Giáo viên “sợ” làm tổng phụ trách Đội
(Dân trí) - Trong các trường Tiểu học và THCS hiện nay, người giáo viên - Tổng phụ trách Đội (TPTĐ) luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh và điều hành các hoạt động phong trào của nhà trường, là người chịu rất nhiều sức ép từ ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và ngay với cả những em học sinh cá biệt. Chính vì vậy, không dễ tìm một người TPTĐ có nhiệt huyết, có khả năng làm công tác phong trào.
Theo qui định hiện hành, các trường cấp 1 và 2 hiện nay được biên chế 1 giáo viên làm TPTĐ. Giáo viên trường cấp 1 dạy 23 tiết/ tuần, giáo viên cấp 2 dạy 19 tiết/ tuần. Đối với trường loại 1 thì TPTĐ không phải dạy, trường loại 2 dạy 1/3 số tiết, trường loại 3 dạy 1/2 số tiết theo qui định. Mặc dù qui định rõ ràng như vậy, nhưng nhiều giáo viên được phân công nhiệm vụ này đều không muốn làm bởi vì đây thực sự là một công việc vô cùng vất vả và chịu rất nhiều áp lực và cả những lời thị phi từ nhiều phía.
Hiện nay, chỉ có một số trường sư phạm đào tạo giáo chuyên ngành công tác Đội, còn đa số là chưa mở ngành học này. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, phần lớn giáo viên đảm nhận công việc TPTĐ không có chuyên môn về công tác Đội. Trong khi, đối với những giáo viên làm công tác Đội đòi hỏi rất nhiều những kỹ năng. Ngoài lòng say mê thì phải biết điều khiển và tổ chức các trò chơi, biết giáo dục, giúp đỡ những học sinh cá biệt, biết các nghi thức Đội, có một kỹ năng nói tốt để chào cờ hàng tuần, điều khiển các ngày lễ được trường tổ chức, biết làm các kế hoạch theo qui định của nhà trường, của sự chỉ đạo của bộ phận ngoài giờ lên lớp… Nhưng, nhìn vào cách phân công hiện nay có rất nhiều bất cập, không phải giáo viên nào cũng đảm nhận được nhiệm vụ này một cách tròn vai.
Chính từ sự phân công giáo viên TPTĐ hiện nay có rất ít người đúng với chuyên ngành đào tạo, thường là điều giáo viên được đào tạo cấp THCS và THPT nhưng do dư thừa giáo viên nên họ đảm nhận công việc này. Vì vậy, họ rất khó nắm về tâm lí lứa tuổi, hạn chế về công tác Đội, lúng túng trước việc điều khiển trò chơi và cả kĩ năng ứng xử với học sinh và giáo viên trong nhà trường. Bởi, điểm thi đua của mỗi lớp gắn liền với công sức của giáo viên chủ nhiệm, của cả một tập thể lớp, trong khi đó TPTĐ không tìm hiểu nguyên nhân mà cứ thấy học sinh vi phạm là xử lí, trừ điểm, bắt lao động thì rõ ràng mối quan hệ giữa giáo viên chủ nhiệm lớp và TPTĐ rạn nứt. Hơn nữa, cùng một lúc người làm công tác Đội phải kiêm nhiệm nhiều mảng hoạt động trong đơn vị như: giáo dục đạo đức học sinh, lo mảng vệ sinh, các phong trào của nhà trường… nên nhiều thầy cô luôn cảm thấy ức chế và gánh những áp lực vô hình trong công việc.
Nếu như một giáo viên dạy lớp bình thường thì họ chỉ đảm nhận hết số tiết qui định rồi có thể tự do đi lại hoặc về nhà. Tuy nhiên, đối với giáo viên TPTĐ thì thường phải túc trực cả ngày trong trường, hàng ngày phải đi sớm hơn các giáo viên khác để lo vệ sinh trường học, quản lý 15 phút đầu giờ, ngày làm việc thì đa số là phải làm liên tục 5-6 ngày trên/ tuần. Đặc biệt, những công tác phong trào, ngoài giờ lại thường được tổ chức vào ngày chủ nhật, ngày lễ để tránh buổi học chính khóa nên nhiều tuần giáo viên không có ngày nghỉ. Ngoài ra, theo qui định hiện hành, ngành giáo dục được nghỉ 2 tháng hè, nhưng giáo viên làm công tác Đội phải thường xuyên có mặt trong dịp hè để sinh hoạt hè cùng các em. Ai chẳng muốn những tháng hè được nghỉ ngơi, cùng gia đình đoàn tụ, hoặc đi đây đó, nhưng với nhiệm vụ công việc của mình mà giáo viên TPTĐ luôn phải túc trực…
Trước nhiều áp lực công việc, áp lực về thời gian, giáo viên TPTĐ phải “làm dâu trăm họ” trong một tập thể nhà trường. Những gì làm được rất ít được ghi nhận nhưng nếu sơ suất không hoàn thành một nhiệm vụ thì lại bị nhắc nhở, quở trách. Với thực trạng công việc và phân công như hiện nay, rõ ràng nhiều đơn vị rất khó phát huy các hoạt động phong trào của nhà trường, bởi bản thân TPTĐ không được đào tạo cơ bản về công tác Đội. Nếu ban giám hiệu lại không gần gũi động viên, hướng dẫn mà chỉ gây áp lực thì giáo viên TPTĐ càng khó làm tốt vai trò của mình.
Nguyễn Cao
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!