GS Hoàng Chí Bảo: Giảng viên đại học phải giảng dạy với tư cách nhà khoa học

(Dân trí) - Giảng viên đại học phải giảng dạy với tư cách nhà khoa học, không chỉ biểu hiện ở bằng cấp, học vị, học hàm mà phải là người thực sự nghiên cứu, có công trình nghiên cứu ở lĩnh vực chuyên sâu mà mình giảng dạy.

Đây là nội dung phần cuối trong bài viết “Giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và Hội nhập quốc tế - Những luận đề về triết lý giáo dục đại học” của GS. Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương.

Phần 1 bài viết xem tại đây: GS Hoàng Chí Bảo: Những độc tố làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục Việt Nam

Phần 2 bài viết xem tại đây: GS Hoàng Chí Bảo: Muốn nâng chất lượng giáo dục, phải có “tinh thần đại học”


GS Hoàng Chí Bảo

GS Hoàng Chí Bảo

Dân trí, xin giới thiệu phần cuối (Luận đề 5) của bài viết.

Giảng viên bị hút hết thời gian và sức lực vào giảng dạy

Đại học là nơi thể hiện rõ rệt và sâu sắc nhất sự kết hợp hữu cơ giữa giáo dục - đào tạo với khoa học - công nghệ. Trong giáo dục - đào tạo có khoa học - công nghệ, trong khoa học - công nghệ có giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển giáo dục - đào tạo.

Với đại học, chất lượng đào tạo được quyết định một phần lớn từ chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên. Với đại học, nghiên cứu khoa học không chỉ nhằm phục vụ trực tiếp cho đào tạo mà còn nhằm phát triển tiềm lực khoa học quốc gia, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Uy tín và ảnh hưởng của đại học, nhất là những trường đại học danh tiếng (mà để có những đại học danh tiếng trong cộng đồng đại học quốc tế, giáo dục đại học Việt Nam còn phải phấn đấu lâu dài) là ở sản phẩm đào tạo ra đồng thời là ở thành tựu nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế, các công trình, các tên tuổi khoa học tạo nên diện mạo và thương hiệu đại học.

Nếu đầu tư cho giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ đúng với quan niệm là “quốc sách hàng đầu” mà Đảng đã xác định trong Nghị quyết thì việc đầu tư nguồn lực tài chính cho phát triển đại học phải bảo đảm thỏa đáng kinh phí cho nghiên cứu khoa học của trường đại học, thông qua huy động các nguồn lực. Vấn đề tài chính đại học, tự chủ đại học, quản trị đại học cũng như các mô hình liên kết đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp sẽ đóng vai trò những điều kiện, những xúc tác thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong hệ thống đại học.

Vấn đề là ở chỗ, để gắn liền giáo dục - đào tạo với khoa học - công nghệ đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ giảng viên đại học, đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý đại học ngang tầm với yêu cầu thực hiện sứ mệnh giáo dục đại học đặt ra.

Giảng viên đại học phải giảng dạy với tư cách nhà khoa học, không chỉ biểu hiện ở bằng cấp, học vị, học hàm mà phải là người thực sự nghiên cứu, có công trình nghiên cứu ở lĩnh vực chuyên sâu mà mình giảng dạy.

Yêu cầu đào tạo đại học, nhất là đào tạo sau đại học và trên đại học đòi hỏi giảng viên phải có tư chất khoa học, có trình độ và kinh nghiệm nghiên cứu. Có như vậy mới có thể giúp cho sinh viên nảy nở tình yêu đối với khoa học, mới kích thích và phát triển ở họ tính chủ động và năng lực tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Giảng viên đại học phải là nhà khoa học thực sự để đứng trên bục giảng với tư cách là người thầy thực thụ, thực sự là “thầy dạy” chứ không phải “thợ dạy” như chúng ta thấy trong thực tế hiện nay, trong đội ngũ giảng viên đại học của chúng ta. Nó phản ánh tình trạng tách rời giữa giảng dạy với nghiên cứu khoa học của người giảng viên do trình độ nghiên cứu hạn chế của họ và cũng do thiếu động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong trường đại học từ những hạn chế, bất cập trong quản lý, trong chính sách, trong phương thức phân bổ nguồn lực tài chính (kinh phí) cho hoạt động nghiên cứu.

Tình trạng giảng viên bị hút hết thời gian và sức lực vào giảng dạy (cả tập trung và tại chức), làm cho họ không còn thời gian và điều kiện cho nghiên cứu khoa học đang là phổ biến. Đây là tình huống có vấn đề của đại học, xa rời tinh thần đại học mà cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm giảm sút chất lượng đào tạo đại học.


Chất lượng giáo dục - đào tạo đại học được quyết định một phần lớn và chủ yếu từ chất lượng đội ngũ giảng viên

Chất lượng giáo dục - đào tạo đại học được quyết định một phần lớn và chủ yếu từ chất lượng đội ngũ giảng viên

Người thầy xuất sắc là biết truyền cảm hứng

Có một danh ngôn sư phạm, nói rằng, “người thầy trung bình chỉ dạy như sách giáo khoa, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc (xuất chúng, lỗi lạc) là người biết truyền cảm hứng”.

Tinh thần đại học đòi hỏi, người giảng viên đại học với tư cách nhà khoa học cần phải đem vào trong mỗi bài giảng của mình những tư tưởng khoa học, giúp cho sinh viên nhận ra trong mỗi bài giảng của thầy những ý tưởng sáng tạo, những cái mới trong phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và phương pháp trình bày kết quả nghiên cứu.

Đó không chỉ là truyền thông tin về tri thức khoa học mà còn là truyền cảm hứng về trí tuệ, cả niềm say mê học thuật, phương pháp và phong cách, tư tưởng và đạo đức trong lao động khoa học, trong đời sống tinh thần mà qua đó người thầy tác động tới sinh viên, ảnh hưởng tới sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của họ.

Lịch sử giáo dục đại học đã cho thấy, có không ít những nhà khoa học lớn, những người thầy mẫu mực mà cuộc đời, và sự nghiệp của họ đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong biết bao thế hệ học trò, đã có ảnh hưởng quan trọng tới sự vào đời, lập thân, lập nghiệp của các thế hệ thanh niên do họ đào tạo.

Chất lượng giáo dục - đào tạo đại học được quyết định một phần lớn và chủ yếu từ chất lượng đội ngũ giảng viên. Chất lượng dạy học là cốt lõi của chất lượng giáo dục. Hoạt động dạy học trực tiếp diễn ra trên giảng đường. Hoạt động giáo dục rộng lớn hơn về nội dung, đa dạng hơn về phương pháp, bao quát nhiều hơn các mối quan hệ, chứ không chỉ có quan hệ Thầy - Trò, diễn ra trongngoài nhà trường, gắn với xã hội và cộng đồng, làm nên sự phong phú của đời sống đại học.

Chất lượng giáo dục đại học lấy chất lượng dạy học làm tiêu điểm đồng thời chú trọng đến tác dụng và hiệu quả của mọi hoạt động có tính giáo dục trong đời sống đại học để thúc đẩy chất lượng dạy học và phục vụ chất lượng đào tạo mà sản phẩm chính là con người - người sinh viên, từ khi vào trường đến khi tốt nghiệp.

Nhân vật chủ thể tổ chức và điều hành mọi hoạt động này chính là nhà quản lý tại các cơ sở đào tạo đại học (nhà trường, học viện). Ở cấp độ rộng lớn, cả hệ thống đại học và ngành giáo dục - đào tạo, đó là đội ngũ các nhà quản lý giáo dục làm chức năng quản lý nhà nước như đã nói ở phần đầu, trách nhiệm cao nhất là Đảng và Nhà nước, trách nhiệm trực tiếp là ngành giáo dục - đào tạo.

Ở đây, xét trong phạm vi một nhà trường đại học và theo tinh thần đại học thì Hiệu trưởng - người đứng đầu thực hiện trọng trách lãnh đạo, quản lý sẽ thể hiện mình với tư cách nhà quản lý thông qua tư cách nhà giáo, nhà khoa học. Quyền uy quản lý được xác lập và bảo đảm không chỉ về mặt pháp lý, theo luật giáo dục đại học, theo điều lệ đại học mà sâu xa, thực chất là ở trình độ khoa học, uy tín chuyên môn, uy tín đạo đức và năng lực quản lý, điều hành với phong cách dân chủ, sáng tạo, đổi mới, với bản lĩnh khoa học và sự tinh tế trong ứng xử, trong văn hóa ứng xử của nhà quản lý giáo dục đại học.

