GS Úc chia sẻ cách đăng bài nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế
(Dân trí) - GS. Sarath Delpachitra, Trường Đại học Flinders, Australia đồng thời là Thư ký tòa soạn của Tạp chí Kinh tế Australia - Tạp chí được xếp hạng Q2 và nằm trong danh mục CSDL của ISI đã chia sẻ cách đăng bài nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế.
Ngày 29/12, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN tổ chức buổi Tọa đàm “Xu hướng công bố quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và khoa học xã hội.
Diễn giả chính của chương trình là GS. Sarath Delpachitra hiện đang công tác tại Trường Đại học Flinders, Australia. Ông hiện là Thư ký tòa soạn của Tạp chí Kinh tế Australia - Tạp chí được xếp hạng Q2 và nằm trong danh mục CSDL của ISI.
Tại buổi tọa đàm, GS. Sarath Delpachitra đã giới thiệu cách viết một bài nghiên cứu, cách chọn đề tài, tiêu đề sao cho thật cuốn hút.
Thư ký tòa soạn của Tạp chí Kinh tế Australia còn đưa ra những lời khuyên hữu ích về cách thức chọn tạp chí để đăng bài, nên kiên nhẫn nếu không may bài gửi đăng bị từ chối.
“Nếu không may bài nghiên cứu của bạn bị từ chối, bạn nên xem lại toàn bộ bài viết của mình, xem cẩn thận từ cách đặt tiêu đề, đề mục cho đến nội dung chính. Tôi nhắc đi nhắc lại là các bạn phải thật kiên nhẫn, không phải ai cũng được chấp nhận ngay khi gửi đăng và trong quá trình viết bài, các bạn cũng đừng ngần ngại xin ý kiến của những người đi trước, của đồng nghiệp”, GS. Sarath Delpachitra chia sẻ.
Theo Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Australia, việc công bố các nghiên cứu khoa học trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế và khoa học xã hội là rất quan trọng. GS. Sarath Delpachitra cho biết các nghiên cứu của Việt Nam còn chưa được nhiều người biết đến và các trường đại học Việt Nam nên chú trọng hơn nữa đến nghiên cứu khoa học và đặc biệt là công bố quốc tế.
“Một nền giáo dục đại học định hướng nghiên cứu không chỉ cải thiện rõ rệt chất lượng đào tạo mà còn đóng góp một cách chủ động, trực tiếp hơn vào sự phát triển kinh tế, xã hội thông qua ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống” – GS GS. Sarath Delpachitra cho hay.
Theo thống kê của Viện Thông tin khoa học (ISI), trong giai đoạn 1996 - 2011, số lượng công trình khoa học của nước ta được công bố trên các tập san quốc tế uy tín chỉ đạt khoảng 20% so với Thái Lan và 10% so với Singapore. Không chỉ ít về số lượng, chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng giữ khoảng cách khá lớn so với với các nước trong khu vực. Giáo dục đại học Việt Nam cần có những bước đi mang tính đột phá để có thể thu hẹp khoảng cách này.
Hồng Hạnh