Giật mình học trò chào nhau bằng… chửi thề, nói bậy

(Dân trí) - Những lời chửi thề, nói bậy… được học trò nói ra một cách hồn nhiên đến mức như đó là một phương thức giao tiếp thông thường của các em.

Mở đầu bằng… chửi bậy

Trước giờ vào lớp, giờ ra chơi hoặc sau giờ học trước cổng trường THCS T.C.Đ. (TPHCM) cũng như khu vực quán xá lân cận, nơi nào có mặt học sinh (HS) thì y như rằng nơi đó nghe chửi thề, nói tục. Bạn bè chào nhau, lời mở đầu cũng bằng "con mặt này", "thằng mặt nọ"… thay luôn cho tên gọi.

Chỉ khoảng 10 phút ở phía cổng sau, nơi mấy quán bán hoa quả, bánh tráng trộn, có những HS, cả nam lẫn nữ… chêm đến hàng chục câu chửi thề vào câu nói của mình. Nhiều em, không câu nào rớt, thậm chí trong một câu, đệm hai ba lần nói bậy là chuyện thường. Cha mẹ, ông bà được các em lôi hết vào những câu chửi đệm của mình.

Nhiều lời chửi tục của các em người nghe phải đỏ mặt, xấu hổ, khó chịu, nhưng được các em nói một cách rất tự nhiên, trôi chảy.

Nhà ở ngay lối các em HS một số trường cấp 2, 3 qua lại, anh Vũ Phương Duy, ở đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết cứ mỗi lần các em HS đi trước nhà thì y như rằng anh "nhức cả óc" vì nghe các em chửi bậy, nói tục liên mồm.

“Có lần, một nhóm em tụ tập trước cửa, chửi thề oang oang, tôi liền ra quát “Học trò mà ăn nói vậy à” thì các em kéo nhau bỏ đi trước khi… văng lại cho mình một mớ ngôn từ không hay”, anh Duy kể.

Không chỉ ở những được xem là tập trung đông HS có thành phần phức tạp, ngay cả những trường được xem là chuẩn, ngoan… cũng không khó thấy việc chửi thề, nói tục của các em rất phổ biến.

Và chuyện nói tục chửi bậy của học trò không chỉ ở phía ngoài cổng trường mà ngay trong trường học, lớp học cũng không ít HS thản nhiên nói bậy.

Em Trần Thu Phương, HS lớp 7/3, Trường THCS Trần Gia Thiều, TPHCM cho hay, hiện nay HS nói tục chửi thề rất nhiều, phổ biến, ngay cả với những bạn học sinh ngoan. Các em nói ra như những ngôn từ “thiếu sạch sẽ” một cách rất tự nhiên, không còn ý thức được việc mình đang chửi thề mà theo Phương là do… người lớn cũng chửi thề, nói tục ra rả nên con trẻ cũng bị quen miệng.

Giật mình học trò chào nhau bằng… chửi thề, nói bậy
"Giao tiếp" bằng bạo lực, sử dụng những ngôn từ không trong sáng đang phổ biến trong học sinh (Ảnh minh họa)

Thẩm mỹ lệch lạc?

Ông Nguyễn Công Quốc Cường, hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm, Phú Nhuận, TPHCM chia sẻ, bây giờ các em bị tác động môi trường bên ngoài xã hội, trên mạng rất nhiều mà ở đó không thiếu những giao tiếp bằng những ngôn từ tục tĩu, thiếu văn hoá.

Tại Trường THCS Châu Văn Liêm, TPHCM học trò nói bậy, chửi thề sẽ được... súc miệng
Tại Trường THCS Châu Văn Liêm (TPHCM), học trò nói bậy, chửi thề sẽ được súc miệng!

Chưa kể, trong gia đình nhiều phụ huynh vẫn còn xem nhẹ lời ăn tiếng nói nên ảnh hưởng đến trẻ. Rồi ngay cả giáo viên đôi khi còn dùng những lời quát mắng, mắng mỏ không hay tác động đến các em.

Một phó hiệu trưởng Trường tiểu học ở Q.5, TPHCM cho rằng, nhiều em bây giờ nói tục rất sớm, nhiều em mới bậc tiểu học đã chửi bậy rất “sành điệu”. Ngoài tác động từ môi trường sống, đây cũng là hậu quả của việc giáo dục gia đình, nhà trường coi nặng kiến thức, chưa chú tâm đến lời ăn tiếng nói, đạo đức của các em.

Chuyên gia tâm lý Vũ Cẩm Vân cho hay, ngoài việc “nhiễm” từ môi trường xung quanh, các em thường dùng những từ chửi thề, nói tục nhằm “đệm” để câu nói thêm thuyết phục, thêm phần cá tính mà không ý thức điều mình nói. Dần đần hình thành thói quen trong vô thức.

Thế nên, chúng ta khoan đã vội quy kết việc các em nói tục với bản chất, ý thức và đạo đức của các em.

Thay cho việc dùng những ngôn từ trong sáng, đẹp đẽ nhiều HS lại dùng những lời nói tục như là cách thể hiện bản thân, cá tính hay còn xem đó là “mốt”, ai không theo là lạc hậu. Như lời một chuyên gia giáo dục, đó không khác nào là một dạng thẩm mỹ méo mó, lệch lạc, nhếch nhác.
 

Nói bậy được… súc miệng

 
Tại Trường THCS Châu Văn Liêm (TPHCM), học sinh nào nói tục, chửi thề sẽ được… súc miệng bằng nước sạch trong xô. Nói lần đầu súc một lần, nói lần thứ hai, súc hai lần.
 
Ông Nguyễn Công Quốc Cường, hiệu trưởng cho hay, chửi thề, nói tục là những lời lẽ bẩn miệng, cần được rửa sạch nhắc các em nhớ.  Để thực hiện quy định này, nhà trường thống nhất từ trước với học sinh lẫn phụ huynh để nhận được sự đồng tình để tránh điều tiếng không hay. Qua đó cũng là cách trung gian để nhắc nhở giáo viên, phụ huynh chú ý quan tâm đến lời ăn tiếng nói cho con trẻ.

 

 

Hoài Nam