Giáo viên phải đi thu tiền: Mất uy với học trò, rủi ro khi trường lạm thu

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Thu các khoản tiền từ học sinh là công việc của bộ phận tài vụ nhà trường nhưng lâu nay giáo viên chủ nhiệm phải đảm trách, dẫn tới nhiều hệ lụy.

Phụ huynh không nộp học phí, giáo viên chủ nhiệm bị trừ lương

Cô N.T.H., giáo viên đã về hưu, chia sẻ với phóng viên Dân trí về những năm công tác được phân công chủ nhiệm lớp: "Không có năm học nào tôi không bị trừ lương vì không thu đủ các khoản phí của học sinh".

Theo lời cô H., giáo viên chủ nhiệm ở trường cô có trách nhiệm phải thu tất cả các khoản phí từ cha mẹ học sinh. Hơn 10 năm trước, khi nhà trường chưa tổ chức bán trú, việc thu phí nhẹ nhàng do thu theo kỳ. Nhưng từ khi có bán trú, giáo viên chủ nhiệm phải thu tiền hàng tháng.

Điều này khiến cô H. cảm thấy căng thẳng vì thường xuyên phải thúc giục phụ huynh nộp tiền.

Cô H. cho hay, không nhiều phụ huynh chủ động đóng phí khi cô gửi giấy báo lần đầu. Một số phụ huynh thường xuyên đóng muộn cả tháng. Cá biệt có những phụ huynh đến cuối năm mới đóng.

Để có đủ tiền nộp về cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm như cô H. bị đẩy vào tình cảnh như đi "đòi nợ" phụ huynh.

Giáo viên phải đi thu tiền: Mất uy với học trò, rủi ro khi trường lạm thu - 1

Khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội (Ảnh: HH).

"Đồng nghiệp của tôi còn thông báo trước lớp danh sách học sinh chưa nộp học phí để các con về nói với bố mẹ. Nhưng tôi không làm vậy vì sợ các con xấu hổ với bạn bè. Nhiều khi phụ huynh quá bận rộn nên quên, hoặc chưa có tiền để đóng ngay lúc đó, chứ không hẳn họ cố tình trì hoãn.

Tuy vậy, cũng có phụ huynh không hiểu vì lý do gì luôn trì hoãn dù bên ngoài gia cảnh tương đối khá giả. 

Trước đây khi phương tiện liên lạc chưa phát triển như bây giờ, tôi còn phải đến tận nhà phụ huynh xin nói chuyện để nhắc việc đóng tiền học cho con. 

Tôi cũng gặp những phụ huynh thực sự khó khăn. Trường hợp đó mình không thúc giục được. Tôi thường bù tiền của mình vào trước. Tuy vậy, những phụ huynh này rất tự trọng. Đến cuối năm học họ mang tiền đến gửi cô, xin lỗi vì đóng muộn", cô H. tâm sự.

Cô H. cho biết, không phải lúc nào ban giám hiệu cũng thông cảm với khó khăn trong việc thu tiền của giáo viên chủ nhiệm. Có trường hợp nhà trường chấp nhận thất thu. Song có trường hợp giáo viên bị trừ lương hoặc phải chủ động bù tiền khi không thu đủ. 

"Đó là một trong những lý do mà không giáo viên nào muốn bị phân công chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh cá biệt.

Học sinh cá biệt thường không nhận được sự quan tâm của gia đình. Giáo viên vừa khó khăn trong việc dạy dỗ, uốn nắn, động viên các em, vừa khó khăn trong việc thu các khoản phí từ cha mẹ các em. Đôi khi phải chấp nhận không thu được", cô H. bày tỏ.

Đồng cảm với những chia sẻ của cô H., cô N.M.T., giáo viên ngữ văn đang làm công tác chủ nhiệm lớp, cho biết thêm: "Nỗi lo bị trừ lương chỉ là một phần, buồn nhất là bị phụ huynh trách cứ, quy kết khi có những khoản thu mà họ không đồng tình.

Dù giáo viên chỉ làm nhiệm vụ nhà trường giao, không có quyền tự ý đưa ra những khoản thu đó".

