Giáo viên lên tiếng: Đáng sợ cho “mùa than nghèo kể khổ”!

(Dân trí) - Đọc hai bài viết “Phía sau cảnh nhà trường, giáo viên tích cực than nghèo với phụ huynh” và “Khi thầy giáo xin phụ huynh mực in, dây cắm máy tính”, tôi và những đồng nghiệp của mình ngỡ ngàng đến sững sờ. Chúng tôi xôn xao bàn tán về chủ trương đúng đắn một thời nay đã biến tướng ít nhiều: xã hội hóa giáo dục.

Phụ huynh của một lớp tiểu học ở trung tâm TPHCM ngay từ đầu năm học đã nhận được tin nhắn gợi ý của giáo viên: “Thầy cần micro, mực in, một cái quạt đứng và thay dây cắm computer nhé! Em trao đổi với các anh chị trong ban đại diện giúp thầy. Nếu có sớm thì càng tốt. Thanks e nhiều!”.

Giáo viên lên tiếng: Đáng sợ cho “mùa than nghèo kể khổ”! - 1

Theo tính toán của phụ huynh lớp thì mực in gần 1 triệu, micro khoảng 1,6 triệu, dây cắm máy tính khoảng trên dưới 700.000 đồng, quạt đứng khoảng 2 triệu. Đúng là kinh khủng! Sau nhiều lý giải, biện hộ, tác giả Hoài Nam đã chốt về hình ảnh trần trụi đó: Giáo viên “ngửa tay” xin phụ huynh phục vụ cho công việc giảng dạy của mình!

Thật chua chát! Chúng tôi đọc mà thấm và đau cho sự thật trần trụi đến mức báo động về những đòi hỏi, xin xỏ vô lý và quá trớn của giáo viên mang danh là phục vụ công tác giảng dạy, phục vụ việc học tập của học sinh. Khi giáo viên “đi cửa sau” xin xỏ phụ huynh trang bị thêm về các tiện nghi mang tính cá nhân như thế, vô hình trung hình ảnh người thầy bị méo mó đến thảm thương.

Rồi cảnh nhà trường công phu chuẩn bị video, hình ảnh chiếu lên cho phụ huynh thấy rõ sự thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp để kêu gọi đóng góp là hiện tượng không hiếm hiện nay ư? Nó đang dần lật mở những góc khuất đầy trăn trở về sự biến tướng của các khoản thu luôn mang danh đóng góp “tự nguyện”.

Các khoản vận động làm mái che, rèm cửa lên đến hàng trăm triệu là con số không nhỏ sẽ làm nặng thêm chi phí mà mỗi gia đình phải gánh khi đưa con đến trường. Bức tranh lạm thu cứ mãi kéo dài từ năm này sang năm khác, chỉ có điều ngày càng tinh vi hơn mà thôi.

Mà đâu chỉ chuyện nhà trường huy động sửa và xây mái che, rèm cửa, sân chơi, cổng trường…, báo chí năm nào cũng phản ánh chuyện nhà trường xin tiền phụ huynh thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Giáo viên thì lại xin phụ huynh thay mới thảm lót sàn, thay mới màn hình máy chiếu, thay mới laptop…

Việc công khai ngân sách, minh bạch các khoản thu chi trong trường học hiếm khi được thực hiện một cách rốt ráo. Chính vì vậy, “phụ huynh cứ rơi vào vòng xoáy đóng góp vì tâm lý lo cho con em làm biến tướng, nhếch nhác môi trường giáo dục”. Đó là lời khẳng định đầy sâu cay của tác giả Hoài Nam khi kết thúc bài viết của mình.  

Nó cũng phản ánh một thực trạng đầy tréo ngoe trong quản lý giáo dục. Ngành Giáo dục luôn hô hào chống lạm thu học đường, các văn bản chỉ đạo luôn nghiêm cấm các khoản thu không nằm trong danh mục được vận động nhưng các trường học vẫn có cơ hội “lách luật” để vận động thu chi, giáo viên vẫn mở miệng xin xỏ thứ này thứ kia như những phản ánh của báo chí, lẽ nào cơ quan chủ quản không biết, không quản?

Bất kỳ một dấu hiệu lạm thu nào không được xử lý rốt ráo, không được chấn chỉnh kịp thời và nghiêm khắc đều có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn. Điều lo ngại hơn nữa nữa tiếng xấu sẽ đổ dồn vào đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục sẽ gánh tai tiếng chung do một số “con sâu” xấu xí gây ra.

“Tất cả vì học sinh thân yêu”, chúng tôi ngày ngày vẫn lên lớp mà không hề biết đến khái niệm xin xỏ, gợi ý mua sắm gì cả. Xin đừng để cụm từ “mùa than nghèo kể khổ” lại vang lên mỗi dịp đầu năm…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!