GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Cần có công cụ để tránh đạo văn tiến sĩ

(Dân trí) - Để tránh đạo văn, cần có công cụ để phát hiện những lỗi trùng lặp. Nếu không có công cụ, không có phần mềm chống đạo văn thì dễ mắc phải việc trùng lặp do sao chép, trích dẫn mà nhiều khi không cố ý.

Đó là ý kiến góp ý của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Nghị định hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học khi trao đổi với phóng viên Dân trí.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Cần có công cụ để tránh đạo văn tiến sĩ - 1

Kinh phí đào tạo nghiên cứu sinh ở Việt Nam thấp  gần nhất so với thế giới (ảnh minh họa)

Xin GS cho biết, những yếu tố nào quan trọng nhất quyết định đến chất lượng đào tạo tiến sĩ (TS) ở các cơ sở giáo dục đại học?

Có nhiều yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo tiến sĩ. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát gần 500 NCS và trên 300 giảng viên hướng dẫn NCS của hơn 40 trường đại học trong cả nước, kết quả cho thấy những yếu tố quan trọng nhất là:

Chất lượng đầu vào và động lực của người học; Tiềm lực KHCN của đơn vị và chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy và hướng dẫn NCS; Công tác tổ chức, quản lý đào tạo; Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và giảng dạy;

 Kinh phí và đầu tư của nhà trường cho hoạt động NCKH của giảng viên và học bổng cho NCS và hội nhập, hợp tác trong nước và quốc tế trong quá trình đào tạo NCS. Tuy nhiên, mức độ tác động của các yếu tố này cũng có sự khác biệt giữa các lĩnh vực và ngành nghề đào tạo.

Tại hội thảo về các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ do ĐHQGHN  phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong cuối tháng 5 vừa qua, về phía các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ hướng dẫn NCS đều nhất trí trong bối cảnh hiện nay có 3 yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ là:

Hình thức đào tạo NCS phải chính quy, toàn thời gian tại cơ sở đào tạo; phải xem NCS là nhân lực KHCN quan trọng của nhà trường và phải có hỗ trợ sinh hoạt phí cho NCS đủ trang trải cuộc sống, yên tâm dành toàn tâm toàn ý cho làm luận án; có môi trường NCKH cho NCS và quan trọng nhất là NCS phải được đào tạo trong các nhóm nghiên cứu mạnh.

Kinh phí đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thấp gần nhất thế giới

GS nhận định thế nào về sự khác biệt giữa đào tạo TS ở Việt Nam ở quốc tế? Đâu là những điểm yếu trong đào tạo TS của Việt Nam hiện nay?

Các trường đại học nước ngoài, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu rất cần NCS. Họ coi NCS là lực lượng nghiên cứu khoa học chủ lực, quan trọng của nhà trường, còn Việt Nam ta thì quan niệm NCS là người học.

Ở nước ngoài, NCS phải tham gia các nhóm nghiên cứu và thực hiện làm luận án trong các nhóm nghiên cứu hoặc trong các đơn vị chuyên môn hẹp như các PTN/Bộ môn. NCS được cấp sinh hoạt phí hoặc học bổng (như một hình thức trả lương cho những nghiên cứu viên).

Khi làm luận án ở nước ngoài như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,….NCS được tham gia các seminar, hội nghị hội thảo trong nước và quốc tế và được nhà trường hoặc GS hướng dẫn chi trả phí hội nghị, phí xuất bản, tiền ăn ở đi lại. NCS cũng có điều kiện và được hỗ trợ kinh phí để triển khai các thí nghiệm, thực nghiệm.

Công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế ISI là chuẩn đầu ra bắt buộc đối với NCS của nhiều nước phát triển trên thế giới.

Đặc biệt với nhiều nước phát triển, trừ các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các đề tài luận án tiến sĩ của NCS thường đều rất thiết thực, gắn với việc giải quyết yêu cầu trong hiện tại hoặc tương lai của các doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương.

