Giáo viên muốn “bung” khỏi… cái hộp
(Dân trí) - Nhiều giáo viên muốn “bung” khỏi cái hộp chương trình dạy học của sách giáo khoa, của Bộ GD – ĐT để thỏa sức vùng vẫy, sáng tạo trên lớp học nhưng… lại sợ đủ thứ.
Rất nhiều tâm tư, trăn trở của giáo viên về đổi mới trong dạy học được chia sẻ tại Hội thảo Phát triển chuyên môn tháng 7 do Sở GD – ĐT TPHCM tổ chức.
Đưa ra một số bài tập cho khoảng 200 giáo viên tham dự hội thảo,ThS Trần Bùi Hiếu (ĐH Hoa Sen) ghi nhận kết quả… phần lớn thầy cô xử lý vấn đề theo lối mòn, tư duy có sẵn, rất ít có những tư duy sáng tạo, táo bạo. Ví dụ như khi nghĩ đến các vật dụng hình tròn thì thầy cô nghĩ đến ngay những vật dụng có sẵn hình tròn như quả bóng, hòn bi, chữ o, mắt kính… Chỉ trong vòng 1 phút, có giáo viên liệt kê được trên 25 đồ vật hình tròn. Trong khi chỉ là nghĩ thôi, nhưng không ai tưởng tượng hay hình dung đến những khác biệt như một ngôi nhà, một máy tính, điện thoại, chiếc tivi… hình tròn.
Thầy Hiếu chia sẻ, kinh nghiệm của một người thầy là điều cần thiết trong dạy học nhưng đồng thời cũng có thể ngăn cản thầy cô bước ra khỏi tư duy… chiếc hộp. Giáo viên chúng ta lâu nay xem mình là đại diện tri thức, ở trên nói xuống để truyền kiến thức cho học sinh. Mục tiêu, xu hướng giáo dục đã thay đổi, đến lúc giáo viên phải bước ra ngoài để thực hiện vai trò người hỗ trợ học sinh tiếp cận tri thức. Người thầy thay vì đứng trên nói xuống chuyển dần sang cùng hòa hợp, phối hợp với học sinh.
Bà Tô Thị Diễm Quyên, chuyên viên Sở GD – ĐT TPHCM đưa ra mô hình lớp học đảo ngược có nhiều khác biệt so với lớp học truyền thống. Ví dụ như với lớp học truyền thống thì học sinh nghe bài giảng trên lớp, làm bài tập về nhà. Ở phòng học đảo ngược thì học trò nghe bài giảng ở nhà và lên lớp là để cùng thầy cô, bạn bè thảo luận và thực hành.
Hiện nay, thông qua nhiều kênh thông tin, đội ngũ nhà giáo đang có cơ hội để tiếp cận với các phương pháp, các cách thức dạy học nhằm đạt được mục đích quan trọng nhất là của giáo dục là phát triển phẩm chất, năng lực của học trò. Việc học để nhồi nhét kiến thức, để lấy điểm số đã là một xu hướng lạc hậu và không phù hợp…
Hơn ai hết, nhà giáo nắm rõ nhất xu hướng này. Họ cũng muốn “bung” ra khỏi chiếc hộp để thăng hoa trong dạy học nhưng lại gặp nhiều rào cản, nhiều chiếc ổ khóa đang “trói” họ. Một giáo viên THPT bày tỏ, bản thân thấy chương trình học có những bài không hay, muốn đưa vào dạy học những bài, nội dung phù hợp hơn với bộ môn và chuyên môn của mình. Nhưng việc dạy vẫn bắt buộc phải theo chương trình của Bộ. Vậy có nên và làm sao thoát khỏi… chiếc hộp?
Một số giáo viên khác cho biết, họ muốn “mạnh tay” thay đổi, muốn trao quyền chủ động cho học sinh nhưng lại rất lăn tăn việc thử nghiệm có đúng có sai. Nếu không đúng có phải người thầy đã vô tình để họ sinh phải gánh lấy hậu quả không?
Bà Tô Thị Diễm Quyên cho hay, đã đến lúc thầy cô phải mạnh dạn, dũng cảm… vượt rào cản, chứng minh những gì mình làm là vì học trò, tạo hứng thú với môn học cho học sinh và kết quả lớn nhất là học sinh mình như thế nào .
“Thầy cô có toàn quyền để làm cho chương trình học gọn và hiệu quả hơn và Bộ GD - ĐT cho phép chúng ta làm điều đó như dạy học theo chuyên đề, theo dự án… Miễn sao học sinh của thầy cô giỏi, đáp ứng được chương trình, đảm bảo được kết quả học tập… thì mình cứ làm. Thầy cô đừng ngại Bộ, không có Bộ nào đi theo chúng ta từng tiết học cả”, bà Quyên nói.
Bà Quyên cũng đặt câu hỏi đội ngũ giáo viên nếu ai cũng mang tâm lý chờ người nào đó làm trước rồi mình làm theo thì ai sẽ là người đi trước? Ai sẽ là người thay đổi? Giáo viên không sáng tạo làm sao học sinh sáng tạo? Để hạn chế cái sai, không biến học trò thành “chuột bạch” thì giáo viên cần tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu về các phương pháp trên thế giới người ta đã thành công. Thầy cô cần phải học hỏi không ngừng, đối với những sáng tạo thầy cô cần tự phản biện với chính mình và lắng nghe người khác phản biện. Và phải chấp nhận, không ai đúng hoàn toàn trong cuộc sống, trong công việc… thì mới có thể thay đổi.
Có nhiều “dây trói” đối với nhà giáo nên họ loay hoay, có phần lúng túng trước việc đổi mới dạy học, trước việc thay đổi vai trò của mình trong lớp học. Nhưng nói như ThS Bùi Hiếu, vai trò của người thầy không bao giờ mất đi mà chỉ thay đổi để phù hợp để phát huy được vai trò giáo dục hiệu quả hơn . Còn rất nhiều khó khăn nhưng cái hộp lớn nhất và chặt nhất “khóa” giáo viên chính là bản thân mỗi người thầy.
Hội thảo Phát triển chuyên môn do Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục, Sở GD – ĐT TPHCM tổ chức định kỳ hàng tháng theo từng chủ đề gắn liền với việc đổi mới dạy học của giáo viên. Đặc biệt là hoạt động chuyên môn nhằm định hướng việc dạy học một cách hiệu quả trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Mỗi chương trình sẽ có nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục chia sẻ về từng chủ đề. |
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)