Giúp học sinh yêu học Lịch sử qua sách giáo khoa

Chỉ bằng việc khai thác sách giáo khoa, cô Lê Thị Hồng - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân (Trường THPT Hoằng Hóa 2 - Thanh Hóa) đã khiến giờ học Lịch sử lôi cuốn học trò.

Cô Hồng cho rằng, có thể phân ra 3 phương pháp sử dụng SGK: Để chuẩn bị bài giảng, sử dụng SGK trong quá trính dạy học ở trên lớp và sử dụng SGK để học tập ở nhà của học sinh.
 
Sử dụng sách giáo khoa chuẩn bị bài giảng
 
Sử dụng sách giáo khoa chuẩn bị bài giảng

Trước khi soạn giáo án, giáo viên cần nghiên cứu nội dung toàn bài trong SGK, xác định kiến thức cơ bản của bài, hiểu rõ nội dung, tinh thần mà tác giả mong muốn ở học sinh về từng mặt kiến thức, tư tưởng, kĩ năng.

Khi đã có cái nhìn toàn cục, khái quát, cần đi sâu từng mục nhằm tìm ra kiến thức cơ bản của mục đó, sự liên quan của kiến thức đó với kiến thức toàn bài.

Không nên dàn đều về mặt thời gian cũng như khối lượng kiến thức của từng phần mà xác định phần nào lướt qua, phần nào là trọng tâm.

Mỗi bài cần phải xác định rõ phần đóng góp cụ thể về mặt nội dung, tư tưởng, kĩ năng, kĩ xảo, các khái niệm cần giải thích cho học sinh hiểu.

Như vậy, SGK là điểm tựa để người giáo viên xác định những kiến thức cơ bản, xác định các khái niệm cần hình thành cho học sinh trong giờ học, là sự gợi ý để lựa chọn phương pháp dạy học vừa phù hợp với đối tượng, vừa phát huy tính tích cực hoạt động độc lập của học sinh.

Sử dụng SGK trong quá trình dạy học trên lớp

Trong quá trình học bài ở trên lớp, học sinh thường theo dõi bài giảng của giáo viên rồi đối chiếu, so sánh với SGK, thậm chí nhiều học sinh không ghi theo bài giảng của giáo viên mà lại chép trong SGK. Vì vậy, bài giảng của giáo viên không nên lặp lại ngôn ngữ trong SGK mà nên diễn đạt bằng lời của mình.

Một biện pháp nữa thường hay sử dụng trên lớp là cho học sinh đọc SGK rồi tự các em tóm tắt, kể lại những nội dung cơ bản. Thông thường đây là những kiến thức ít phức tạp, không đòi hỏi phải giải thích hay phân tích. Đó là các kiên thức về diễn biến của một cuộc khởi nghĩa, một trận đánh hay tiểu sử một nhân vật mà các em quen biết.

Trong SGK, phần lớn các bài đều có những đoạn trích chữ nhỏ. Kiến thức được thể hiện trong những đoạn trích này nhiều khi rất quan trọng. Thường nó là nguồn tư liệu làm nổi bật nội dung cơ bản của bài.

Ví dụ, ở đoạn trích chữ nhỏ trang 139 mục 2 “Kế hoạch Đờ lát đơ Tátxinhi”, thì nội dung của kế hoạch này đều thể hiện qua đoạn chữ nhỏ. Vì vậy giáo viên buộc phải làm rõ cho học sinh nắm được.

Hoặc đoạn trích chữ nhỏ trang 154 ở mục 1 “Hội nghị Giơnevơ” Bài 20 “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 – 1954)”, giáo viên cần làm rõ cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị diễn ra gay gắt do lập trường các bên trái ngược nhau. 

Phía ta kiên quyết lập trường độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương. Phía Pháp - Mĩ tỏ ra thiếu thiện chí, ngoan cố, Pháp vẫn muốn duy trì quyền lợi ở Đông Dương.

