GS.TS Trần Văn Chứ: Trường ĐH Lâm Nghiệp trở thành "Đại học" sau năm 2025
(Dân trí) - GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, lộ trình trở thành "Đại học" của trường ĐH Lâm Nghiệp sẽ sau năm 2025.
Việt Nam hiện có hơn 230 trường đại học nhưng phần lớn là các trường có quy mô nhỏ, đơn ngành, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thiếu thốn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thực tế đó khiến hệ thống giáo dục đại học nước ta khó có thể cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực và xếp hạng thế giới.
Một số nước phát triển có nền giáo dục ĐH nổi tiếng cũng đã nhận thấy được điều này. Điển hình là Pháp, hiện nay đang sắp xếp, tổ chức lại các đại học vùng trên cơ sở sáp nhập các trường đại học nhỏ của các khu vực thành các đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực.
Sau khi có Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về sửa đổi Luật Giáo dục đại học, nhiều trường đại học bắt đầu thực hiện tự chủ và lên kế hoạch, lộ trình thực hiện thành đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.
Trường ĐH Lâm nghiệp là trường đơn ngành, tuy nhiên, hiện nay trường đang đào tạo tới 27 ngành học ở bậc đại học, 10 ngành học ở bậc thạc sĩ và 06 ngành học ở bậc tiến sĩ.
GS.TS Trần Văn Chứ, hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp cho biết, trường Đại học Lâm nghiệp (ĐHLN) là trường đầu ngành của cả nước về Lâm nghiệp và Phát triển nông thôn. Chiến lược phát triển trường ĐHLN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Hội đồng Trường ĐHLN thông qua và trình Bộ NN&PTNT xem xét đã xác định: Trường ĐHLN là trường định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành "Đại học Lâm Nghiệp" sau năm 2025.
Cùng đó, đẩy mạnh việc khắc phục các điểm còn tồn tại sau khi đã kiểm định trường; tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp tục triển khai đánh giá chương trình đào tạo để đến năm 2023 trường tiếp tục duy trì được chuẩn được kiểm định chất lượng trong nước, tiếp cận chuẩn chất lượng của khu vực;
Đẩy mạnh triển khai chiến lược phát triển của Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai và Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai để đáp ứng không chỉ điều kiện về số lượng cơ sở đào tạo mà còn đáp ứng được điều kiện về quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo.
Phóng viên: Vậy đâu là thế mạnh của trường ĐH Lâm nghiệp khi trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực?
GS.TS Trần Văn Chứ: Có thể nói rằng, ngay từ khi được thành lập (năm 1964), Trường ĐH Lâm nghiệp đã có khởi đầu đa ngành, đa lĩnh vực bởi khi đó ngoài lĩnh vực lâm nghiệp, trường còn đào tạo về kinh tế và cơ khí. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi rõ nhất là từ năm 1995 (Khóa 40) trở lại đây.
Hiện nay, trường đang đào tạo 27 ngành học ở bậc đại học, 10 ngành học ở bậc thạc sĩ và 06 ngành học ở bậc tiến sĩ. Trong đó, chỉ có 7 ngành ở bậc đại học, 4 ngành ở bậc thạc sĩ và 4 ngành ở bậc tiến sĩ thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.
Chính vì vậy, thế mạnh của trường trong chiến chiến lược trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành với các lĩnh vực đào tạo tiến tiến trong lâm sinh, giống và công nghệ sinh học, quản lý tài nguyên rừng và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, chế biến lâm sản và xuất khẩu đồ gỗ, là trung tâm hợp tác nghiên cứu hàng đầu trong lâm nghiệp ở Việt Nam, phấn đấu đạt tầm khu vực và quốc tế được thể hiện ở tính truyền thống; nguồn nhân lực giảng dạy có chất lượng cao, được đào tạo bài bản; cơ sở vật chất đã và đang được tập trung đầu tư trọng điểm; địa bàn thực hành thực tập ở cả 03 cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn đề ra...
Về cấu trúc quản trị, ngày 18/01/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 269/QĐ/BNN-TCCB về việc Công nhận Hội đồng trường, Trường ĐHLN khóa II, nhiệm kỳ 2019-2024 do đó công tác quản trị nhà trường sẽ được triển khai theo đúng quy định của Luật Giáo dục (Luật số 34) và Nghị định 99.
