Giáo viên cắm bản: "Có lần học sinh gõ cửa, tặng cô mấy củ sắn"
(Dân trí) - "Không có hoa hồng, các em tặng cô những bó hoa rừng, hoa dại, củ khoai, củ sắn, có em cầm vài cái kẹo đưa đến tặng cô. Những món quà ấy bình dị mà ý nghĩa lắm", cô Thanh bộc bạch.
Kẹp theo con nhỏ lên bản "gieo chữ"
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh (SN 1985) là giáo viên Trường Trung học phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Cô Thanh quê ở huyện Quảng Trạch, cách nơi công tác gần 100km. Cách đây 14 năm, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thanh bắt đầu bước vào hành trình tìm công việc mà mình mơ ước. Và rồi cái duyên đã đưa cô sinh viên vừa tốt nghiệp về với xã miền núi Lâm Thủy trong niềm vui được trở thành một nhà giáo và cả những thử thách, chông gai đón đợi phía trước.
Trong thời gian gắn bó với xã biên giới Lâm Thủy, chưa có điểm trường nào thiếu dấu chân cô Thanh, từ Eo Bù - Chút Mút, Tân Ly, Xà Khía đến bản Bạch Đàn. Cô đã dành cả thanh xuân để "cõng con chữ" đến với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Cô Thanh lập gia đình vào năm 2012, sau đó sinh cô con gái đầu lòng. Vì chồng đi làm ăn xa, khi con gái tròn 1 tuổi, cô Thanh đã phải đưa con theo lên bản để tiện chăm sóc, nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt công việc của mình.
"Chồng đi làm ăn xa, tôi thì dạy cách nhà cả trăm cây số, con nhỏ chẳng ai trông. Mà nếu có người trông cũng không nỡ để con phải xa mẹ. Thời điểm đó ý định xin nghỉ việc, về làm gần nhà, tiện chăm sóc gia đình. Nhưng trót yêu nghề giáo, sâu đậm với học sinh ở đây rồi, bỏ chẳng đành, thế là tôi quyết định mang theo con lên núi", cô Thanh tâm sự.
Đã hơn 10 năm, con gái cùng cô Thanh sống nơi vùng cao Lâm Thủy, lớn lên trong sự yêu thương của các thầy, cô đồng nghiệp của mẹ. Nói về hành trình gieo chữ nơi miền biên giới xã Lâm Thủy, cô Thanh hóm hỉnh nói rằng, giáo viên ở đây khổ riết rồi cũng quen.
Trước đây giáo viên cắm bản như cô Thanh phải sống giữa rừng núi hoang vu, không có điện lưới, sóng điện thoại, thiếu thốn đủ bề, muốn ra ngoài phải đi bộ băng rừng, băng suối nên rất buồn. Những năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên thầy cô cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
Nỗi lo lớn nhất hiện nay của các thầy cô ở xã Lâm Thủy là mùa mưa, các tuyến đường vào bản thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt, hiểm họa luôn rình rập. Có thời điểm sạt lở, giáo viên phải ở lại bản dài ngày.
Những món quà giản dị ngày 20/11
Khó khăn, thiếu thốn chồng chất, thế nhưng cô Thanh và những người đồng nghiệp của mình chưa bao giờ chùn bước. Gần 15 năm qua, tình yêu với nghề đã giúp cô vượt qua gian nan, thử thách, gắn bó với các em học trò nhỏ thân yêu.
Bữa cơm hàng ngày, đôi khi các cô được phụ huynh ở bản giúp cho con cá, nắm rau rừng, tình nghĩa của người Bru-Vân Kiều nơi miền biên viễn, tạo động lực rất lớn với các cô giáo bản.
Vào dịp 20/11, không có điều kiện như nhiều học sinh miền xuôi với các loại hoa màu sắc rực rỡ, hay quà tặng đặc biệt, học sinh miền núi của xã Lâm Thủy thể hiện những tình cảm giản dị, thân thương với thầy, cô của mình bằng những món quà bình dị.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh tâm sự, cứ mỗi dịp 20/11, cô có thêm nhiều kỷ niệm về tình cảm yêu thương của phụ huynh và học trò vùng cao. Có lần học sinh gõ cửa phòng, cô mở cửa ra thì các em đưa cô mấy củ sắn rồi bẽn lẽn nói "em tặng cô".
Nhìn cậu học trò đen nhẻm, quần áo xộc xệch cầm trên tay mấy củ sắn, cô Thanh rưng rưng, xúc động ôm lấy học trò. Với giáo viên cắm bản như cô Thanh, đây là niềm hạnh phúc bình dị và tuyệt vời nhất, để họ tiếp tục nỗ lực, hằng ngày bám bản vì sự nghiệp "trồng người".
"Các em không có hoa hồng như ở đồng bằng nhưng các em tặng cô những bó hoa rừng rất đẹp, rồi củ khoai, củ sắn, có em cầm vài cái kẹo đưa đến tặng cô. Món quà bình dị mà ý nghĩa lắm. Với giáo viên cắm bản, chúng tôi chỉ mong học trò ăn no, mặc ấm, học được nhiều kiến thức để có tương lai tốt đẹp hơn", cô Thanh bộc bạch.
Thầy giáo Trương Như Thuần, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy, cho biết trường có 3 điểm lẻ với 18 lớp, gần 230 học sinh. Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào Bru - Vân Kiều, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Nhờ sự vận động của thầy cô giáo cũng như chính quyền địa phương, tư duy của bà con xã biên giới Lâm Thủy đang dần thay đổi tốt hơn, việc học hành của con em cũng được quan tâm hơn.
Theo thầy Thuần, nghề dạy học ở biên giới mang lại cho thầy, cô những kỷ niệm khó quên và những cảm xúc chân thật mà không nơi nào có được. Đặc biệt là tình cảm mộc mạc, chân thành của học trò người Bru-Vân Kiều.
"Học sinh ở các bản làng của xã Lâm Thủy đều rất khó khăn, thiếu thốn, nhà trường thường xuyên huy động nguồn lực, kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm để chăm lo cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn, được ăn những bữa cơm ngon hơn, khuyến khích các em đến trường đều đặn hơn", thầy Thuần nói.