Giật mình học trò mâu thuẫn trên mạng, “xử” thật ngoài đời

(Dân trí) - Vì khác quan điểm, lời qua tiếng lại trên mạng xã hội dẫn đến những xích mích, mâu thuẫn...., nhiều học trò không ngại ngần gặp mặt "xử" nhau cho bằng được.

Trên mạng cãi nhau, ngoài đời... nhập viện

Sự việc gây choáng váng vừa xảy ra tại TPHCM với hậu quả hai học sinh (HS) lớp 12, Trường THPT Marie Curie bị chém phải nhập viện. Trong đó bạn nam bị chém vào mặt và tay, còn bạn nữ bị chép đứt gân tay, phải phẫu thuật. 

Cuộc "hỗn chiến" dùng dao chém người giữa các em HS diễn ra giữa đường phố. Và càng thêm bàng hoàng khi sự việc xuất phát từ xích mích, mâu thuẫn của hai nữ sinh học lớp 11 là em A.M, Trường THPT Marie Curie và em H.V, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. 

Giật mình học trò mâu thuẫn trên mạng, “xử” thật ngoài đời - 1
Giật mình học trò mâu thuẫn trên mạng, “xử” thật ngoài đời - 2

Nhiều vụ việc học trò "xử" nhau vì những mâu thuẫn, đôi co trên mạng xã hội 

Đôi co qua lại trên mạng, hai nữ sinh này hẹn gặp nhau "nói chuyện" tại một ngã tư ngay trung tâm thành phố và dẫn theo nhiều bạn bè vào tối 21/10. Cuộc nói chuyện của hai kết thúc bằng cuộc ẩu đả và hai bạn bị chém phải nhập viện. 

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, không chỉ HS hai trường nói trên, vụ việc này có nhiều HS các trường phổ thông khác cùng tham gia. 

Một sự việc khác cũng tại TPHCM, một nữ sinh của Trường THPT Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp bị một nhóm bạn nữ học cùng trường dùng mũ bảo hiểm tấn công, lại còn bị túm tóc, đạp vào người, lột áo... ngoài đường phố. Ngoài ra, em còn bị đe dọa, hoảng loạn không dám đi học, phải vào viện khám và nhiều lần nghĩ đến cái chết. 

Sau khi gia đình phát hiện, đã tố cáo sự việc đến cơ quan công an. Được biết, các em hẹn nhau gặp mặt để "xử" cũng vì những mâu thuẫn trên mạng. 

Giật mình học trò mâu thuẫn trên mạng, “xử” thật ngoài đời - 3

6 nữ sinh cấp 2 ở Đồng Tháp đánh nhau vì... mâu thuẫn trên mạng

Tại Đồng Tháp, mới đây, 6 nữ sinh Trường THCS đánh nhau túi bụi cũng vì cãi nhau, mâu thuẫn trên mạng xã hội. 

Cách đây không lâu, hai nữ sinh ở Quảng Nam đôi co tranh luận trên mạng về bản quyền một bài hát nhưng không có hồi kết. Sau đó, hai cô gái đã hẹn nhau ngoài đường để "quyết chiến" xem thắng thua bằng vũ lực, tay chân. 

Cập rập dạy học trò ứng xử trên mạng 

Ngay sau sự việc hai HS của trường bị chém, đầu tuần rồi, trong buổi chào cờ, Trường THPT Marie Curie mời chuyên gia tâm lý, đại diện Công an đến sinh hoạt với HS trong giờ chào cờ, nội dung về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, tránh xảy ra các mâu thuẫn không đáng có.

Trước những tác động của mạng xã hội đến cách hành xử của HS, nhất là theo hướng tiêu cực, nhiều trường học đã đưa chuyên đề về ứng xử trên mạng xã hội vào để giáo dục HS. 

Theo kế hoạch, vào giữa tháng 11 tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ lần lượt tổ chức các buổi nói chuyện với HS bậc THCS và THPT về nội dung sử dụng mạng xã hội thông minh và an toàn.

Các chuyên viên của Sở sẽ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho HS như: sử dụng mạng xã hội để làm gì, mạng xã hội rộng lớn như thế nào, chia sẻ thông tin cá nhân an toàn, xây dựng hình ảnh cá nhân tích cực.

Giật mình học trò mâu thuẫn trên mạng, “xử” thật ngoài đời - 4
Học trò tại TPHCM trong chuyên đề về an toàn trên mạng xã hội

Theo kết quả khảo sát với hơn 8.000 bạn trẻ của nhóm tác giả do ThS Nguyễn Lan Hải (Cố vấn Hội quán Các bà mẹ) làm chủ nhiệm thì có đến đến 88% không đọc các điều khoản sử dụng mạng xã hội, 10% đọc lướt và chỉ 2% là có đọc.

Theo bác sĩ Lan Hải, tâm trạng khi tranh luận ở mạng xã hội các bạn trẻ thường gặp là hào hứng, được đồng cảm, thấy mình là một phần của tập thể hoặc cay cú bị thua, người khác trái ý kiến với mình hay cảm thấy bất công... 

Việc hướng dẫn HS sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, lành mạnh là việc phải làm để tránh những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Lan Hải nhấn mạnh, cốt lõi phải ở đời sống thực.

Nhiều HS, sinh viên dành hết mọi niềm vui, nỗi buồn, lý tưởng sống... phụ thuộc vào mạng, chúng ta tưởng là do mạng "dẫn dụ" nhưng thật ra, phản ánh đời sống thực của các bạn trẻ đang bất ổn, có thể các bạn cô độc, thiếu tình yêu thương, sự chia sẻ... trong đời sống hàng ngày. 

Những phản ứng, hành vi của các bạn khi chỉ cần vài tiếng cãi vã, xích mích qua mạng là đưa ra "xử lý" càng thể hiện rõ điều này. 

Một chuyên gia tâm lý ở TPHCM chia sẻ, những biến động tâm lý lứa tuổi học trò cùng với sự "cổ vũ" của bạn bè xung quanh có thể các em sẽ dễ bị mất kiểm soát trong hành vi.

Đối với vấn đề bạo lực học đường từ những xích mích trên mạng xã hội thì đổ vỡ nhiều vấn đề, trong đó cảnh báo việc những giá trị về sự tự tin, sẻ chia, tôn trọng, nhân văn... nhưng lại thừa thãi sự hiếu chiến ở con trẻ. 

Điều đáng suy ngẫm nhất là trong hầu hết các vụ việc của con trẻ, kể cả những trẻ đi bắt nạt bạn hay là nạn nhân thì... cha mẹ thường lại là người biết cuối cùng. Nhiều phụ huynh té ngửa khi biết con mình là nhân vật xuất hiện trong các clip, vụ việc HS giật tóc, đánh đấm, lột quần áo rồi cả "xử nhau" bằng dao. 

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm