Giấy khen của "trường tiểu học nhà mình" tặng "thánh xem ké" gây sốt

Hoài Nam

(Dân trí) - Lời nhắn nhủ "Cả nhà mình yêu con" trong tờ giấy khen của bố mẹ tự thiết kế tặng con gái lớp 1 làm nhiều người xúc động, bất ngờ.

Trên trang cá nhân của chị Giản Thị Sâm vừa chia sẻ câu chuyện về cô con gái học lớp 1 tại TP Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk: "Cốm cũng được bố thiết kế cho một tờ (giấy khen) để khoe với bạn bè đây, lớp 1 học online mà được lên lớp 2 đã là kỳ tích lắm rồi, có thể đọc thông viết thạo với bố mẹ là siêu lắm rồi, nên phải đáng được khen lắm chớ. Bạn nào cũng giống như Cốm thì bảo bố Cốm in cho tờ nha"

Giấy khen của trường tiểu học nhà mình tặng thánh xem ké gây sốt - 1

Cô con gái vừa hoàn thành lớp 1 nhận giấy khen từ bố mẹ (Ảnh: NVCC).

Kèm đó là hình ảnh con gái chị nhận tờ giấy khen cực kỳ đặc biệt của bố mẹ tặng. Tờ giấy khen thiết kế rất đơn giản, màu sắc nhẹ nhàng, được ghi "Trường tiểu học Nhà Mình" tặng con với nội dung: "Chúc mừng con đã hoàn thành xuất sắc chương trình lớp 1. Nghỉ hè xong con sẽ lên học lớp 2. Thánh xem ké nhưng cái gì cũng biết" cùng thêm lời nhắn: "Cả nhà mình yêu con". 

Ở cuối phần ký tên là "nóc nhà". 

Giấy khen của trường tiểu học nhà mình tặng thánh xem ké gây sốt - 2

Tờ giấy khen người bố tự thiết kế để tặng con gái (Ảnh: NVCC).

Tờ giấy khen đặc biệt của cháu bé lớp 1 được bố mẹ trao đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Nhiều người cảm phục về tình cảm, cách động viên con của anh chị dành cho con gái, nhất là trong hoàn cảnh bé không được nhận giấy khen ở trường.

Có người xúc động cay khóe mắt, bất ngờ vì sự đồng hành của vợ chồng chị Sâm với con. Con không được giấy khen nhưng bố mẹ không những không hề trách mắng, thất vọng mà thay vào là sự động viên, khen ngợi con. Điều mà rất ít bố mẹ nghĩ đến khi con không đạt kết quả tốt nhất dù vẫn luôn nói yêu con vô điều kiện,  không quan trọng điểm số, không quan trọng thành tích. 

Chị Giản Thị Sâm chia sẻ, con mình vừa kết thúc lớp 1. Điểm thi học kỳ của cháu toán được 9, tiếng Việt được 8 không đạt học sinh xuất sắc nên không được nhận giấy khen.

Biết con khi đi tổng kết sẽ buồn khi nhìn các bạn nhận giấy khen nên chị Sâm bàn với chồng, tại sao mình không tặng giấy khen cho con. Một năm học rất khó khăn vì dịch bệnh, con đã rất cố gắng biết đọc, biết viết, con xứng đáng nhận giấy khen từ bố mẹ. Thế là bố cháu hí hoáy thiết kế tờ giấy khen, in ra vào long trọng trao cho con. 

Giấy khen của trường tiểu học nhà mình tặng thánh xem ké gây sốt - 3

Với vợ chồng anh chị, lời khen ngợi, động viên của bố mẹ đối với con cái là điều quan trọng nhất với đứa trẻ (Ảnh: NVCC).

"Khi nhận, cháu bất ngờ và vui lắm! Con vừa biết đọc, cầm đọc nội dung của tờ giấy khen, ngạc nhiên hỏi "Ô, sao lại là trường tiểu học nhà mình?" "Nóc nhà là gì?"... Còn tôi nói với con, bố mẹ rất vui khi con đã học xong lớp 1 và được lên lớp 2", người mẹ kể. 

Trong tờ giấy khen, gọi con là "thánh xem ké", chị Sâm giải thích thỉnh thoảng bố mẹ dùng điện thoại vào mạng, hay làm việc gì đó, con chạy sang xem ké bố một tí, rồi sang mẹ xem một lát nên khi bố mẹ trao đổi chuyện gì con cũng biết, cũng hiểu. Khi được bố gọi là "thánh xem ké", cháu rất thích thú. 

Chị Sâm trải lòng, lời khen, sự động viên, khích lệ của bố mẹ là quan trọng nhất với mọi đứa trẻ. Bố mẹ khen con đúng cách, nhìn được thế mạnh của con sẽ giúp đứa trẻ tự tin hơn, dám thể hiện khả năng, sở trường của mình, từ đó dám lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình trước sự việc, vấn đề nào đó. 

Trong cách khen con, chị sẽ không khen chung chung mà khen đúng vào những điều cụ thể con làm được. Như con vẽ một bức tranh đẹp, chị sẽ không khen "con vẽ đẹp quá" mà sẽ đi vào chi tiết như con phối màu hợp lý, vẽ cánh hoa rất tròn. Hay khi có em họ đến chơi, chị khen con biết chăm sóc em, biết chơi với em. 

Quan điểm dạy con của chị là bố mẹ phải làm gương cho con, từ trong sinh hoạt hàng ngày cho đến việc học tập. Từ khi con bé xíu, hai vợ chồng đã thay nhau đọc sách cho con nghe. Đến giờ, dù chị ở nhà kinh doanh cả nhà vẫn ngồi đọc sách, bố mẹ đọc sách người lớn, con đọc sách của con. Chị không biết tiếng Anh nhưng vẫn mò mẫm học cùng con, dạy cho con. 

Tốt nghiệp ngành công tác xã hội, trước đó chị Sâm từng có gần 10 năm làm việc tại các trung tâm bảo trợ, tiếp xúc với rất nhiều trẻ em mồ côi. Công việc đó cũng đã tác động đến nhân sinh quan của chị về cuộc sống, về trẻ em. Với chị, mỗi đứa trẻ là một tính cách khác nhau và đòi hỏi cách tiếp cận, giáo dục cũng khác nhau. Đứa trẻ nào cũng thánh thiện, dễ thương, có chăng vì hoàn cảnh sống nên chúng thay đổi... 

Điều này nhắc nhở chị trong vai trò người mẹ cần quan tâm và cả cẩn trọng trong việc nuôi dạy, giáo dục con.