?

Chúng tôi đã có khảo sát và thấy hệ thống máy móc ở các trường mầm non, tiểu học vẫn còn hạn chế. Trước mắt, phải hoàn thiện phần mềm, căn cứ vào đó để ứng dụng thử nghiệm trên 1.500 trường. Chúng tôi tính toán thử nghiệm trong một phạm vi rộng như thế xem thử được không rồi mới triển khai rộng hơn.

Vào mầm non vẫn còn “căng”

+ Sở GD&ĐT năm nào cũng cho rằng, không thể thiếu chỗ học cho trẻ đúng tuyến. Tuy nhiên, nhiều trẻ mầm non công lập vẫn “trượt” trên chính tuyến của mình vì phải bốc thăm do trường quá đông. Năm nay, liệu Sở GD&ĐT có phương thức gì để hạn chế tình trạng này?

Riêng lớp 1, lớp 6 của Hà Nội, tất cả các em đúng tuyến đều được vào trường công lập vì đã phổ cập, không có chuyện học sinh hai khối này không được vào trường công lập - trừ gia đình phụ huynh học sinh có nhu cầu vào trường ngoài công lập.

Đối với mầm non, hiện chúng ta mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi nên việc trẻ dưới 5 tuổi vào được các trường mầm non đấy, phải qua các phương thức xét tuyển của nhà trường như bốc thăm là đương nhiên.

+ Liệu có tình trạng, các em vẫn được vào nhưng sĩ số các lớp đội lên cao, khoảng 60-80 cháu/lớp?

Không thể có chuyện đấy vì thành phố và Sở GD&ĐT đã tính toán số liệu, cũng như trường lớp hiện cũng đã được xây thêm rất nhiều, đảm bảo cho học sinh lớp 1, lớp 6 đủ chỗ học theo đúng phổ cập giáo dục.

Đối với mầm non, do mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi nên dứt khoát những trẻ mầm non 5 tuổi phải có trường học. Vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các trường mầm non trên địa bàn thành phố ưu tiên cho trẻ 5 tuổi. Nếu trường nào có tình trgạng 80 cháu/lớp thì phải báo cáo ngay với quận huyện để giải quyết chứ không thể để tình trạng như thế xảy ra được.


Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Hà Nội xây thêm 26 trường

+ Hiện một số quận huyện như Hoàng Mai, Cầu Giấy... các khu chung cư được xây dựng rất nhiều nên trường học quá tải. Sở có tham mưu để các địa phương này xây dựng thêm trường trong khu vực để giảm tải?

Sở GD&ĐT đã đề xuất và tham mưu với TP khi xây dựng các khu chung cư phải có các trường học như mầm non, lớp 1, lớp 6. Lãnh đạo UBND TP cũng rất quan tâm đến việc này và khi phê duyệt các dự án thì đều có tính đến các trường học sao cho phù hợp.

Một số quận mới như Từ Liêm, số dân di cư đến rất đông, tập trung trong một thời gian ngắn. Vì thế tôi hi vọngtrong thơì gian tới, các nỗ lực giảm tải sẽ thành công.

+ Chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu cho thành phố xây dựng thêm bao nhiêu trường mới?

Năm nay, Chủ tịch UBND thành phố đã có yêu cầu sở có kế hoạch xây dựng thêm 26 trườnrg mới, chủ yếu là ngoại thành.

+ Năm nào sở cũng thực hiện “3 tăng, 3 giảm” nhưng những năm qua, hầu như vẫn chưa có biện pháp nào để giảm tải trong tuyển sinh đầu cấp?

Sở năm nào cũng đề xuất và yêu cầu các phòng giáo dục báo cáo với các quận huyện để các quận huyện có kế hoạch báo cáo với thành phố nhằm xây dựng thêm trường học. Và năm nào, thành phố cũng đầu tư kinh phí rất lớn để xây dựng thêm trường học cho ngành giáo dục.

Tuy nhiên, do mức độ di dân của thành phố quá cao nên mức độ đáp ứng của thành phố còn khó khăn. Vì vậy, thành phố cũng đang có chủ trương xã hội hóa để mở rộng thêm các trường và nhiều học sinh được đến học.

Theo nghị quyết của Chính phủ, các trường mầm non trên toàn quốc, việc xã hội hóa phải đạt trên 80%. Tuy nhiên, tỉ lệ này ở Hà Nội còn rất thấp.

+ Xin cảm ơn ông!

Mỹ Hà (ghi)

(Email:myha@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm