Góp ý cho Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục

(Dân trí) - Làm chiến lược đừng có tham, chú ý tới một số mục tiêu; Tôi nghĩ là phải cấu trúc lại văn bản chiến lược này; Trong 3 đỉnh tam giác, Bộ mới nêu được 2 đỉnh là giáo viên và quản lý, còn một đỉnh để trống là vấn đề tài chính…

Đó là những ý kiến đóng góp cho Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 của đại diện UBMTTQ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Cựu giáo chức… trong buổi trao đổi với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Làm chiến lược đừng có tham!

Tại buổi góp ý, nhiều ý kiến của các nhà giáo, nhà nghiên cứu đại diện cho các tổ chức xã hội đều băn khoăn trước nhiều vấn đề giáo dục hiện nay. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2020, trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên chiến lược giáo dục phải tìm ra một vài điểm quyết định, đột phá.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nhiều người bi đát nói rằng giáo dục xuống cấp ghê quá nhưng tôi nghĩ hơi quá. Thời gian qua, giáo dục Việt Nam có bước phát triển nhanh, mỗi tỉnh tính ra có đến 6 trường ĐH, CĐ, 20 trường trung cấp nghề và TCCN. Đây là vấn đề 20 năm trước, không thể mơ được.

Tuy nhiên, theo GS Dong, làm chiến lược đừng có tham, chú ý tới một số mục tiêu và đề xuất bằng được với Chính phủ phương tiện thực hiện và quan tâm đặc biệt tới chất lượng giáo dục đại học. Chất lượng đại học là quan trọng vì đây mới chính là chất lượng cạnh tranh. Đừng quan niệm đào tạo đại học là đào tạo thầy mà đó mới chính là đào tạo lao động, vì chúng ta đang đào tạo lao động có tri thức.

Đồng tình với ý kiến này, ông Dương Văn Sao, Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng: Nhìn tổng thể dự thảo chiến lược thì có thể nhận xét rằng đây là chiến lược nâng cao chất lượng công tác giáo dục chứ không phải là chiến lược về đào tạo. Các nội dung trong chiến lược nghiêng về giáo dục phổ thông, còn phần về đào tạo nghề và đại học lại chưa sâu.

Theo ông Sao, “trong chiến lược cần có thêm dự báo về phát triển dân số và nhu cầu nhân lực để làm cơ sở cho chiến lược đào tạo. Chứ như hiện nay thì mới thấy chiến lược đề ra chỉ để giải quyết vấn đề chất lượng chứ không phải cầu nhân lực. Và cần phải có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách không thì dựa trên cơ sở nào để thực hiện chiến lược này?”

Còn GS Vũ Văn Ninh, Hội Sử học Việt Nam phát biểu: “Dự thảo đưa ra rất nhiều vấn đề nhưng phải chăng trong sự chuẩn bị của chúng ta mang tính dàn trải, cái gì chúng ta cũng đề cập. Từ mẫu giáo đến đại học, tất cả lĩnh vực chúng ta bàn hết. Chiến lược thì phải tìm được điểm nào điểm quyết định. Còn từ chiến lược ấy mới ra chiến lược cụ thể. Tôi thấy nó lẫn lộn. Khi nói đến mục tiêu giáo dục, từ mục tiêu lớn ấy, đi đến mục tiêu nhỏ thì nó lại chuyển thành kế hoạch của từng công việc rồi nói đến giải pháp chúng ta lại lặp lại. Tôi nghĩ là phải cấu trúc lại văn bản chiến lược này”.

Tán thành việc dự thảo nhấn mạnh về đội ngũ quản lý giáo dục nhưng ông Ninh lo ngại rằng, còn 12 năm nữa thì chúng ta phải xem 4 năm tiếp theo làm gì, 5 năm tiếp theo làm gì… Như vậy chúng ta mới định được chiến lược đó từng bước thực hiện như thế nào, chứ nếu không cứ chung như thế này, tôi sợ rằng không làm được gì.

“Tranh nhau” vị trí “số 1”

Vấn đề chọn cái gì là khâu đột phá, cái gì là mục tiêu số 1 cho chiến lược giáo dục, qua nhiều ý kiến góp ý mới thấy để tìm được đáp số quả là nan giải.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Chất lượng giáo dục đại học phải là mục tiêu số một”. Nhưng GS Vũ Dương Ninh lại đề xuất: “Phải nhấn mạnh tới đội ngũ quản lý giáo dục”.

Còn theo GS Nguyễn Mậu Bành thì “Dường như dự thảo chỉ đề cập tới giáo dục trong nhà trường, với hơn 22 triệu HSSV. Còn hơn 70 triệu người ngoài nhà trường, nguồn nhân lực lao động, sản xuất, cần giáo dục suốt đời thì dự thảo đề cập chưa được 1 dòng!”