Tập thể lãnh đạo, quản lý trường đại học mà Hiệu trưởng là người đứng đầu phải quan tâm tới sự phát triển của trường với nội dung toàn diện, không chỉ tiềm lực khoa học, thương hiệu đào tạo mà còn là chất lượng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo dức, nhân cách cho sinh viên mà đạo đức, nhân cách của giảng viên phải thực sự là tấm gương cho sinh viên noi theo. Nhà quản lý giáo dục đại học phải biết quy tụ lực lượng, phát hiện nhân tài, biết quý trọng tài năng, biết dùng người, tạo ra môi trường làm việc thực sự dân chủ, đoàn kết, đồng thuận, hợp tác, cộng đồng trách nhiệm trong sự nghiệp “trồng người”.

Đó là những điểm căn bản để tạo ra nội lực phát triển đại học, thể hiện tinh thần đại học và triết lý phát triển giáo dục đại học.

Sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và giáo dục đại học đòi hỏi sự thống nhất, đồng bộ từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội, trong đó nỗ lực chủ động, sáng tạo của đội ngũ giảng viên đại học, đội ngũ các nhà quản lý giáo dục đại học là một nhân tố quan trọng.

GS Hoàng Chí Bảo đưa ra 5 khuyến nghị:

Thứ nhất, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên đại học; Đội ngũ giảng viên đại học phải được đào tạo và bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy đại học. Đây là vấn đề chưa được chú trọng giải quyết đúng mức từ bấy lâu nay. Đây cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm trong nghiên cứu lý luận giáo dục, lý luận dạy học ở Việt Nam trước yêu cầu hội nhập và hiện đại hóa.

Thứ hai, trở lại, tái lập lại Trường Đại học Tổng hợp và phải đặc biệt coi trọng vị trí, vị thế của nó trong hệ thống giáo dục đại học nước ta. Không có nước nào coi trọng khoa học và nghiên cứu khoa học cơ bản, coi trọng đào tạo các trí thức khoa học sáng tạo, các tài năng bác học mà lại không chú trọng phát huy vai trò, truyền thống của Đại học Tổng hợp.

Thứ ba, sớm tổng kết, đánh giá việc lấy kết quả tốt nghiệp phổ thông trung học để xét tuyển đại học như những năm vừa qua và cần thiết phải tổ chức thi tuyển vào đại học chứ không xét tuyển.

Thứ tư, phải chú trọng giáo dục lý tưởng chính trị, lý tưởng khoa học, lý tưởng nghề nghiệp thông qua giáo dục các môn khoa học lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trở lại đúng là các môn khoa học, với đối tượng và phương pháp của từng môn, đảm bảo tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa của giảng viên trong lĩnh vực khoa học này trong các trường đại học.

Thứ năm, Đảng và Nhà nước với vị trí, vai trò lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm cao nhất trước xã hội và nhân dân về chất lượng giáo dục - đào tạo, cần phải lãnh đạo, chỉ đạo sao cho tư tưởng “quốc sách hàng đầu” trở thành hiện thực, bằng cách cụ thể hóa qua chính sách và giải pháp, qua thể chế và cơ chế, tạo động lựcnguồn lưc cũng như các điều kiện để tạo ra đột phá trong chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lượng giáo dục đại học

Đan Tơn đã từng nói: “Sau thực phẩm, giáo dục - đào tạo là thức ăn tinh thần hàng đầu của mỗi dân tộc. Trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, cạnh tranh quyết liệt giữa các nước là cạnh tranh về chất lượng giáo dục - đào tạo, đặc biệt chất lượng giáo dục đại học.

Giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục - đào tạo đại học, tùy thuộc vào chất lượng của nó như thế nào, nó sẽ quyết định thành hay bại, thắng hay thua của quốc gia - dân tộc trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với các nước khác trên phạm vi quốc tế.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang mở ra thời cơ, thuận lợi mới cần phải tận dụng đồng thời cũng có không ít những thách thức nghiệt ngã cần phải vượt qua đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, hiện đại hóa đất nước.

Chấn hưng giáo dục, nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngày càng trở nên cấp thiết, bức xúc trên con đường phát triển bền vững của nước ta.

Đảng và Nhà nước đã chỉ dẫn một tư tưởng lớn, coi giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Giờ là lúc phải chuyển tư tưởng thành hành động, sao cho “quốc sách hàng đầu” được cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng nguồn lực đầu tư theo chiều sâu cho giáo dục - đào tạo bằng các chính sách và giải pháp, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Và, chất lượng giáo dục đại học sẽ góp phần xứng đáng vào phát triển bền vững ở nước ta./.

Hoàng Chí Bảo – Hội đồng Lý luận Trung ương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm