GS. Hoàng Chí Bảo: Những độc tố làm ảnh hưởng môi trường giáo dục Việt Nam
(Dân trí) - GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, những độc tố làm ô nhiễm môi trường xã hội, môi trường giáo dục là từ tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vụ lợi, tôn thờ giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, đạo đức xã hội suy đồi đến mức thái độ và lối sống vô cảm, vô trách nhiệm…
GS. Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có bài phân tích sâu sắc về “Giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và Hội nhập quốc tế - Những luận đề về triết lý giáo dục đại học”.
Đổi mới giáo dục phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, đổi mới xã hội
Nước ta đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.
Đảng ta đã nêu rõ sự cần thiết, bức xúc phải vượt qua “các điểm nghẽn” của phát triển, trong đó có điểm nghẽn về chất lượng thấp của nguồn nhân lực. Đột phá tương ứng để vượt qua điểm nghẽn này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo mà chất lượng giáo dục đại học có vai trò quyết định trực tiếp. Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân phải được thực hiện đồng bộ và nhất quán.
Đồng bộ theo nghĩa nào và nhất quán theo mục tiêu nào? Đó là câu hỏi đầu tiên đặt ra và phải tìm câu trả lời đúng, thấm nhuần quan điểm thực tiễn, đổi mới và phát triển đối với lãnh đạo, quản lý, từ tư duy lý luận phản ánh tầm nhìn chiến lược đến xác lập thể chế, hoạch định chính sách, bố trí nguồn lực và xây dựng môi trường cùng các điều kiện thực hiện, thể hiện chương trình hành động.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, đổi mới xã hội và quản lý xã hội ở nước ta; không chỉ đồng bộ giữa các lĩnh vực, loại hình như đã nêu trên mà còn là gắn kết chúng trong tính hệ thống - chỉnh thể, tác động, chi phối và chế ước lẫn nhau, giữa chúng không có sự tách rời, biệt lập nào.
Mọi động thái đổi mới giáo dục không thể không tính đến tác động chi phối của tiềm lực kinh tế quốc gia, tức là nguồn lực vật chất cho giáo dục đổi mới và đến lượt nó, kết quả, sản phẩm do đổi mới giáo dục đem lại phải phục vụ trực tiếp cho kinh tế tăng trưởng và phát triển.
Giáo dục - đào tạo còn đặc biệt chịu sự chi phối, định hướng của chính trị, đó là quan điểm, tư tưởng, Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng lãnh đạo, cầm quyền, là thể chế, chính sách, luật pháp của Nhà nước quản lý.
Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học phục vụ trực tiếp cho chính trị bằng sức mạnh của khoa học, nhân lực khoa học, tinh thần dân chủ, năng lực phản biện và dự báo, sức đẩy của tiềm năng sáng tạo.
Giáo dục và nhà trường, ở mọi cấp học, ngành học, từ mầm non đến phổ thông và đại học, từ hệ thống công lập đến ngoài công lập, từ chính quy - tập trung đến tại chức, từ thầy giáo, nhà quản lý giáo dục đến học sinh… tồn tại và hoạt động ở trong xã hội chứ không phải là những ốc đảo, biệt lập.
Một mình ngành giáo dục không thể giải quyết được bài toán "trì trệ, tụt hậu"
Giáo dục và nhà trường cùng với lực lượng đông đảo thầy và trò đều chịu tác động, ảnh hưởng từ xã hội, cả xã hội theo nghĩa rộng (là toàn bộ cấu trúc tổ chức và hoạt động của đời sống xã hội bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường với tất cả những thể chế, luật pháp, chính sách, phong tục, tập quán, truyền thống và thực tại) lẫn nghĩa hẹp (cơ cấu xã hội, chính sách xã hội, quan hệ xã hội giữa người và người và các vấn đề của quản lý xã hội, cả trong điều kiện, môi trường bình thường lẫn những tình huống không bình thường).
Tác động, ảnh hưởng của xã hội vào giáo dục là vô cùng phức tạp, đa chiều, từ những thuận lợi tạo xung lực cho phát triển giáo dục tích cực, lành mạnh đến những khó khăn, những mâu thuẫn, nghịch lý dẫn tới những lực cản làm cho giáo dục hoặc trì trệ, chậm phát triển, tụt hậu, lạc hậu, nhất là so với quốc tế hoặc chệch hướng phát triển, suy thoái, khủng hoảng.