Giáo viên phải đi thu tiền: Mất uy với học trò, rủi ro khi trường lạm thu - 2

Danh sách các khoản phí đầu năm học do cô giáo chủ nhiệm lớp 10D Trường THPT Thanh Miện 3 Hải Dương lập ra bị phản ánh lên mạng xã hội (Nguồn ảnh: FB Phạm Văn Tuyên).

Tại trường cô T., hàng tháng bộ phận tài vụ của nhà trường in phiếu thu của từng học sinh và phát cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm gửi phiếu đó cho phụ huynh thông qua học sinh. Phụ huynh nhận được phiếu thu đến phòng tài vụ của trường nộp.

Tuy nhiên, nhiều khoản thu nhỏ lẻ và không định kỳ được giao cho giáo viên chủ nhiệm phụ trách như bảo hiểm thân thể tự nguyện, tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền photo tài liệu, quỹ khuyến học… Đây là những khoản thu dễ vướng phải "lạm thu" và khiến phụ huynh bức xúc. 

"Những khoản thu này không có phiếu thu từ nhà trường. Phụ huynh kiến nghị tới giáo viên, bức xúc với giáo viên. Họ mặc định rằng giáo viên tiếp tay, đồng lõa cho "lạm thu"", cô T. chia sẻ.

Cần "giải thoát" giáo viên khỏi nhiệm vụ thu tiền

Cô N.T.H. khẳng định, thu tiền không phải trách nhiệm chuyên môn của giáo viên.

Trong quá khứ, do những hạn chế của bối cảnh xã hội, tính chuyên môn hóa trong giáo dục chưa cao, việc này được giao cho giáo viên chủ nhiệm. Còn hiện tại, có rất nhiều phương thức tiện lợi hơn, văn minh hơn giúp nhà trường trực tiếp thu phí từ cha mẹ học sinh mà không cần qua giáo viên.

"Nên để giáo viên được tập trung cho công việc dạy học của họ. Động đến tiền khiến giáo viên dễ đánh mất hình ảnh tôn nghiêm trong mắt học sinh, phụ huynh, thậm chí dễ gặp phải rắc rối liên quan tới pháp luật như vụ việc xảy ra ở Trường THPT Thanh Miện III, Hải Dương", cô H. nêu quan điểm.

Giáo viên phải đi thu tiền: Mất uy với học trò, rủi ro khi trường lạm thu - 3

Giáo viên chủ nhiệm khối 1 dắt học sinh vào lễ đài ngày khai giảng năm học mới tại Trường Xanh Tuệ Đức (Ảnh: HH).

Thầy N.M.M. đang làm công tác quản lý tại trường tiểu học đồng tình với quan điểm của cô H.: "Việc để giáo viên chủ nhiệm phải thu tiền ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục và thời gian dạy học của họ, ảnh hưởng đến cái uy của người thầy".

Theo thầy M., nhiều trường học công lập hiện nay ứng dụng rất tốt công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Chuyển đổi số trong hoạt động thu phí của nhà trường không có gì khó khăn nếu triển khai.

Phụ huynh ngày nay có thể nộp phí online mà không cần đến trường. Phương thức thông tin liên lạc với phụ huynh dễ dàng thực hiện qua tin nhắn điện tử. Do vậy, bộ phận tài vụ của nhà trường có thể đảm trách được mà không cần đến giáo viên.

Thầy M. khẳng định rất cần đưa giáo viên ra khỏi trách nhiệm thu tiền từ cha mẹ học sinh. Đây vừa là lợi ích chính đáng của giáo viên, vừa giúp cho việc thu chi của nhà trường được thống nhất, minh bạch, công khai.

Giáo viên sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới liên quan tới các khoản thu của nhà trường mà vốn dĩ họ không có quyền quyết định.

Tuy nhiên, thầy M. cho rằng hiện các trường còn làm theo thói quen cũ, không phải do không có điều kiện chuyển đổi số. Thói quen rất khó thay đổi nếu như không có các quy định bắt buộc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm