GS Ngô Bảo Châu chia sẻ “tình yêu” với sách

“Sách là người bạn đặc biệt, lúc nào cũng sẵn sàng mở lòng với ta. Khi ta dọn nhà, bạn đi theo ta. Lúc nào bạn cũng đợi ta ở trên kệ sách”.

Xin trân trọng đăng bài của GS Ngô Bảo Châu viết theo yêu cấu của bà Muller-Marin - đại diện của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho Triển lãm Hồ Chí Minh và học tập suốt đời. Triển lãm do Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức, đang diễn ra tại Hà Nội.
 
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ “tình yêu” với sách  - 1
Các đại biểu tham quan Triển lãm Hồ Chí Minh và học tập suốt đời. (Ảnh: TTXVN)

"Vì lý do công việc, tôi hay phải dọn nhà. Cứ mỗi lần lại phải mất một vài tháng thì ngôi nhà mới xa lạ mới trở nên thân thuộc. Tôi để ý thấy thời điểm mà sự thân thuộc tăng đột biến là thời điểm khi tôi lấy sách từ trong thùng mang xếp lên kệ. Lúc xếp sách lên kệ là lúc quá khứ của ta ùa vào không gian của hiện tại.

Tôi có rất nhiều sách. Có sách đã đọc, có sách đã đọc vài lần, có sách đọc một nửa, còn có quyển mới chỉ đọc vài trang. Nhưng mất quyển sách nào là tôi biết ngay. Và tôi rất ghét các bạn mược sách mà quên trả, trong khi bản thân tôi thì cũng đôi khi giả quên.

Những quyển sách cũ hình thù xộc xệch vì thời gian là những quyển mà tôi cảm thấy gắn bó nhất. Quyển này từng vác sang Ấn Độ vào mùa mưa, trang giấy hút ẩm đến quăn queo, không bao giờ tìm lại được hình hài ban đầu. Quyển này vì để cả tháng trên bàn làm việc ở trên tầng bốn tràn đầy ánh nắng trong ngôi nhà của bố mẹ tôi ở Hà Nội, nên bìa đã phai màu. Nhìn những quyển sách úa đi đi với thời gian cũng thân thương như xem cha mẹ, người thân, bạn bè mỗi ngày một già.

Tôi không bao giờ viết hoặc bôi xanh bôi đỏ lên trang sách. Cũng như không bao giờ làm xấu bạn bè của mình.

Cuộc sống của mỗi người bị hạn chế trong không gian và trong thời gian. Mỗi người chỉ có thể sống một cuộc sống, tại mỗi thời điểm chỉ có thể có một vị trí. Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời dọi vào cuộc đời mình.

Đọc sách không chỉ để thỏa mãn cái ham muốn hiểu biết về vũ trụ và về cuộc sống, mà còn là cách để nuôi dưỡng sự ham muốn đó. Một câu hỏi được giải đáp sẽ mở ra hai câu hỏi mới cần được giải đáp và dắt tay ta đến những trang sách mới.

Không phải cái gì mình cũng tìm được trong sách, vì cuộc sống luôn rộng lớn hơn sách vở. Có thứ sách không dạy được ta, vì nếu chưa được cuộc đời cho ăn đòn thì ta chưa hiểu. Cũng có những chuyện nói ra thành lời thì dễ hơn viết.

Nhưng ngược lại ta có thể học bằng đọc sách nhiều hơn người ta tưởng. Nhiều chuyện khó nói ra bằng lời lắm. Quan hệ xã giao giữa con người với con người phải tuân theo mọt số quy định : cuộc sống hàng ngày của mỗi người đã đủ mêt mỏi, không nên hành hạ người khác về sự ray rứt của bản thân mình. Khi nói, mình muốn người khác phải nghe ngay. Khi viết, mình có thể để người ta đọc lúc nào cũng được. Chọn không đúng thời điểm, những thông điệp thiết tha nhất cũng trở nên lạc lõng. Lợi thế lớn nhất của sách là tính ổn định trong thời gian.

Sách là người bạn đặc biệt, lúc nào cũng sẵn sàng mở lòng với ta. Khi ta dọn nhà, bạn đi theo ta. Lúc nào bạn cũng đợi ta ở trên kệ sách."

Trích từ blog của GS Ngô Bảo Châu