Có thể nói, dù nội tại giáo dục có nỗ lực tự đổi mới như thế nào nhưng một mình giáo dục không thể giải quyết được câu chuyện hay bài toán giáo dục đặt ra. Đây là vấn đề của cả dân tộc, của cả xã hội, của toàn Đảng toàn dân, từng người, từng gia đình đến cả nước… ai ai cũng có quan hệ mật thiết, tất yếu với giáo dục.
Bầu khí quyển chính trị, tinh thần, đạo đức, văn hóa cũng như thực lực kinh tế của xã hội đều ảnh hưởng đến trạng thái sức khỏe, xu hướng, triển vọng của giáo dục. Trách nhiệm cao nhất thuộc về Đảng và Nhà nước. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về ngành giáo dục.
Giáo dục và nhà trường, những người làm giáo dục và các đối tượng thụ hưởng giáo dục có vai trò góp phần vào nỗ lực chung để lành mạnh hóa xã hội, để tạo lập một môi trường đạo đức, văn hóa cho giáo dục phát triển theo định hướng Nhân văn - Dân chủ - Khoa học nhưng giáo dục vẫn luôn luôn bị ràng buộc và chế ước từ xã hội. Đó là cả một phức hợp và lẽ đương nhiên là rất phức tạp, nhất là một xã hội đang quá độ, chuyển động trong đổi mới và hội nhập như xã hội Việt Nam hiện nay.
Đổi mới giáo dục không nóng vội, chủ quan, duy ý chí
Đổi mới giáo dục không thể chậm trễ nhưng lại không thể nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Xã hội đòi hỏi rất cao, đặt nhiều kỳ vọng ở giáo dục nhưng lại không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục, kể cả những tình huống giáo dục xa lạ với bản chất đích thực của nó, những suy đồi và tha hóa có tính phản giáo dục (cũng là phản văn hóa, phản phát triển) đang diễn ra, ở đó có giáo dục đại học.
Giáo dục không thể không bị tập nhiễm từ những mặt trái, tiêu cực và hệ lụy của xã hội thâm nhập vào: từ thể chế quan liêu, tham nhũng đã trở thành quốc nạn, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vụ lợi, vị kỷ, tôn thờ giá trị vật chất, tiền bạc, xem nhẹ giá trị tinh thần, đạo đức xã hội suy đồi đến mức thái độ và lối sống vô cảm, vô trách nhiệm không còn là cá biệt… Đó là những độc tố làm ô nhiễm môi trường xã hội, môi trường giáo dục.
Giáo dục cần đạt đến những chuẩn mực, những giá trị đích thực nhưng không nên và không thể lý tưởng hóa giáo dục một khi môi trường vật chất và tinh thần để chấn hưng giáo dục chưa được cải biến mạnh mẽ, đồng bộ từ nỗ lực và đồng thuận của cả xã hội chứ không chỉ bản thân ngành giáo dục.
Tư tưởng sâu sắc và cao quý của Mác về quan hệ giữa hoàn cảnh với con người hoàn toàn có thể mở rộng ra để hiểu quan hệ giữa môi trường xã hội với giáo dục. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, hoàn cảnh tạo ra con người trong chừng mực mà con người “sáng tạo lại” hoàn cảnh, cho nên phải làm cho hoàn cảnh ngày càng có tính người (nhân tính) nhiều hơn.
Sự phong phú của mỗi cá nhân tùy thuộc vào sự phong phú của những mối liên hệ hiện thực giữa nó với những cá nhân khác. Nhân cách của mỗi người (cá nhân - cá thể) là một quan hệ liên nhân cách.
Sinh viên phải được giác ngộ lý tưởng nghề nghiệp
Tính đồng bộ trong đổi mới giáo dục không chỉ đặt trong mối liên hệ giữa giáo dục với các lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn phải được nhìn nhận từ bên trong của cấu trúc hệ thống giáo dục. Đó là:
- Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học không thể tách rời, không thể không liên quan đến giáo dục phổ thông, nhất là phổ thông trung học, đó là “đầu vào” của giáo dục đại học, nói rộng hơn là phải chăm lo tới toàn bộ nền tảng, cơ sở của giáo dục đại học với tính cách là giáo dục bậc cao, giáo dục đào tạo chuyên gia (nhà chuyên môn, người có nghề và thạo nghề), hình thành đội ngũ trí thức tương lai.
Những trẻ nhỏ mầm non không được nuôi dạy chu đáo, những học sinh tiểu học không được rèn luyện cẩn thận về đạo đức, những học sinh trung học không được huấn luyện vững chãi về các kiến thức và kỹ năng cơ bản… như một sự chuẩn bị tốt để trở thành sinh viên đại học thì làm sao có thể có đủ tiền đề cho chất lượng đại học.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học không chỉ đổi mới đồng bộ trong cả hệ thống cấp học, ngành học mà còn phải đổi mới đồng bộ các mắt khâu tạo nên tổ chức và hoạt động của đời sống đại học từ mô hình thiết chế (trường đại học), nội dung giáo dục - đào tạo bậc đại học, phương pháp dạy và học, cái cốt lõi của phương pháp giáo dục đại học, chủ thể dạy và giáo dục (các giảng viên đại học), chủ thể học và tự giáo dục (sinh viên), chủ thể quản lý, quản trị đại học.
Thiết kế chương trình, giáo trình tài liệu phục vụ dạy - học và các vấn đề khác thuộc về nguồn lực cho phát triển đại học, bộ công cụ có tính chuẩn mực khoa học và pháp lý để đánh giá chất lượng… tất cả đều phải được chỉ dẫn từ lý luận, triết lý giáo dục và triết lý giáo dục đại học.
Đủ thấy giải bài toán giáo dục và chất lượng giáo dục đại học cần đến vô số nhiều các dữ kiện, trước hết và hệ trọng là những vấn đề chung ở tầm quan điểm, nguyên tắc và phương pháp.
Tính đồng bộ phải thể hiện và gắn liền với tính nhất quán, ở đây là mục tiêu giáo dục - đào tạo của xã hội được định hình thành mục tiêu giáo dục - đào tạo đại học. Đó là con người, người sinh viên trên các tư cách chủ thể của nó: người công dân trưởng thành trong xã hội dân chủ và nhà nước pháp quyền, người trí thức tương lai, nhà chuyên môn hành nghề trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định trong nền kinh tế thị trường hiện đại và tiến tới kinh tế tri thức, trong môi trường đổi mới và hội nhập…
Tựu trung lại, đại học phải đào tạo ra những nhân cách trung thực và sáng tạo. Sinh viên phải được giác ngộ lý tưởng nghề nghiệp, họ phải có nghề và trở thành nghiệp, từ đó lý tưởng nghề nghiệp phản ánh và đo lường lý tưởng đạo đức, lý tưởng chính trị, thành mục đích, động cơ, lẽ sống, lối sống, phong cách, bản lĩnh…
Sứ mệnh của giáo dục mà biểu hiện nổi bật, nổi trội nhất ở giáo dục đại học như vẫn thường nói là: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Chính ở đây, điều tưởng như đã rõ ràng, đầy đủ, ổn định mà hóa ra lại thiếu hụt và thiếu hụt ở điểm cốt lõi.
Nâng cao dân trí - đào tạo nhân lực - bồi dưỡng nhân tài phải đạt đến sự phát triển và hoàn thiện nhân cách. Đây mới là mục tiêu thực chất, quan trọng nhất, là hướng đích của sản phẩm con người do giáo dục và nhà trường tạo ra, là thước đo chất lượng hiệu quả thực hiện sứ mệnh giáo dục và sứ mệnh giáo dục đại học.
Dạy chữ, truyền nghề để dạy người, rèn người là vì vậy. Giáo dục phải chuyển trọng tâm từ trang bị tri thức, tích lũy kiến thức sang phát triển các năng lực, phẩm chất nhân cách là vì vậy.
Ngay từ buổi đầu thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và bắt đầu một nền giáo dục mới dân chủ và tiến bộ, một nền giáo dục Dân tộc - Khoa học - Đại chúng hơn bảy thập kỷ trước, Hồ Chí Minh, nhà giáo dục có tầm nhìn chiến lược đã xác định, đó phải là “nền giáo dục đem lại sự phát triển đầy đủ mọi năng lực sẵn có của mỗi người”.
Giáo dục và giáo dục đại học phải thống nhất, nhất quán trong bản thân nó các đặc trưng giá trị: Khoa học và cách mạng, dân chủ và nhân văn, đổi mới và sáng tạo. Chỉ như thế mới có phát triển bền vững và hiện đại hóa.
Đó cũng là tinh thần cơ bản của triết lý giáo dục Việt Nam trong đổi mới và hội nhập.
Bài 2: GS Hoàng Chí Bảo: Muốn nâng chất lượng giáo dục, phải có “tinh thần đại học”
GS. Hoàng Chí Bảo - Hội đồng Lý luận Trung ương* Tít bài do Ban Giáo dục tòa soạn Dân trí đặt.