Giáo viên cũng nên bị tước chứng chỉ hành nghề nếu có vi phạm
(Dân trí) - Ngành giáo và ngành y đều liên quan đến xã hội rất nhiều, trong khi ngành y cấp chứng chỉ hành nghề và bị tước nếu vi phạm thì tại sao không quy định như thế với nhà giáo?
Đó là những ý kiến được nêu tại hội thảo góp ý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 29/3. Hội thảo này đã thu hút gần 50 đại biểu là các chuyên gia giáo dục, luật sư và cán bộ các sở ngành của thành phố.
Nghề giáo cũng nên có chứng chỉ hành nghề?
Phát biểu trong hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Khanh, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế TPHCM đặt vấn đề rằng ngành giáo và ngành y liên quan đến xã hội rất nhiều. Trong khi ngành y cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm việc trong ngành và người vi phạm có thể bị tước thẻ hành nghề. Tại sao không đặt ra quy định này đối với nghề giáo?
Đối với ngành nghề, trong đó có giáo viên dù có vi phạm gì cũng không được thu hồi bằng cấp. Vì vậy, đối với nghề giáo cũng cần cấp chứng chỉ hành nghề để trường hợp giáo viên có vi phạm nghiêm trọng sẽ tước chứng chỉ hành nghề giống như áp dụng đối với ngành y”, bà Khanh kiến nghị.
Còn theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban văn hoá xã hội, HĐND TPHCM thầy cô giáo cũng là con người, khi giảng dạy cũng có những áp lực nhất định nên cần chăm sóc sức khoẻ tâm lý. Trong môi trường hiện nay, người thầy nếu chỉ sơ suất một tí đã có ý kiến phản ánh của học sinh. Theo bà Nhung: “Thực tế vừa qua cho thấy tâm sinh lý của người thầy thay đổi rất nhiều, tác động rất lớn đến học sinh. Ví dụ như giáo viên lên lớp không nói gì, có những hành vi không đúng chuẩn mực của ngành… Đây rất có thể giáo viên do bị tác động vấn đề về tâm lý. Vì vậy, luật cũng có quy định giáo viên cần được chăm sóc sức khoẻ nhất là vấn đề sức khoẻ tâm lý”.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM phát biểu
Tương tự, đại diện Sở Tài chính TPHCM cũng băn khoăn trong dự thảo luật này có nêu nội dung các hành vi nhà giáo không được làm: “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”. Đại biểu này cho rằng hiện nay giáo viên hiện chịu rất nhiều áp lực. “Lớp học hiện nay hơn 50 học sinh. Nếu giáo viên không la mắng, răn đe học học sinh thì học sinh sẽ không chịu học. Vì vậy, cần quy định rõ thế nào là xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể của người học… Có khi giáo viên la mắng, xử phạt học sinh cũng bị xử lý, trong khi thiếu có những quy định cụ thể về việc này sẽ gây ức chế rất lớn với họ”, đại biểu này nói.
Cần thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới
Cũng tại hội thảo này, ông Trịnh Hồng Sơn, Hội Cựu Giáo chức TPHCM nêu những băn khoăn về chương trình phổ thông mới cũng như đi kèm là sách giáo khoa (SGK). Ông Sơn cho rằng chỉ nên có một bộ SGK và do hội đồng biên soạn thẩm định. Nếu TPHCM có SGK riêng được thì các tỉnh thành khác cũng có và càng thêm lãng phí.
Ông Sơn cho rằng, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã thả lỏng việc in ấn và phát hành SGK. Đúng ra, bộ sách này phải được Bộ GD-ĐT quản lý chặt chẽ và chịu trách nhiệm chính, không nên để NXB Giáo dục độc quyền biên soạn, xuất bản SGK. Bộ này có thể quyết định lựa chọn NXB in ấn phát hành SGK nhưng bộ này phải đứng ra quản lý.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đồng tình quan điểm thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước nhưng vẫn lo ngại việc thực nghiệm trước khi ban hành.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cũng chia sẻ: “Năm tới đây chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu áp dụng cho lớp 1. Tuy nhiên theo thông tin tôi biết thì chương trình đó chưa có thử nghiệm gì cả. Theo báo cáo tôi được tiếp cận của Bộ GD-ĐT năm ngoái, chương trình này mới chỉ hoàn chỉnh bộ khung và để xây dựng SGK còn rất khó khăn. Tôi từng có phát biểu rằng cảm thấy không ổn nếu cứ mang các cháu ra thử nghiệm”.
Lê Phương