Thậm chí giáo viên còn phải phân tích, bổ sung, nêu thái độ ngoan cố của Pháp – Mĩ: không chịu mời phái đoàn của Lào và Campuchia, không dám công khai bác bỏ ta nhưng tìm mọi cách phá hoại.

Giáo viên cũng có thể cho học sinh đọc đoạn trích chữ nhỏ trong quá trình kết hợp giảng bài.

Như vậy, những đoạn chữ nhỏ trong SGK phải được sử dụng triệt để. Nếu nó đề cập đến những kiến thức khó, phức tạp thì giáo viên lấy làm nguồn tư liệu dùng để miêu tả hoặc kể chuyện.

Nếu dễ có thể cho học sinh đọc. Điều quan trọng là không nên làm một cách hình thức mà phải kiểm tra khả năng cảm thụ, nhận thức của học sinh như thế nào sau khi đọc xong đoạn đó.

Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa học ở nhà

Do ở nhà học sinh phải học nhiều môn khác nhau, vì vậy việc hướng dẫn tự học cho học sinh là khâu quan trọng trong quá trình dạy học.

Thông thường ở nhà, học sinh chỉ học vở ghi, đọc qua SGK mà không biết tự học, vì vậy cần hướng dẫn các em biết sử dụng SGK một cách có hiệu quả.

Trước hết học sinh đọc toàn bộ bài viết trong SGK (đã được nghe giảng ở trên lớp) để nắm nội dung chung của bài học, hiểu những sự kiện, những vấn đề lịch sử.

Học sinh nhớ lại những điểm mà giáo viên đã giảng ở trên lớp có liên quan đến nội dung SGK, trước hết là dàn bài giảng, những sự kiện cơ bản, những nét đặc trưng, việc đánh giá các sự kiện và nhân vật lịch sử, những kết luận….

Những ấn tượng về bài giảng giúp học sinh nhanh chóng nắm vững SGK. Sau đó, học sinh không nhìn vào sách, lập dàn ý nói lại những vấn đề chủ yếu của bài học, tự xem xét lại những vấn đề chưa nắm được.

Học sinh đọc lại SGK một lần nữa và tự giải đáp những vấn đề cần hiểu, cuối cùng tự giải đáp những câu hỏi của bài học trong SGK hoặc do giáo viên nêu ra.

Khi hướng dẫn học ở nhà theo SGK Lịch sử, nên hướng dẫn có trọng điểm.

Ví dụ, ở bài 18 “Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 – 1950)”, cần chỉ rõ các sự kiện tiêu biểu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp từ khi bùng nổ đến chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 như: Tên sự kiện? Thời gian? Kết quả - ý nghĩa?...

Hoặc ở bài 19 “ Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951 – 1953)”, giáo viên hướng dẫn học sinh lập bảng niên biểu những thắng lợi tiêu biểu của quân dân ta trên các mặt trận quân sự, chính trị - ngoại giao, kinh tế - tài chính trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ sau thu đông 1950 đến trước đông xuân 1953 -1954.

Yêu cầu của các bài tập trong sách giáo khoa đã thể hiện được kiến thức cơ bản của toàn bài, bao gồm một nội dung rộng lớn và đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức tổng hợp, phải nắm vững những kiến thức cơ bản của bài mới trả lời được.

Vì vậy, cùng với câu hỏi trong sách giáo khoa, giáo viên cần gợi ý cho học sinh hiểu yêu cầu của nó, đặt ra các câu hỏi nhỏ để gợi ý.

Khi được giao công việc cụ thể, các em sẽ phải hoàn thành và phải học tập một cách độc lập, sáng tạo.

“Tóm lại, sử dụng sách giáo khoa như thế nào, trong thực tế nó được biểu hiện sinh động ở mỗi cá nhân và tùy thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt, sáng tạo của mỗi giáo viên.

Tuy nhiên, những quan điểm lí luận cơ bản, những kinh nghiệm là cơ sở cho lao động sư phạm của chúng ta nhằm nâng cao hiệu quả dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động trong hoạt động học tập của học sinh” - cô Lê Thị Hồng kết luận.

Theo Hải Bình
GD&TĐ