Đó là những điểm khác biệt quan trọng trong đào tạo NCS của Việt Nam so với thế giới và theo tôi cũng là những “điểm yếu” trong đào tạo NCS của chúng ta hiện nay.   

Nguyên nhân của những khác biệt trên, tôi cho là do chưa có nhiều sự gắn kết giữa các đề tài luận án với doanh nghiệp và đầu tư chưa thỏa đáng của Nhà nước cho đào tạo NCS.

Kinh phí chi cho đào tạo NCS ở Việt Nam vô cùng thấp so với thế giới.  Ở các trường công lập hiện nay, kinh phí đảm bảo cho hoạt động của 1 NCS trung bình chỉ khoảng 30 triệu/năm (trong đó kinh phí Nhà nước  đầu tư khoảng 10 triệu/NCS/năm và học phí NCS phải đóng khoảng 20 triệu/năm). Thù lao hướng dẫn 1 NCS khoảng 1,5 triệu/năm. Nếu NCS có 2 người hướng dẫn thì kinh phí hỗ trợ này được chia đôi.

Đó là những bất cập rất căn bản mà chúng ta phải có giải pháp để cải thiện trong thời gian tới.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Cần có công cụ để tránh đạo văn tiến sĩ - 2

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Phải đặt mục tiêu đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân tài

Vậy làm thế nào để có thể tạo nên một cuộc “cách mạng” trong đào tạo TS thưa GS?

Đào tạo tiến sĩ là bậc học cao nhất (bậc 8) trong khung trình độ quốc gia, và do đó, đào tạo tiến sĩ là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Tiến sĩ phải có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, sáng tạo ra cái mới, giải quyết các vấn đề mới.

Đồng thời, tiến sĩ phải có khả năng đào tạo người khác, là nòng cốt trong nhóm nghiên cứu và có khả năng tổ chức và dẫn dắt, triển khai các hoạt động NCKH.

Vì vậy, phải đặt mục tiêu đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân tài. Phải đặt trọng tâm vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực sáng tạo của NCS. Để làm được điều này, NCS phải được làm việc trong môi trường nhóm nghiên cứu. Vì thế, phải xây dựng và hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học. Phải có lộ trình để chuẩn đầu ra của NCS phải có các công bố quốc tế ISI/scopus như thế giới.

Mặt khác trong quá trình đào tạo phải để NCS được tham gia hoạt động đào tạo như trợ giảng bậc đại học hoặc hướng dẫn sinh viên, học viên cao học thực hành, thực tập; hoặc hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học cho sinh viên,…

Một điểm rất quan trọng cần đổi mới trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam trong thời gian tới là lựa chọn các đề tài luận án cho NCS.

Theo tôi, đề tài luận án của NCS phải bám sát những vấn đề khoa học mới, nóng hổi của ngành/chuyên ngành, bắt nhịp được với hơi thở của các đồng nghiệp trên thế giới. 

Đồng thời phải có định hướng ứng dụng triển khai vào thực tiễn, góp phần giải quyết những yêu cầu thiết thực của địa phương, doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Về mặt vĩ mô, phải quan niệm NCS là nguồn nhân lực KHCN quan trọng của nhà trường. Đào tạo NCS  - các tiến sĩ tương lai chính là đào tạo hiền tài, nguồn nhân lực trình độ cao của đất nước.

Do đó, chương trình đào tạo NCS phải chính quy, toàn thời gian; thay vì NCS phải đóng học phí, phải có đầu tư tương xứng từ Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học, cấp sinh hoạt phí và có học bổng cho NCS đủ sống để yên tâm nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ.

Nhà nước “cởi trói” cho các trường đại học

Theo ông, cơ chế tự chủ đại học có thể đóng góp như thế nào vào việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ?

Trong khi kinh phí của Nhà nước còn hạn hẹp, thì tự chủ đại học chính là giải pháp mà Nhà nước “cởi trói” cho các trường đại học, nhất là các trường công lập.

