Giật mình chuyện dạy học sinh kỹ năng ứng phó thiên tai
Đến lúc thủ đô cũng chìm trong nước sau trận mưa dài ba ngày đêm, đến lúc động đất, cháy rừng… gõ cửa từng gia đình, người ta mới nhận ra bản thân rất lúng túng, bất lực, thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai, điều mà đa số người dân Việt cho rằng không cần học.
Chương trình giảng dạy môn địa lý suốt một thời gian dài cũng không quan tâm mấy đến vấn đề này, phần lớn chỉ dừng lại để học sinh “nghe qua cho biết”.
Lỗ hổng suốt 10 năm
Theo các giáo viên địa lý lâu năm, ở chương trình cũ, môn địa lý từ lớp 6 đến lớp 12 đều có một phần nhỏ về thiên tai như bão, động đất, lũ lụt, sóng thần, sương muối, sương giá…, kèm các hướng dẫn ứng phó. Không nhiều, nhưng cũng vừa đủ để hình thành khái niệm cho học sinh. Đến chương trình cải cách, phần này bị lược bỏ và được thay bằng những kiến thức được xem là quan trọng hơn. Các kiến thức được tích hợp theo từng quốc gia, khu vực tiêu biểu cho hiện tượng thiên nhiên đó. Lỗ hổng này kéo dài khoảng 10 năm.
Vài năm gần đây, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai liên tục ở nhiều nơi trên thế giới, phần kiến thức về thảm hoạ thiên nhiên được đưa trở lại chương trình với thời lượng quy định ở cấp 3 là hai tiết. Tuy nhiên, các kiến thức này chủ yếu lại ở tầm vĩ mô, định hướng quản lý nhà nước, thiếu hẳn kiến thức về các kỹ năng sống chung với thiên tai.
Theo ông Mai Phú Thanh, chuyên viên phụ trách bộ môn địa lý Sở GD-ĐT TPHCM và là thành viên thẩm định chương trình biên soạn sách giáo khoa môn địa lý, việc đưa trở lại phần kiến thức về thiên tai vấp phải sự phản đối của không ít người với lý lẽ giảm tải không bỏ bớt kiến thức sao lại đi thêm vào. Việc giảng dạy khối kiến thức này vì thế tuỳ thuộc vào giáo viên, nhận thức giáo viên đến đâu sẽ chuyển tải cho học sinh đến đó. Vì đây là nội dung không bắt buộc trong nội dung ôn thi, nên nhiều giáo viên cũng dạy khá qua loa.
Luyện phản xạ hơn nhồi kiến thức
Tuy vậy, những ý kiến phản đối đưa kiến thức về các hiện tượng bất thường của thiên nhiên vào chương trình không phải không có cơ sở. Nhiều giáo viên dạy môn địa lý cho biết: kiến thức về các hiện tượng bất thường của thời tiết ở chương trình phổ thông tuy thiếu mà lại thừa.
Cô Hoàng Thị Diễm Trang, giáo viên môn địa lý trường THPT Gia Định, cho rằng: Không nên bắt học sinh toàn quốc học cùng một nội dung mà nên chú trọng dạy kỹ năng ứng phó cho học sinh theo đặc điểm thiên tai đặc thù của vùng.
Ví dụ, học sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được học kỹ hơn về sống chung với lũ. Học sinh miền Trung phải học cách phòng chống bão… Nếu làm được điều này, vừa có thể làm nhẹ chương trình mà vẫn không sợ học sinh bị hổng kiến thức.
Ngoài ra, việc hình thành các phản xạ với tình huống thiên tai cũng phải được rèn luyện từ nhỏ. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, một đất nước mà mỗi năm có trên 100 trận động đất, việc hình thành phản xạ có điều kiện được tập luyện từ rất nhỏ. Còn ở ta, việc đưa phần kiến thức này chỉ bắt đầu từ cấp 3 mà chủ yếu là học cho biết thì rõ ràng không có tác dụng nhiều.
Để hình thành được phản xạ ứng phó với thiên tai, đòi hỏi nhà trường tổ chức các buổi tập dượt tình huống, chứ không thể học chay như hiện nay. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp của các ban ngành, trang bị cơ sở vật chất, và quan trọng hơn hết là sự đồng thuận của phụ huynh, của xã hội. “Có phụ huynh nào yên tâm giao con em mình cho chúng tôi thực tập những tình huống nguy hiểm”, hiệu trưởng Nguyễn Văn Thạnh của trường THPT Gia Định ta thán.
Theo Hồng Ân
Sài Gòn Tiếp Thị