GS Hàn Quốc, Malaysia chia sẻ cách khắc phục “điểm yếu” trong giáo dục
(Dân trí) - Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo: “Chia sẻ tri thức chính sách phát triển giáo dục đại học, bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Malaysia”. Vậy giáo dục đại học Việt Nam học gì từ họ?
Hội thảo có 2 diễn giả chính là GS. Ju-Ho Lee, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công Nghệ Hàn Quốc và GS. Morshidi Sirat, cựu Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Đại học Malaysia.
Chủ trì hội thảo hôm qua (16/10) là thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga và ông Michel Welmond, Trưởng nhóm Giáo dục của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
5 lý do cản trở giáo dục đại học Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Việc nâng cao chất lượng đại trà của GD ĐH là thử thách rất lớn đối với Việt Nam với 5 lý do:
Thứ nhất, phân tầng các cơ sở GD ĐH chưa rõ ràng do đó các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể cho trường mình.
Thứ hai, Nghiên cứu khoa học trong các trường đại học chưa được xem là một hoạt động bắt buộc khiến cho kiến thức của giảng viên ĐH bị lạc hậu nhanh chóng và SV không được nhúng trong môi trường sáng tạo để tự mình trang bị phương pháp nghiên cứu, kinh nghiệm tự học tập để phát triển liên tục trong suốt cuộc đời hoạt động nghề nghiệp của mình
Thứ ba, thiếu đội ngũ quản trị đại học giàu kinh nghiệm trong các nhà trường;
Thứ tư, Tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội và động cơ thái độ học tập của sinh viên không được xác định rõ ràng và số đông hướng vào ĐH nên hệ thống giáo dục ĐH bị quá tải. Trong khi đó hệ thống dạy nghề khó tuyển được người học, phân luồng khó thực hiện, SV lại thích nghề nhẹ nhàng làm ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực cần thiết cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Thứ năm, suất đầu tư cho sinh viên còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực...
“Chính vì điều đó mà Bộ GD-ĐT luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến đa chiều để xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy sự nghiệp đổi mới GD ĐH”- Thứ trưởng Ga phát biểu
Hàn Quốc: Loại bỏ những trường đại học yếu kém!
Là một trong 2 diễn giả tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn quốc, Giáo sư, tiến sỹ Ju-Ho Lee đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc.
Nói về những thách thức mà Hàn Quốc đã gặp phải trong giáo dục, Giáo sư, tiến sỹ Ju-Ho Lee cho biết: “Hàn Quốc cũng là nước đứng thứ 5 trên thế giới về đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đứng thứ nhất về số nhà nghiên cứu tính trên một triệu dân. Số tiền nhà nước đầu tư cho giáo dục chiếm 4,5%GDP, các gia đình chi cho giáo dục chiếm 2%GDP. Tuy nhiên, điều đó không làm cho Hàn Quốc nổi bật trên bản đồ giáo dục quốc tế khi vẫn bị xếp hạng thấp trong nhóm các trường đại học làm công tác nghiên cứu và còn tụt hậu rất xa so với các trường đại học nghiên cứu như ở Mỹ. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục tăng đều đặn nhưng điều đó lại không dẫn đến tăng nguồn vốn con người, thậm chí đất nước này phải đối mặt với tình trạng “bong bóng giáo dục”.
Phân tích về tình trạng “bong bóng giáo dục”, tiến sỹ Ju-Ho Lee cho hay, Hàn Quốc có hơn 300 trường đại học cao đẳng nhưng có sự chênh lệch rất lớn về chất lượng khi trường tuyển đầu vào với 96 điểm, trường tuyển đầu vào chỉ với 31 điểm, số lượng sinh viên ở các trường chất lượng thấp tăng nhanh. Sinh viên học xong không tìm được việc làm hoặc làm việc với lương thấp và họ lại tiếp tục học lên. Tuy nhiên, với tâm lý thích bằng cấp, người dân vẫn đổ xô vào đại học.
Trước thực trạng này, năm 2008 Hàn Quốc bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục theo hướng đa dạng hóa với các mục tiêu củng cố phân nhóm theo chất lượng đào tạo, giảm gánh nặng chi phí cho giáo dục tư và nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đó, tăng cường dạy nghề với các hoạt động như đẩy mạnh các sáng kiến trong trung học dạy nghề, tăng cường công tác hướng nghiệp, áp dụng công thức “đi làm trước, lấy bằng sau” với học sinh trung học nghề; giảng dạy và đánh giá theo hướng phát huy sáng tạo và kỹ năng phát triển nhân cách; Giúp các trường đại học tập trung vào giảng dạy và hợp tác với doanh nghiệp; tăng tự chủ cho các nhà trường; Tăng cường trách nhiệm giải trình trường học
Với giáo dục đại học, với mục đích không thể để trường kém hoạt động. Hàn Quốc đã quyết định xây dựng khung cơ sở dữ liệu, nhất là thông tin liên quan đến việc làm, mức lương của sinh viên sau khi ra trường và công bố rộng rãi cho người dân.
