Giáo viên nói SGK định nghĩa không đầy đủ về âm lịch, chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - Giáo viên cho rằng việc giải thích khái niệm "âm lịch" trong SGK Lịch sử và Địa lý 6 không đầy đủ và dễ gây ra cách hiểu chưa chính xác.
Sách giáo khoa (SGK) môn Lịch sử và Địa lý 6 ở cả ba bộ sách hiện hành là Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống) có chung một cách định nghĩa khái niệm "dương lịch" và "âm lịch".
Theo đó, dương lịch được định nghĩa là "hệ lịch được tính theo chu kì chuyển động của trái đất quanh mặt trời". Còn âm lịch được định nghĩa là "hệ lịch được tính theo chu kì chuyển động của Mặt trăng quanh Trái đất".
Theo cô N.T.T.B, giáo viên dạy địa lý tại Hà Nội, định nghĩa về âm lịch như trên chưa đầy đủ và có thể gây hiểu sai về lịch âm đang được sử dụng tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác.
"Rất nhiều người Việt Nam nghĩ rằng lịch âm mà người Việt hay người Trung Quốc sử dụng là lịch tính theo chu kỳ chuyển động của mặt trăng thuần túy. Trong khi đó, lịch âm ở nước ta thực chất là lịch âm dương.
Mùa màng, tiết khí ở nước ta được tính toán trên cơ sở kết hợp âm - dương đó. Điều này nhiều chuyên gia đã phân tích", cô B. nêu quan điểm.
Cấu trúc của bài học "Thời gian trong lịch sử" trong SGK Lịch sử và Địa lý 6 gồm phần đầu giải thích khái niệm âm lịch, dương lịch, phần sau yêu cầu học sinh vận dụng để vào thực tế.
Theo cô B., ở khâu vận dụng này, nếu giáo viên không mở rộng ra ngoài SGK, giải thích cho học sinh rõ về âm lịch tại Việt Nam, học sinh sẽ vận dụng sai.
"Ví dụ, trong sách Cánh diều, phần vận dụng có câu hỏi "Tết Nguyên đán của Việt Nam tính theo lịch gì?". Nếu học sinh chỉ học đúng theo định nghĩa chung ở trên về âm lịch, dương lịch, các em sẽ trả lời là "lịch âm". Tất nhiên, đây là một câu trả lời sai.", cô B. nhận định.
Từ đó, cô B cho rằng, muốn học sinh ngày nay hiểu đúng thì SGK phải giải thích đầy đủ hơn. Ngoài định nghĩa âm lịch nói chung, phải giải thích về lịch âm tại Việt Nam nói riêng", cô B. nêu quan điểm.
Trả lời phóng viên Dân trí, đại diện Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng vì sách chỉ định nghĩa dương lịch, âm lịch nói chung nên khái niệm được nêu trong sách là chính xác và đầy đủ.
"Khái niệm về "âm lịch" và "dương lịch" trong sách giáo khoa đã đảm bảo tính chính xác khoa học và dễ hiểu với độ tuổi học sinh", văn bản trả lời của Trung tâm Thông tin - Tư liệu nêu.
Còn ThS Trần Tiến Bình, nhà nghiên cứu lịch, tác giả cuốn "Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI", nhận định: "Viết như sách giáo khoa trên rõ ràng chưa đầy đủ vì làm cho học sinh hiểu nhầm là âm lịch dùng ở ta là âm lịch thuần túy, chỉ tuân theo tuần trăng".
Theo ông Bình, lịch âm ở Việt Nam phải gọi chính xác là lịch âm dương vì vừa tuân theo tuần trăng lại vừa gắn với chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời.
"Âm lịch gọi tắt theo thói quen tại Việt Nam có ngày mùng 1 đầu tháng gọi là ngày Không Trăng hay ngày Sóc. Ngày Sóc chính là lúc trái đất - mặt trăng - mặt trời theo thứ tự như trên nằm thẳng hàng. Mặt trăng quay nửa tối về phía trái đất, nên ta thường nói "Tối như đêm 30".
Tính các điểm Sóc liên tiếp sẽ được các tháng âm lịch, đấy là lịch theo tuần trăng.
Nhưng để phù hợp với thời tiết khí hậu, lịch ta còn gắn các tháng âm này với 24 tiết khí như Lập xuân, Xuân phân, Cốc vũ, Hạ chí, Tiểu mãn, Đại hàn…
Mỗi Tiết khí trên ứng với một vị trí nhất định của trái đất quanh mặt trời, chẳng hạn Xuân phân ứng với góc 0⁰, Thanh minh ứng với góc 15⁰, Cốc vũ ứng với góc 30⁰, Kinh trập ứng với góc 345⁰.
Khi so sánh các tháng âm với các điểm tiết khí trên, cụ thể là Trung khí, giúp ta chèn thêm tháng nhuận vào. Bình thường năm âm lịch chỉ có 12 tháng âm, năm nhuận có 13 tháng âm. Điều này giúp khắc phục sự chênh lệch độ dài giữa 12 tháng âm lịch - vốn chỉ có hơn 354 ngày - với năm dương lịch dài hơn 365 ngày.
Do chênh lệch khoảng 11 ngày giữa năm âm lịch và dương lịch nên cứ khoảng vài ba năm ta lại thấy xuất hiện tháng nhuận trong âm lịch.
Ví dụ, năm Ất Tỵ này có tháng 6 nhuận", ông Bình phân tích.
Tác giả cuốn "Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI" cho biết thêm, ngoài lịch âm dương Á Đông đang sử dụng ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc…, còn có cả lịch âm dương ở nơi khác như lịch Do Thái, lịch Hindu.
Âm lịch thuần túy chỉ tuân theo tuần trăng là lịch Hồi giáo. Theo đó, ngày đầu năm 2025 theo lịch Hồi giáo rơi vào quãng ngày 8 hoặc 9/7 dương lịch.
"Ở nước ta, theo thói quen vẫn gọi là âm lịch, Tết Âm lịch. Nhưng khi dạy học sinh thì cần nêu đầy đủ và chính xác", ông Bình nêu quan điểm.