Giáo viên mầm non phải làm 12 loại sổ sách, sao không căng thẳng?

(Dân trí) - Chỉ tiêu bao nhiêu học sinh giỏi, tỉ lệ học sinh lên lớp, phong trào thi đua, hồ sơ sổ sách... tất cả đều tạo nên áp lực cho nhà giáo dẫn đến hành vi ứng xử tiêu cực.

Đạo đức nhà giáo lung lay trước áp lực công việc, cuộc sống là vấn đề được đề cập tại hội thảo "Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay" vừa diễn ra tại TPHCM. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân đề cập chỉ tiêu thành tích, hồ sơ sổ sách đang gây áp lực lớn cho giáo viên

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân, ĐH Đồng Tháp cho rằng, áp lực càng nhiều sẽ kéo theo những biểu hiện không tích cực. Và nghề giáo đang phải đối diện với rất nhiều công việc không thể thư giãn như chuẩn bị giáo án, sổ sách, trường lớp, kiểm tra, các cuộc thi, phong trào, xử lý các vấn đề liên quan đến học sinh (HS), phụ huynh, bồi dưỡng, phụ đạo... 

Giáo viên (GV) phổ thông thì gánh áp lực về thành tích GV giỏi, GV chủ nhiệm giỏi, bao nhiêu HS giỏi, HS lên lớp, tỷ lệ yếu kém, phong trào thi đua...

Hay như cô giáo ở bậc Mầm non, cô Vân biết có lớp học 30 em mà cô phải làm đến 12 loại sổ sách. Công việc kéo dài từ sáng đến chiều, trưa cho trẻ ăn uống là đã vào thời điểm cô giáo đói bụng, mệt mỏi... thế là xảy ra những tình huống đáng tiếc. 

Theo cô Vân cần phải gỉảm áp lực cho GV để hạn chế những tiêu cực từ người thầy. Và đi cùng đó là những chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm làm việc. 

TS Ngô Phan Anh Tuấn, Trường Quản lý Giáo dục TPHCM đề cập các chuẩn mực về người thầy khác nhau cũng là thách thức với vấn đề đạo đức người thầy hiện nay.

TS Ngô Phan Anh Tuấn chia sẻ tại hội thảo

Như quan niệm "yêu thương", trước đây người thầy lên lớp la, mắng, đòn roi... được hiểu là có người thầy có đạo đức. Bây giờ lại khác, đánh HS là vi phạm pháp luật đã. Trong mỗi gia đình, quan niệm về lòng yêu thương của người thầy cũng khác. Có bố mẹ gửi gắm, con hư thầy cô cứ đánh nhưng có bố mẹ, họ không chấp nhận, phản ứng ngay... tất cả đều là vấn đề thầy cô hiện nay phải đối diện. 

Học trò thương hoài bão của người thầy đang héo mòn
 

Điều đặc biệt của hội thảo là nhiều HS được mời đến để chia sẻ suy nghĩ, lên tiếng về hình ảnh người thầy qua mong muốn của các em.

Em Lương Hoàng Gia Phương, HS Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TPHCM chia sẻ em cảm nhận dường như GV chọn nghề vì miếng cơm manh áo nhiều hơn số GV chọn nghề vì yêu nghề. 

Và ngay cả nhóm GV yêu nghề họ cũng có ít đất để theo đuổi hoài bão của mình. Lòng yêu nghề phai dần trong quá trình giảng dạy, mất niềm tin vào ước mơ mình theo đuổi là giáo dục và yêu thương HS theo cách của con tim. 

Em Lương Hoàng Gia Phương nói về mong muốn của học trò về người thầy ngày nay

Sở dĩ, theo em Gia Phương, nhiều GV đã không thể làm được việc này vì đang tồn tại quá nhiều áp lực đè nặng lên vai người thầy như chương trình giảng dạy, từ phụ huynh, từ HS, áp lực của xã hội đánh giá kết quả giáo dục chủ tập trung qua điểm số. Và cạnh đó là áp lực của chính người GV đặt lên vai mình như chạy đua để giảng bài, để hoàn thành, thành tích, cơm áo gạo tiền... 

"Em cảm thấy nhiều người không sống được với nghề mà đơn thuần sống đúng từ "sống". Có những nhiệt huyết, hoài bão của người thầy héo mòn dần, học trò không thấy được lý tưởng về lòng yêu nghề ở thầy cô nữa", em Gia Phương bày tỏ. 

Giáo viên mầm non phải làm 12 loại sổ sách, sao không căng thẳng? - 1

Các em học sinh được mời đến dự hội thảo về đạo đức nhà giáo.

Nữ sinh Phương chia sẻ, HS sẽ mong đợi ở người thầy rất nhiều thứ. Nhưng thời đại hiện nay các em cần một người thầy là người biết sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy học, quản lý, tương tác. Người thầy cần bảo công khai minh bạch quá trình học tập của mỗi HS nhưng không phải là sự so sánh điểm số HS với nhau vốn rất phản giáo dục. 

Theo em, thông qua người thầy, giáo dục là để con người ta khám phá ra phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình và tự hào về phiên bản đó chứ không phải để cho người học mặc cảm tự tin. 

Bây giờ, một màn hình phẳng là các em có thể thu thập được mọi kiến thức. Thứ học trò cần người thầy trang bị cho mình tư duy độc lập, sự yêu quý công lý, biết đấu tranh vì lẽ phải, biết cảm thụ cái đẹp... bằng khả năng của bản thân. 

Không thể dùng chung "một giáo án" cho mọi học trò 

Chia sẻ bên lề hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM bày tỏ, ý kiến của em học sinh nói trên chỉ ra thực trạng giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của người học dẫn đến những mâu thuẫn và áp lực trong nhà trường. Các em mong muốn được phát triển bản thân theo năng lực, thế mạnh của mình chứ không phải tất cả thể hiện qua các con điểm, cách đánh giá chung.

Trong khi, thực tế phổ biến trong trường phổ thông hiện nay là GV dùng "một giáo án" áp chung cho mọi đối tượng HS. GV hình dung sẵn trong đầu một "hình mẫu" HS và mình hướng đến rồi "rèn" HS theo "mô hình" đó. Thầy cô muốn nhanh chóng đưa vào đầu HS những kiến thức, kỹ năng, thái độ sống theo "giáo án" định trước, dùng hình phạt... dần biến việc học của trẻ thành nỗi ám ảnh.

Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm hơn đến sự khác biệt, cá biệt, dị biệt của học trò. Không thể lấy một thước đo chung về học lực, hạnh kiểm để bắt buộc HS thực hiện theo quy chuẩn một cách cứng nhắc. 

Hoài Nam