Dựa trên dữ liệu này, Hàn Quốc đã công bố 60 trường trong nhóm hoạt động kém. Tiến sĩ Ju-Ho Lee cho biết: “Đây là một đòn giáng mạnh vào các trường vì họ sẽ đứng trước nguy cơ không tuyển được sinh viên và phải đóng cửa. Khi làm Bộ trưởng, tôi đã đóng cửa 6 trường đại học, dù đó là những quyết định rất khó khăn và tôi đã phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận, báo chí và cả chính quyền các địa phương có trường bị đóng cửa”. Bên cạnh đó, Hàn Quốc thực hiện tái cơ cấu các trường đại học, áp dụng tuyển dụng hiệu trưởng thông qua cạnh tranh công khai.
Malaysia: Liên tục kiểm tra “sức khỏe” đối với ĐH tư
Nói về phân tầng đại học GS. Morshidi Sirat, cựu Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ ĐH Malaysia cho biết: “Tính đến tháng 7/2014, Malaysia có 20 trường đại học công, 535 trường tư, trong số này có 7 phân hiệu của đại học nước ngoài. Hiện có khoảng 1 triệu sinh viên theo học ở các trường công và tư, theo tỉ lệ như nhau.
Hiện Malaysia có mức chi cho giáo dục đại học cao nhất thế giới (theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới). Cụ thể, chi công cho GD ĐH ước khoảng 3,25% GDP; Tổng chi (4,15% GDP)”.
"Trong quá trình cải cách ấy chúng tôi phân ra được 3 hạng trường ĐH công là ĐH nghiên cứu, kỹ thuật, toàn diện còn đối với trường ĐH tư Malaysia không có phân hạng. Tuy nhiên, với các trường tư do không có tính ổn định nên Chính phủ liên tục kiểm tra “sức khỏe” (hiệu quả công việc) hàng năm của các trường, nếu trường nào “sức khỏe” yếu không khắc phục được sẽ đóng cửa" - GS. Morshidi Sirat nói.
GS. Morshidi Sirat cho hay, khi đóng cửa trường để tránh cho sinh viên bị thiệt thòi, chúng tôi sẽ thông báo trước 6 tháng để trường liên hệ với các trường khác chuyển sinh viên sang học. Đối với những sinh viên được cấp học bổng, nhà trường phải tiếp tục cấp học bổng cho em đó hoàn thành cả khóa học. Nếu trường không thực hiện yêu cầu trên sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Về đánh giá trường công và tư, Malaysia, tiến hành 2 loại đánh giá. Đối với trường công đánh giá về mặt nghiên cứu để đảm bảo các trường có tiến hành nghiên cứu khoa học hay không. Khi đã được đánh giá cao về mặt năng lực nghiên cứu thì lúc đó trường đó sẽ có quyền xin hỗ trợ về mặt kinh phí của Chính phủ.
Còn đánh giá về kết quả giảng dạy do cơ quan về bằng cấp của Malaysia đảm nhận. Phần đánh giá này, các trường sẽ được đánh giá dựa trên kết quả dạy và học. Thang điểm đánh giá từ 1 đến 6, trường nào ở top 6 là trường đứng đầu và tất nhiên SV bao giờ cũng muốn vào trường top đầu. Trong trường hợp các trường đạt điểm 1 hoặc 2, thì vẫn có sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các trường để có thể nâng được điểm số của mình lên.
Đó là những thay đổi được thực hiện từ năm 1996 để tăng cường đổi mới toàn bộ hệ thống GDĐH chứ không phải chỉ tập trung vào cho 1-2 trường.
Đối với trường đại học, cao đẳng tư, GS. Morshidi Sirat cho biết, chúng tôi công khai kết quả dạy và học cho người dân được biết. Như thế các trường tư phải có những cải tiến nhất định trong hoạt động của họ, có như thế họ mới có thể thu hút SV từ nước khác tới học. Rõ ràng không có sự lựa chọn nào khác là buộc phải làm việc tốt hơn. Yêu cầu bắt buộc như vậy nên các trường đại học tư bắt buộc phải cải thiện điểm số đánh giá của mình.
Còn về tốc độ hiệu quả trên toàn hệ thống thì chúng tôi tăng cường về mặt nghiên cứu với số lượng bài báo, bài viết nghiên cứu...
Ngoài ra, Malaysia tăng cường khả năng có công ăn việc làm đối với SV sau khi ra trường. "Ở đây chúng tôi khuyến khích SV tự tạo công ăn việc làm. Đó là lý do vì sao trong chương trình đào tạo của chúng tôi có chương trình đào tạo về kỹ năng kinh doanh để các SV không phải trông chờ vào Chính phủ để có công ăn việc làm. Mà chính các SV ấy có thể tự tạo công ăn việc làm cho mình và cho các sinh viên khác bằng cách phối hợp với các doanh nghiệp và thị trường lao động. Vì vậy tỷ lệ sinh viên thất nghiệp của Malaysia chỉ từ 3,5 đến 4%"- GS. Morshidi Sirat chia sẻ.
Hồng Hạnh