Quyết liệt cho việc tìm vị trí số 1 cho vấn đề trọng tâm của giáo dục thời gian tới, thậm chí GS Vũ Dương Ninh còn đề nghị phải viết lại cấu trúc cho dự thảo.

“Gay cấn” hơn cả, trong các tình huống góp ý này, như theo lời của GS Phạm Tất Dong thì trong tháng 11, các nhóm chuyên gia của hội đồng tư vấn khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc đã nhóm họp và đã có văn bản đề nghị dừng chiến lược lại để làm cải cách giáo dục!

Còn “đỉnh trống” về vấn đề tài chính

GS Nguyễn Hữu Tăng (Liên hiệp các KHKT Việt Nam) cho rằng: “Trước hết muốn hình thành chiến lược giáo dục thì chúng ta cần đánh giá tình hình giáo dục hiện tại một cách chuẩn xác hơn. Bộ GD-ĐT cần có đánh giá để nắm được tình hình. Ví dụ như việc học sinh đạo đức xuống cấp nhưng tại sao trong bản dự thảo không nêu nên vấn đề này, điều này đang được rất nhiều lo lắng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách của thế hệ trẻ. Do đó cần có sự chấn chỉnh vấn đề này như thế nào. Tôi thấy nhiều vấn đề bản dự thảo đã nêu nhưng còn một số vấn đề cốt lõi cần được dự thảo đào sâu hơn nữa”.

GS Nguyễn Mậu Bành - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cũng cho rằng cần phải làm rõ những vấn đề liên quan đến những chỉ tiêu đặt ra. “Ví dụ như mục tiêu 450 SV/1 vạn dân, tức là quy mô khi đó sẽ vào khoảng 4,5 triệu SV. Vậy đi kèm với chừng đó là bao nhiêu giảng viên, bao nhiêu tiến sĩ? Với tỉ lệ này trong 12 năm tới có kịp đào tạo không?”

Và theo GS Bành, trong 3 đỉnh tam giác, bộ mới nêu được 2 đỉnh là giáo viên và quản lý, còn một đỉnh để trống là vấn đề tài chính mà Bộ chưa đưa ra.

“Đến năm 2020, dự kiến chi cho giáo dục là 21% ngân sách, nhưng nếu như thế thì cũng chỉ thêm được khoảng 12USD cho một người đi học. Với ngần đấy tiền thì không thể làm được nhiều việc như chiến lược đã nêu”. Ông Bành đề nghị cần phải tính toán “để đảm bảo 3 chân kiềng được vững chắc. Nếu không thì phải lùi mục tiêu”.

Sau khi nghe góp ý, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sẽ tiếp tục chỉnh sửa dự thảo, mỗi giải pháp đưa ra sẽ có chính sách đi kèm. Đồng thời, sẽ làm rõ hơn nhu cầu tài chính.

Ông Nhân nói, đặc điểm của giáo dục là từ trước đến nay là không tính toán tài chính đi kèm. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với một số tổ chức để có báo cáo sâu hơn về các vấn đề trong chiến lược và Bộ sẽ tổ chức 2 tháng họp một lần để tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo.

Được biết, sau khi lấy ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, Bộ sẽ lấy ý kiến của các Sở Giáo dục, các thầy cô giáo. Bản dự thảo cũng sẽ được nêu rõ hơn với 3 chặng phát triển, trong đó giai đoạn 2009-2011 được xem là chặng quá độ.  

Một ngày sau khi Dự thảo chiến lược giáo dục giai đoạn 2009- 2020 được chính thức công bố, Diễn đàn của Bộ GD-ĐT (Edunet.vn) đã đăng toàn văn Dự thảo để xin ý kiến đóng góp. Đã có khoảng hơn 20 ý kiến đóng góp đầu tiên. Nhưng góp ý thì ít mà thời cơ để các thành viên “khẩu chiến” bắt bẻ nhau và bắt bẻ phát ngôn của những người lãnh đạo ngành giáo dục là nhiều hơn.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến góp ý rất đáng để suy nghĩ. Như ý kiến của thành viên có tên tvhltt đưa ra nhận xét: “Các thước đo trong mục: "Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng cao, tiếp cận được với chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế" rất chung chung, chẳng hạn "chuyển biến về cơ bản, giúp trẻ phát triển hài hòa... có sự chuyển biến rõ rệt... có ý thức và trách nhiệm cao.... năng lực đọc hiểu và làm toán của học sinh được nâng cao rõ.... học sinh được trang bị học vấn cơ bản.. có kiến thức hiện đại ..."

Viết như thế này không khác gì viết văn! Không ai biết trong 11 năm tới chất lượng và hiệu quả giáo dục của Việt Nam làm được cái gì, tiến bộ hay tụt hậu, không ai chịu trách nhiệm, vô hại với người điều hành. Viết như thế này làm sao đánh giá được các số % được đưa ra có thực hiện được không? Có hợp lý không?”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồng Hạnh - Mai Minh