Giáo viên bỏ trường công sang trường tư vì thu nhập
(Dân trí) - Thời điểm giữa năm học cũ và năm học mới cũng là lúc một số quản lý, giáo viên ở TPHCM rậm rịch chuyển từ trường công lập sang trường quốc tế, tư thục. Việc này đã diễn ra nhiều năm gần đây và cứ như "đến hẹn lại lên"...
Bắt đầu từ đầu tháng 6 vừa rồi, thầy T., một giáo viên dạy Văn giỏi có tiếng tại một Trường THCS ở quận 1, TPHCM chính thức tạm biệt mái trường thầy gắn bó, cống hiến nhiều năm nay để chuyển qua dạy học tại một trường quốc tế.
Thầy T. thuộc thế hệ giáo viên trẻ cá tính và dám đổi mới, dám dấn thân và không ngừng sáng tạo. Thầy là người cùng với học sinh đứng ra thực hiện những dự án học Văn "bung" hẳn ra khỏi sách vở, dạy học bằng những trải nghiệm thực tế. Các dự án thầy thực hiện cũng được rất nhiều giáo viên, nhiều trường không chỉ ở TPHCM mà một số tỉnh thành lân cận đưa vào áp dụng, nhân rộng... Có thể nói, không chỉ dạy học trên lớp, thầy T. còn là người "truyền lửa" cho rất nhiều đồng nghiệp.
Trong quá trình làm việc, lãnh đạo nhà trường đã từng nói về thầy T. là "hạt giống vàng" của trường. Việc thầy chuyển trường không chỉ thiệt thòi cho học sinh tại trường mà còn cho cả đồng nghiệp, học sinh ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, thầy T. đã cân nhắc về việc "đi và ở" hơn cả năm nay và cuối cùng thầy quyết định ra đi dù còn nhiều nuối tiếc.
Năm nay, chưa xảy ra trường hợp cả một dàn quản lý, giáo viên gần chục người cùng rời trường công sang tư như năm trước ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1 nhưng ghi nhận, rải rác ở nhiều trường ở TPHCM đều có giáo viên "rời đi".
Cô Nguyễn Thị Thanh (tên giáo viên đã được thay đổi), giáo viên dạy giỏi bậc THCS tại một trường ở trung tâm thành phố cũng đã quyết định rời trường công, sang trường quốc tế từ năm học này. Thông tin chưa chính thức nhưng cô Thanh cho biết, hai đồng nghiệp cùng trường nhiều khả năng cũng sẽ chuyển nơi công tác.
Không chỉ giáo viên mà cấp quản lý như hiệu phó, hiệu trưởng một số trường cũng đang có xu hướng chuyển sang trường quốc tế, tư thục để công tác. Mới nhất là hiệu trưởng nổi tiếng đang công tác tại một trường ở quận 1 sẽ chính thức chuyển sang làm việc tại một hệ thống quốc tế, tin này gây bất ngờ cho không ít người.
Giáo viên đi... vì tiền
Về việc giáo viên "rời công sang tư" thì có nhiều ý do và có thể không ai giống ai như môi trường, chế độ, cơ hội đào tạo.... Nhưng theo thầy T., đối với cấp quản lý thì thầy không rõ nhưng với bản thân thầy và nhiều giáo viên giỏi khác thì lý do hàng đầu và quan trọng nhất là vì thu nhập.
"Nói đến các nguyên nhân khác thì tôi chưa tin lắm. Thu nhập ở trường công rất thấp, chưa kể lương còn cào bằng, không có sự phân hóa, khích lệ đối với giáo viên giỏi, chịu khó", thầy T. nói.
Như thầy T. mức lương nhiều năm nay là 4 triệu đồng lương chính thức và thêm 2 triệu đồng tiền chéo buổi. Như đồng nghiệp của thầy ở trường C.V.A., không có tiền dạy chéo buổi thì thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng. Với mức thu nhập đó, dù nhu cầu chi tiêu không cao cũng không thể xoay sở được với cuộc sống chứ chưa dám bàn đến việc đầu tư, cống hiến cho nghề nghiệp.
Trường học ở TPHCM rất khó giữ chân giáo viên tiếng Anh. (Ảnh minh họa)
Để trang trải cuộc sống, có những giáo viên phải dạy thêm hoặc gây khó dễ với học sinh để dạy thêm. Tuy nhiên, giáo viên các môn Toán, Văn cũng chỉ dạy thêm lưa thưa, đến bậc cuối thì học sinh mới học thêm, còn giáo viên môn phụ thì không thể có thêm nguồn từ dạy thêm. Như thầy T., vào những lúc dạy thêm cao điểm, tổng thu nhập cũng không quá 15 triệu đồng.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM cho biết, thu nhập cho giáo viên là chuyện buồn lòng nhất. Nhiều giáo viên của trường bà phải bán hàng online, nhận thu xếp bàn ghế, trông học sinh ở giờ bán trú để có thêm thu nhập. Thế nên, nếu giáo viên chuyển từ công sang tư vì thu nhập, bà cũng thấy dễ hiểu. Không chỉ chuyển trường, không ít trường hợp giáo viên bỏ hẳn nghề tìm kiếm công việc khác vì thu nhập.
Ngay từ cuối năm học, cùng với quá trình tuyển sinh, nhiều trường quốc tế cũng liên tục tuyển dụng với rất nhiều chế độ đãi ngộ. Như hệ thống trường V., ngoài mức lương 20 - 40 triệu đồng/tháng đối với giáo viên, trường còn có rất nhiều chế độ như ăn trưa, đưa đón, thưởng, đào tạo, du lịch... Đây cũng chỉ mới là chế độ ở mức tà tà, nhiều trường còn có mức thu nhập, đãi ngộ hấp dẫn hơn nữa. Và đối tượng mà các trường quốc tế nhắm đến trong tuyển dụng chính là những giáo viên có năng lực ở các trường công.
Giáo viên mới ra trường, chưa khẳng định được tên tuổi, kinh nghiệm thì không dễ dàng để xin được vào hệ thống các trường quốc tế. Nhiều giáo viên ở trường công lập, sau khi khẳng định được khả năng, năng lực thì không khó được các trường quốc tế "rải thảm đỏ" hốt về.
Cô Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, cô sinh ra ở vùng quê, tâm lý vẫn thích trường công lập gắn với hai chữ " làm nhà nước" nhưng thu nhập ở trường công không đủ để cô xoay sở cuộc sống ở thành phố nếu không dạy thêm, bươn chải thêm. Cô cũng chuẩn bị tinh thần môi trường tư thục, quốc tế rất nhiều áp lực, nhiều người không trụ lại nổi. Nhưng dù sao, công việc ở đâu cũng áp lực thì giáo viên sẽ cân nhắc yếu tố thu nhập.
Một diễn biến sôi động nhất diễn ra nhiều năm gần đây trước sự bất lực của các nhà quản lý giáo dục là rất nhiều giáo viên tiếng Anh ở trường công lập nghỉ việc chuyển sang trường tư, trường quốc tế, dạy trung tâm hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Nguyên nhân hàng đầu là thu nhập ở trường công quá thấp trong khi năng lực, chuyên ngành của họ có rất nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao. Thế nên, hầu hết các trường ở TPHCM đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh nhưng không tuyển dụng được hoặc tuyển xong lại "rụng".
Hoài Nam