GS Vũ Thái Luân – ĐH California: Không nên vội vàng áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán

(Dân trí) - Ông Vũ Thái Luân, hiện là giáo sư trợ lý thỉnh giảng (dạy và nghiên cứu về Toán ứng dụng) tại Đại học California, Merced, Hoa Kỳ cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm môn Toán chưa phù hợp ở hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, không nên áp dụng vội.

Theo GS Vũ Thái Luân, ngoài những ưu điểm dễ thấy như gọn nhẹ, tăng tính công bằng, giảm gian lận thi cử thì phương án thi trắc nghiệm 100% đối với môn Toán vẫn có những hạn chế như giảm khả năng phân loại học sinh, cần nhiều thời gian gây dựng ngân hàng câu hỏi. Và đáng lưu ý, nếu áp dụng phương án này, nhiều trường THPT, giáo viên, trung tâm luyện thi, sẽ hướng học sinh theo cách thi “ăn điểm” nhanh, đua nhau tạo ra các mẹo thi mà quên đi chất lượng đào tạo kiến thức thật.

“Về lâu dài, nếu ngành giáo dục chưa chuyển biến được tư duy người dân - quá coi trọng các kỳ thi THPT, ĐH, xem đó là “sống còn” với con em mình, thì việc thi như thế này sẽ dẫn tới một thế hệ học sinh thụ động, thiếu sáng tạo trong tư duy học”, GS Vũ Thái Luân quan điểm.


GS Vũ Thái Luân, nghiên cứu và giảng dạy Toán ứng dụng tại ĐH California, Merced.

GS Vũ Thái Luân, nghiên cứu và giảng dạy Toán ứng dụng tại ĐH California, Merced.

Cụ thể, vị học giả Việt tại Mỹ đã chỉ ra 3 ưu điểm – 4 khuyết điểm về kỳ thi trắc nghiệm mà Bộ GD&ĐT dự kiến áp dụng năm 2017.

Theo đó, về ưu điểm, GS Luân cho rằng, đương nhiên là rất gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí, thời gian, cho khâu tổ chức và chấm thi (nhiều trường ở Việt Nam còn phải thuê giáo viên trường khác chấm), hơn nữa đảm bảo tính công bằng khi chấm thi bằng máy; và dễ dàng lưu trữ dữ liệu bài thi khi quét chấm qua máy.

Tránh được gian lận trong thi cử (mỗi thí sinh có một mã đề khác nhau với các con số dữ liệu khác nhau, đánh tráo thứ tự loại câu hỏi, khó mà copy nhau); tiện lợi cho công tác coi thi.

Kiểm tra được nhiều kiến thức hơn so với bài thi tự luận vốn có số câu hỏi ít hơn nhiều; có thể rèn luyện khả năng phản ứng nhanh của học sinh (làm bài trắc nghiệm trong thời gian ngắn phải đưa ra quyết định chọn), suy nghĩ nhiều vấn đề được học trong bài thi.

Tuy nhiên, GS Luân đã đưa ra 4 nhược điểm của việc thi này là rất dễ dẫn tới tình trạng học theo công thức, máy móc, học tủ, luyện thi theo ngân hàng đề thi trắc nghiệm (theo kiểu thi thế nào, học kiểu ấy); từ đó làm giảm khả năng sáng tạo, tư duy suy nghĩ về một vấn đề (đối với các học sinh chỉ coi việc học là để thi đỗ).

Liên tục phải thay đổi cách thức ra câu hỏi bổ sung vào ngân hàng đề thi sao cho đảm bảo tính phù hợp, hay, và tránh được chuyện học tủ, máy móc, tránh dùng “tiểu xảo” trong môn Toán (như dùng máy tính casio để bấm ngay ra kết quả 1 số dạng câu hỏi trong đề thi). Việc này cũng sẽ rất tốn thời gian.

Giảm khả năng phân loại học sinh: nhiều thí sinh học kém sẽ có cơ hội khoanh, đoán bừa đáp án và nhận nhiều điểm “trời cho”, hơn là khả năng.

Nhiều trường THPT, giáo viên, trung tâm luyện thi, sẽ hướng học sinh theo cách thi này, đua nhau tạo ra các mẹo thi mà quên đi chất lượng đào tạo kiến thức thật. Về lâu dài, nếu ngành giáo dục chưa chuyển biến được tư duy người dân - việc quá coi trọng các kỳ thi THPT, ĐH, xem đó là “sống còn” với con em mình, thì việc thi như thế này sẽ dẫn tới một thế hệ học sinh thụ động, thiếu sáng tạo trong tư duy học.

Do đó, vị học giả này cho rằng, hiện cách thi này “chưa phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, không nên áp dụng vội”.

“Khi còn ở Việt Nam, tôi đã từng luyện thi ĐH cho học sinh THPT nên ít nhiều hiểu tâm lý, tư duy của các em, của các phụ huynh. Tôi nghĩ chỉ đến khi nền giáo dục tiến đến như các nước phương Tây, nơi mà họ không quá coi trọng kết quả các kỳ thi THPT, thậm chí không có thi ĐH, thì có thể áp dụng được”, GS Vũ Thái Luân nhận định.

Lệ Thu (ghi)