Giáo viên “đói” tài liệu trắc nghiệm

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cận kề nhưng hiện những câu hỏi trắc nghiệm chính thống phục vụ giảng dạy tại các trường THPT vẫn chưa có nên buộc lòng giáo viên các bộ môn phải “tự bơi” trong “biển” các loại sách trắc nghiệm đang bày bán khắp nơi hoặc tải trên mạng về.

Năm học 2007 - 2008 là năm thứ hai bộ GD-ĐT triển khai đại trà thi trắc nghiệm ở các môn lý, hoá, sinh, ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều giáo viên thừa nhận, việc biên soạn các câu hỏi trắc nghiệm mang tính tự phát và nghiệp dư.

Mạnh ai nấy dò dẫm soạn đề

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi mà anh Trần Trung Trực (trường Nguyễn Chí Thanh, Tân Bình, TP. HCM) liên tục “bị” đồng nghiệp gọi xin file dữ liệu các câu hỏi trắc nghiệm vì ngày mai cho học trò kiểm tra 15 phút trên lớp. “Do thiếu các câu hỏi trắc nghiệm nên các giáo viên thường tự soạn rồi chuyền tay nhau” - anh Trực giải thích. Tuy nhiên, chỉ những lúc quá gấp rút, các giáo viên mới sử dụng chung tư liệu với đồng nghiệp. Bởi cách hành văn, trình bày, phần mềm trắc nghiệm, font chữ của mỗi người đều khác nhau, phải chỉnh sửa lại khá mệt, nên chia sẻ cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề khá tế nhị của những người trong nghề vì để biên soạn, tập hợp các câu hỏi trắc nghiệm, công sức bỏ ra không ít. Vì vậy, hầu hết các giáo viên đều tự xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho riêng mình. Tư liệu thì sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau: từ mạng, từ các loại sách trắc nghiệm bán trên thị trường hoặc tự biên soạn, sau đó, biên tập lại cho đúng với đối tượng mình đang dạy.

Các câu hỏi trắc nghiệm quá thiếu nên ngoài giờ dạy trên lớp, phần lớn thời gian các giáo viên đều dành ra soạn câu trắc nghiệm. Người ít thì cũng được vài trăm câu, người nhiều trên dưới một ngàn câu. Anh Trương Đình Hùng, giáo viên môn Sinh trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết: “Tài liệu trắc nghiệm môn Sinh tuy không thiếu nhưng lại không đồng nhất. Một số tài liệu có lối hành văn dài dòng, nếu chọn phải biên tập lại. Ngoài ra, các câu hỏi biên soạn trong sách trên thị trường hay lẫn lộn giữa chương trình cải cách và phân ban. Độ mở kiến thức trong các tài liệu này rất rộng, không được trọng tâm khiến học sinh lúng túng, chưa kể lượng câu hỏi lại không đủ để sử dụng nên các giáo viên đều phải tự biên soạn thêm”.

Việc biên soạn câu hỏi một cách nghiệp dư không tránh khỏi những buổi kiểm tra trên lớp cho ra kết quả không được như mong muốn. Có khi đề ra dễ quá học sinh điểm cao nhiều, ngược lại có khi quá khó…

Giáo viên đang “gồng mình” ra đề thi

TS Nguyễn An Ninh - cục trưởng cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục bộ GD-ĐT cho biết, cục đang phối hợp với nhà xuất bản Giáo dục biên soạn bộ sách trắc nghiệm dùng cho thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Hiện bốn cuốn trắc nghiệm môn vật lý, hoá học, sinh học, tiếng Anh đã được phát hành cuối tháng 3/2008.

Lý giải điều này, tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên giám đốc trung tâm khảo thí - trưởng ban đào tạo đại học và sau đại học (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết kết quả trắc nghiệm không được khách quan như vậy có thể do: nội dung đề ra quá hẹp và quá quen thuộc (nên học sinh có thể đoán được), đề ra không phù hợp với trình độ học lực của lớp, giáo viên chưa có kinh nghiệm biên soạn câu lựa chọn, sự chênh lệch về độ hấp dẫn khiến học sinh có thể suy luận và loại trừ một cách dễ dàng... Các giáo viên cũng nhìn ra được điểm yếu trong các câu trắc nghiệm mình soạn. Tuy nhiên để đối phó với các kỳ thi trước mắt và tập cho học sinh làm quen với trắc nghiệm trong tình cảnh không có đầu sách nào được bảo chứng về mặt chất lượng, nên đành phải “vừa đá bóng vừa thổi còi”, làm tới đâu chỉnh sửa tới đó.

Năm 2007, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã mở lớp tập huấn giúp giáo viên các bước biên soạn câu hỏi trắc nghiệm (cách lập câu hỏi, độ phân cách, độ đúng sai, độ khó…) nhưng nhiều giáo viên cho hay đến giờ vẫn khó nhận diện được đề thi trắc nghiệm trong chính các câu hỏi mình biên soạn có đạt các điều kiện đặt ra hay không.

Theo TS. Nghĩa: “Một đề thi trắc nghiệm tốt phải trải qua nhiều vòng từ phản biện, rút kinh nghiệm, thực hiện các phép thử, loại trừ… cần nhiều tham số và thời gian thẩm định. Tùy thuộc vào tính chất kỳ thi mà cho những loại đề trắc nghiệm khác nhau”. Trước đây thi theo hình thức tự luận, giáo viên chỉ “mệt” ở công đoạn chấm bài, còn làm đề rất nhẹ nhàng. Bây giờ thì ngược lại. Các giáo viên hiện cũng đang “gồng” mình chạy theo cách thi mới, bỏ nhiều thời gian và công sức để biên soạn các câu trắc nghiệm phục vụ giảng dạy.

Theo Phúc An
Sài Gòn tiếp thị