Đây là điểm tiến bộ quan trọng nhất của Luật giáo dục đại học mới sửa đổi vừa qua. Luật giáo dục đại học sửa đổi đã cho phép các trường đại học hạch toán kinh tế kỹ thuật hợp lý để có thể thu học phí đủ để đảm bảo chất lượng và  chuẩn đầu ra mà nhà trường cam kết.

Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình. Khi thực hiện tự chủ, cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý cấp trên, với xã hội về những quyết định của mình.

Cho nên tự chủ đại học đề cao trách nhiệm xã hội, các điều kiện đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra và sự công khai minh bạch trong các hoạt động của cơ sở đào tạo, sẽ là áp lực và động lực để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có đào tạo TS.

Theo tôi, tự chủ đại học là giải pháp then chốt để có những đột phá trong giáo dục đại học nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng.

Quan trọng nhất là tự chủ tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học có thể tự hạch toán thu-chi, chủ động đưa ra các quyết sách nhanh chóng và kịp thời để thu hút và đa dạng hóa nguồn lực, đầu tư đúng, trúng, nhanh chóng, trọng điểm nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Tự chủ đại học, nhà trường mới có nguồn lực tập trung đầu tư cho con người, thu hút được nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung cho chất lượng đào tạo và NCKH.

Tự chủ đại học cũng là quá trình tự nhiên thôi thúc gắn kết học với hành, nhà trường với doanh nghiệp. Các trường đai học cần yêu cầu các đề tài luận án không chỉ đóng góp mới về khoa học mà phải góp phần tham gia giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra theo yêu cầu của doanh nghiệp, các bộ ngành và các địa phương.

Phải có phần mềm để tránh đạo văn tiến sĩ

Thưa GS, hiện nay, vấn đề sao chép, “đạo văn” khá nóng, vậy theo GS phải làm thế nào để giúp NCS hạn chế được vấn đề này?

Để tránh đạo văn, cần có công cụ để phát hiện những lỗi trùng lặp. Nếu không có công cụ, không có phần mềm chống đạo văn thì dễ mắc phải việc trùng lặp do sao chép, trích dẫn mà nhiều khi không cố ý.

Ở nước ngoài, yêu cầu với sinh viên, học viên cao học, NCS cũng như các cán bộ giảng viên trước khi gửi bài hoặc trước khi nộp luận văn, luận án phải kiểm tra để tránh trùng lặp là bặt buộc. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các trường ở nước ngoài lại luôn cung cấp việc sử dụng phần mềm chống đạo văn miễn phí cho người học và cho giảng viên của họ (phổ biến hiện nay trên thế giới hay dùng  phần mềm Turnitin). Ở Việt Nam chưa làm được đầy đủ và triệt để điều này. Rất nhiều trường đại học còn không có phần mềm hoặc bản quyền sử dụng phần mềm chống đạo văn.

Khi không có công cụ thì người học dễ mắc phải việc trùng lặp do sao chép, trích dẫn là điều dễ hiểu.  Vì vậy, bên cạnh việc quy định rõ ràng hơn việc chống sao chép và đạo văn trong quy chế đào tạo tiến si lần này, quy chế cũng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo phải cung cấp cho người học phần mềm  chống đạo văn.

Ngoài ra, cần phân biệt và định nghĩa rõ khái niệm đạo văn, xem xét mức độ đạo văn khác nhau để có hình thức xử lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Cần cảnh giác với việc lợi dụng khái niệm này với dụng ý xấu để gây mất đoàn kết, giảm uy tín của đồng nghiệp và cơ sở đào tạo.

Theo tôi, sao chép ý tưởng, kết quả của người khác là những hành động đạo văn hết sức nghiêm trọng và nguy hiểm. Còn những lỗi thường rất hay gặp do thói quen sử dụng lặp lại các tổng quan, các câu từ diễn đạt,…thì hoàn toàn có thể khắc phục được khi người học có phần mềm chống đạo văn.

Trân trọng cảm ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm