G.S Ngô Bảo Châu: Hành trình một tài năng xuất chúng
Kết thúc năm 2009, một nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài đã được tạp chí Time bình chọn là người có công trình nghiên cứu thuộc 10 phát minh khoa học tiêu biểu của thế giới năm 2009. Đó là Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Học sinh Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương Vàng Toán quốc tế
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Bố anh là Giáo sư - Tiến sĩ Cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, làm việc tại Viện Cơ học Việt nam. Mẹ anh là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương. Hồi bé, Ngô Bảo Châu theo học tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ. Nhờ khả năng xuất sắc trong Toán học, cậu học sinh nhỏ bé này sau đó đã thi đỗ vào khối phổ thông chuyên toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mùa hè 1988, mới 16 tuổi, đang học lớp 11 phổ thông chuyên toán, Ngô Bảo Châu đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic toán quốc tế tại Australia. Một năm sau, khi học lớp 12, Ngô Bảo Châu dự tiếp Olympic toán quốc tế tại CHLB Đức, và một lần nữa anh lại đoạt đoạt Huy chương Vàng. Với thành tích này, Ngô Bảo Châu đã trở thành người Việt Nam đầu tiên giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.
Vị Tiến sĩ giành Giải thưởng nghiên cứu Clay
Sau đó, Ngô Bảo Châu được Chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Pháp theo học Đại học Paris 6. Là người mang chí lớn vươn tới đỉnh cao, hai năm sau anh thi vào hệ đào tạo tiến sĩ của Đại học Sư phạm Paris (École normale supérieure), trường đại học danh tiếng của nước Pháp, và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 25 tuổi, rồi Luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) năm 31 tuổi. Năm 2004, Ngô Bảo Châu đã được hai trường đại học lớn ở Pháp là Paris 6 và Paris 11 mời làm Giáo sư, và anh nhận lời làm Giáo sư của Đại học Paris 11 vào năm 2005.
Cuối năm 2004, ở tuổi 32, Ngô Bảo Châu cùng nhà toán học người Pháp Gérard Laumon đã được Viện Toán học Clay trao tặng giải thưởng tại Đại học Harvard cho công trình nghiên cứu Le lemme fondamental pour les groupes unitaires (Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita), để "công nhận thành tựu đặc biệt xuất sắc trong toán học" của anh. Công trình của Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon là một bước phát triển tiếp sau công trình của Andrew Wiles chứng minh định lý cuối cùng của Fermat (được tặng Giải thưởng Wolfskehl năm 1997 và Giải thưởng nghiên cứu Clay năm 1999), cũng như công trình của người bạn anh, Laurent Lafforgue, về công thức vết (được tặng Giải thưởng nghiên cứu Clay năm 2000 và Huy chương Fields năm 2002).
Thông thường, một công trình toán học, trước hết, phải được đăng trên tạp chí chuyên ngành hay in trong sách chuyên khảo, để các nhà toán học trên thế giới có cơ hội "săm soi" từng câu, từng chữ trong vòng vài ba năm, xem còn có khiếm khuyết gì cần sửa chữa, bổ sung hoặc bác bỏ hay không, lúc bấy giờ, nếu xứng đáng, mới có thể đem đặt lên bàn làm việc của một hội đồng quốc tế xét tặng giải thưởng. Thế nhưng, công trình của Ngô Bảo Châu chỉ mới đưa lên Internet từ tháng 4/2004, thì cuối năm đã đoạt một trong những giải thưởng toán học danh giá nhất hành tinh!
Top 10 khám phá khoa học năm 2009
Trong những năm gần đây, Giáo sư Ngô Bảo Châu làm việc tại trường đại học Université Paris-Sud (Pháp) và Viện Nghiên cứu cao cấp (IAS) ở Princeton (Mỹ). Anh tập trung vào nghiên cứu để tìm cách chứng minh Bổ đề cơ bản Chương trình Langlands (Langlands program). Đây là một lý thuyết mang tính cách mạng trong toán học do nhà toán học Robert Langlands đã phát triển từ năm 1979, có thể nối hai nhóm của toán học là lý thuyết số và lý thuyết nhóm. Langlands cùng các cộng sự của mình đã chứng minh được những trường hợp đặc biệt của định lý cơ bản. Nhưng việc chứng minh các trường hợp tổng quát khó khăn hơn nhiều so với những gì Langlands dự đoán. Trong gần 30 năm qua, Chương trình Langlands vẫn là vấn đề hóc búa với toán học thế giới và là mục tiêu được nhiều bộ óc toán học lớn ở nhiều quốc gia dồn sức từng bước nghiên cứu chứng minh. Chính Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nghiên cứu thành công và đưa ra một chứng minh xuất sắc cho bổ đề cơ bản của Chương trình Langlands. Công trình nghiên cứu của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã gây tiếng vang lớn trên thế giới, và được tạp chí danh tiếng Time bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm 2009. Theo dự kiến, với công trình toán học của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu được mời tham dự và đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể tại Hội nghị Toán học thế giới 2010 sẽ được tổ chức ở Ấn Độ trong năm nay.
Được Nhà nước phong Giáo sư khi mới 33 tuổi
Với những thành tích đạt được ở nước ngoài, năm 2005, Ngô Bảo Châu được Nhà nước ta đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam. Anh được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đặc cách phong Giáo sư (với 100% số phiếu) khi mới 33 tuổi mà không cần phải qua chức danh Phó Giáo sư. Việc phong đặc cách này đã bỏ qua một số tiêu chí vẫn được áp dụng ở nước ta trước đây mà hướng tới sự tiếp cận các tiêu chí quốc tế quan trọng nhất đối với giáo sư đại học là trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo, chứ không phải là kinh nghiệm truyền thụ những tri thức sẵn có. Cho đến nay, Ngô Bảo Châu vẫn là người trẻ tuổi nhất được phong học hàm Giáo sư ở Việt Nam.
"Cuối năm 2004, một số cán bộ ở Viện Toán có gợi ý tôi làm đơn đề nghị công nhận chức danh Giáo sư, tôi cũng hơi đắn đo. Về phương diện thuần túy khoa học, tôi không nghĩ là mình không xứng đáng, nhưng về phương diện đào tạo thì tôi chưa có đóng góp gì nhiều. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi đã gửi cho các anh ấy đơn vì tin rằng việc được công nhận Giáo sư sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các kế hoạch công tác nghiên cứu và đào tạo của tôi trong tương lai ở Việt Nam", Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết.
Được bổ nhiệm làm Giảng viên ĐH Chicago
Vừa qua, GS Ngô Bảo Châu vừa được bổ nhiệm làm Giảng viên tại Trường đại học Chicago (Mỹ) - một trong các trường ĐH hàng đầu thế giới. Theo thông báo của trường, Ngô Bảo Châu sẽ làm Giáo sư Toán học tại ĐH Chicago kể từ 1/9/2010. Thông báo về việc này, trang web của Trường ĐH Chicago đăng bài viết có tiêu đề "Nhà toán học xuất chúng chấp nhận lời mời giảng dạy tại ĐH Chicago".
Robert Fefferman, Trưởng Khoa Vật lý và Giáo sư Toán của ĐH Chicago, cho biết: "Đây là một trong những nhà toán học tuyệt vời của thời đại chúng ta. Tôi chờ đợi những điều thật sự tuyệt vời từ chàng trai trẻ này".
Peter Constantin, Giáo sư Toán và là Chủ nhiệm khoa Vật lý tại ĐH Chicago, nhận định: "Cùng với việc tuyển dụng Ngô Bảo Châu, sự xuất hiện của Beilinson và Drinfeld cùng các tài năng khác về toán học, khoa Toán đang theo đuổi vai trò hàng đầu của mình trong đất nước".
Ngô Bảo Châu cho biết, anh quyết định giảng dạy tại ĐH Chicago cũng là vì sẽ có cơ hội được làm việc chặt chẽ hơn nữa với các đồng nghiệp tại đây.
Trái tim luôn hướng về quê hương
Tuy làm việc ở nước ngoài, nhưng trái tim Giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn luôn hướng về quê hương. Anh hy vọng sẽ có thể trở về Việt Nam làm công tác đào tạo trong tương lai gần. Giáo sư cho rằng, việc cải thiện điều kiện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là rất quan trọng.
Trích ý kiến bạn đọc: Việt Nam tự hào về anh! "Việt Nam tự hào về anh! Anh là tấm gương phấn đấu của những người Việt trẻ, nhưng hi vọng ngày nào đó anh sẽ về để cống hiến tài năng cho nước nhà." (Ngọc Bé) “Anh thật tuyệt vời. Bố mẹ anh thật may mắn và tự hào về anh. Anh là tài sản của gia đình và của đất nước.” (Nguyễn Thu Hằng) “Anh thực sự là niềm tự hào dân tôc. Nhưng nhìn lại thực tế đáng buồn là nước ta đang bị chảy máu chất xám. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều người tài như anh Châu sẽ phục vụ cho đất nước.” (Mai Xuân Hiếu) “Em hi vọng một ngày nào đó sẽ thấy anh dạy toán ở một trường đại học nào đó ở Việt Nam”. (Lê Đình Cẩn) “Hôm qua tôi ra đường có một người nước ngoài đã chia vui và ca ngợi bạn. Tôi thấy hãnh diện vô cùng. Mong muốn của tôi là bạn có thể nghiên cứu ra công thức nào để áp dụng cho nền giáo dục nước ta tốt hơn được không bạn?” (Nguyen Vu) “Nhưng hi vọng bạn sẽ trở về Việt Nam làm việc và cống hiến cho đất nước. Đất nước chúng ta đang phát triển rất cần những người tài như bạn”. (Nguyễn Văn Minh) “Tôi mong rằng Nhà nước và Bộ GD&ĐT có những đổi mới hơn nữa để giữ chân những con người tài năng làm rạng danh đất nước”. (Nguyễn Thạc Long) “Thật vui và cũng thật buồn. Vui vì anh làm rạng ngời người Việt, thêm nữa anh đã chọn đúng khi quyết định dạy ở Chicago. Còn thật buồn là vì những người giỏi người tài không về phục vụ Tổ quốc, Có lẽ không chỉ mình anh mà còn rất nhiều người tài khác cũng chưa về với Tổ quốc.” (Pham Anh) “Một nhân tài thực sự, Việt Nam không thiếu những người tài, chỉ có điều chúng ta đối xử với họ ra sao mà thôi... có thể nhận thấy rất nhiều người như anh Châu nổi tiếng ở nước ngoài, và không nhiều những người trong số đó trở về VN công tác và làm việc... Thật đáng buồn!” (Đặng Như Tài) |