Hiện Nhà trường đang triển khai vận hành hệ thống quản trị theo hệ thống ISO và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành.
Phóng viên: Liệu những ngành học truyền thống của ĐH Lâm nghiệp có còn để đáp ứng nhu cầu xã hội khi cuộc cách mạng CN 4.0 hướng đến các ngành như Công nghệ Robot, Hàng không Vũ trụ, Khoa học không gian...hay không, thưa giáo sư?
GS.TS Trần Văn Chứ: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang từng bước làm thay đổi thế giới. Trong lĩnh vực giáo dục nhiều ngành học mới cũng xuất hiện để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho cuộc cách mạng này.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phát triển mạnh đòi hỏi Trường ĐH LN cung cấp các cử nhân, kỹ sư thuộc các ngành truyền thống với số lượng lớn và chất lượng ngày càng cao.
Với trường ĐHLN, bên cạnh chiến lược phát triển các ngành học theo nhu cầu xã hội, Nhà trường vẫn tiếp tục khẳng định sứ mạng "là trung tâm cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nguồn nhân lực lâm nghiệp của cả nước".
Quả thật, việc tuyển sinh các ngành học truyền thống trong vài năm trở lại đây rất khó khăn và sẽ tiếp tục khó khăn (không phải vì xã hội không có nhu cầu mà vì mức độ vất vả của ngành nghề nên người học ít lựa chọn).
Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Bộ NN&PTNT, của Chính phủ trong đào tạo các ngành học đặc thù, một điều chắc chắn nữa là nhìn nhận của xã hội về ngành sẽ khác đi (theo đúng quy luật của thế giới), với sự thay đổi đưa công nghệ 4.0 vào đào tạo và sản xuất.
Chúng tôi tin rằng định hướng đi của Nhà trường sẽ được xã hội ghi nhận và sinh viên sẽ yêu thích những ngành truyền thống và xã hội hết sức trân trọng.
Phóng viên: Nếu trở thành trường đại học đa ngành như vậy, sinh viên vào trường học có lợi như thế nào?
GS.TS Trần Văn Chứ: Lợi thế của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực được thể hiện rất rõ ở khía cạnh: sinh viên có thêm cơ hội được đào tạo song ngành; được tham gia các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học liên ngành; có thêm cơ hội để tăng cường kỹ năng, học tập lên bậc học cao hơn từ đó nâng cao được khả năng thích nghi với sự biến động nhu cầu của thị trường lao động.
Phóng viên: Thưa giáo sư, trong năm 2021, trường có bổ sung ngành học mới không? Phương án tuyển sinh có gì thay đổi để thu hút thí sinh?
GS.TS Trần Văn Chứ: Trong năm 2021, Trường ĐHLN tiếp tục duy trì tuyển sinh 27 ngành học thuộc 08 lĩnh vực (trong đó có 01 ngành đào tạo bằng tiếng Anh theo chương trình của trường Đại học Colorado, Hoa Kỳ) như năm 2020.
Phương án tuyển sinh về cơ bản vẫn theo 02 phương thức (xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông (THPT) và theo kết quả học tập ở bậc THPT).
Tuy nhiên, năm 2021 Nhà trường sẽ tập trung vào việc thu hút thí sinh có chất lượng tốt vào các ngành học thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông về các ngành học và hình ảnh của Nhà trượng; có chính sách hỗ trợ học bổng toàn phần hoặc bán phần, miễn giảm tiền ở trong ký túc xá hiện đại của nhà trường cho sinh viên có học kết quả xét tuyển đạt loại xuất sắc và loại giỏi.
Ở một số ngành học, sinh viên khi nhập học vào trường sẽ được giảng viên lựa chọn để hỗ trợ, đào tạo kỹ năng ngay từ năm đầu tiên để đến năm thứ 3 có thể trở thành cộng tác viên của các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường.
Ngoài ra, giải pháp cam kết việc làm khi tốt nghiệp ra trường của một số Khoa/Viện sẽ tiếp tục được chú trọng trong năm 2021...
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn giáo sư!