Thanh Hóa:
Giáo viên có nguy cơ thất nghiệp sau chục năm dạy học
(Dân trí) - Dù đã có hàng chục năm công tác tại trường, khi Trường THPT Tĩnh Gia 5 (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tiến hành tuyển dụng, những trường hợp giáo viên hợp đồng lâu nay không được ưu tiên tuyển dụng và còn có nguy cơ bị thanh lý hợp đồng.
Đến tháng 8/2014, nhiều GV hợp đồng nhận được thông báo ngân sách nhà trường chỉ có thể trả lương với mức 1.150.000đ/tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định. Đến thời điểm này, những GV trong trường hợp nêu trên mới biết mình chỉ là GV hợp đồng của trường.
Trong khi đó, năm 2011, tính theo đầu học sinh, Trường THPT Tĩnh Gia 5 thiếu hơn 20 GV biên chế. Đặc biệt, vào thời điểm trên, nhà trường tuyển dụng 24 GV về trường. Một điều khó hiểu là một số trường hợp trong số GV hợp đồng lâu nay với nhà trường được đặc cách, còn phần lớn GV hợp đồng khác không nằm trong danh sách được tuyển dụng.
Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Thơi, Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 5 thì việc 7 GV của trường sắp bị thanh lý hợp đồng là có vì không nằm trong biên chế của Sở GD-ĐT mà là GV hợp đồng của nhà trường. Không hiểu lý do gì mà các GV này lại không được ông Phạm Văn Ninh (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Bán công số 1 Tĩnh Gia) trình danh sách lên Sở GD-ĐT?
Ông Thơi cho biết lý do có thể những GV này bị thanh lý hợp đồng là số lượng học sinh giảm, GV thừa nhiều, nhà trường không có kinh phí chi trả.
Liên quan tới sự việc trên, ông Phạm Văn Ninh, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tĩnh Gia cho biết, thời điểm trước, theo quy định của tỉnh và Sở GD, ngoài số lượng GV biên chế của Sở thì nhà trường được ký hợp đồng với các GV, tùy vào thực tế của trường.
Đồng thời, ông Ninh lý giải, năm 2011 trường có chỉ tiêu tuyển dụng GV với số lượng hơn 20 người, do thầy Thơi không quan tâm đến số GV trên nên khi tuyển dụng xong thì trường mới làm danh sách xin Sở, vì vậy các GV trên mới không được vào biên chế.
Trong đợt thi tuyển GV phân bổ về trường, hiệu trưởng đã làm tờ trình xin cho các GV đang hợp đồng lâu năm của trường được ký hợp đồng dài hạn, song không được Sở GD-ĐT Thanh Hóa đồng ý.
Trong số những GV có nguy cơ bị thanh lý hợp đồng có những GV đã công tác được 14 năm, còn lại trung bình 8, 9 năm. Và những GV này về trường công tác khi còn là trường Bán công với nhiều khó khăn.
Trong khi đó, trong hướng dẫn ngày 7/6/2010, Sở GD-ĐT Thanh Hóa có đề cập: Giao hiệu trưởng các trường THPT (trường bán công chuyển đổi sang công lập) thực hiện hợp đồng làm việc với cán bộ, GV của trường theo quy định: Những người có thời gian hợp đồng lao động từ 48 tháng trở lên thì thực hiện hợp đồng làm việc (HĐLV) không xác định thời hạn; Những người chưa đủ thời gian hợp đồng lao động 48 tháng, thực hiện HĐLV có thời hạn. Khi đủ 48 tháng thì xem xét nếu đơn vị còn nhu cầu và đảm bảo yêu cầu chất lượng công tác thì tiến hành HĐLV không xác định thời hạn.
Theo ông Thơi, khi trường được tuyển sinh hơn 20 GV thì ông đã làm tờ trình lên Sở GD xin đặc cách các GV này, tuy nhiên Sở không đồng ý.
Vào thời điểm tuyển dụng năm 2011, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đưa ra những tiêu chí khiến những GV này bị loại ra khỏi “cuộc đua” như: Bằng giỏi, ưu tiên Thạc sỹ, Tiến sĩ, con em gia đình chính sách…
Trong khi đó, những GV này đã được khẳng định về phẩm chất, đạo đức và năng lực sư phạm, được Hội đồng Giáo dục nhà trường tín nhiệm và thừa nhận thông qua việc đánh giá GV hàng năm của trường.
Hà Bình - Duy Tuyên