Giao việc xác định điểm sàn về cho các trường

(Dân trí) - Đó là ý kiến của chuyên gia giáo dục về việc xác định điểm sàn sau khi Bộ GD-ĐT tuyên bố tuyển sinh năm 2014 không còn điểm sàn và lập Hội đồng tư vấn nghiên cứu thay thế bằng một tiêu chí khác.

Thí sinh dự thi khối A nhận định, đề Hóa dễ thở hơn hai môn trước. (Ảnh: Doãn Hòa).
Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu thay thế tiêu chí điểm sàn bằng tiêu chí khác.

Trao đổi với PV Dân trí, GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: “Tôi chưa hình dung ra được tiêu chí mà Bộ GD-ĐT dự định đưa ra thay thế điểm sàn là tiêu chí như thế nào. Trước kia có ý kiến “3 chung” không có điểm sàn. Các trường tự xác định điểm chuẩn vào trường theo đúng điều kiện của mình. Việc Bộ khống chế điểm sàn đã dẫn đến các trường không được tự chủ hoàn toàn. Bên cạnh đó, chính vì có điểm sàn chung nhất và tối thiểu nên nhiều trường tốp cao lại rơi xuống tốp dưới, đảo lộn tất cả. Khi không có điểm sàn, những trường tốp đầu, tốp giữa, lấy đầu vào khác nhau như vậy hợp lý. Bộ GD-ĐT chỉ cần xem xét những trường nào không đảm bảo ngưỡng đầu vào”.

GS Nghị kiến nghị: “Bộ nên để cho các trường tự quyết điểm đầu vào của trường mình, nghĩa là để điểm sàn về trường cho các trường tự quyết. Mỗi trường sẽ có mức điểm tuyển khác nhau tùy theo ngôi thứ của mình. Các trường đã tự chủ về mặt tuyển sinh thì các trường phải cam kết với xã hội về cách tuyển của mình để đảm bảo đầu ra có chất lượng”.

Đưa ra cách tuyển của Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, GS Nghị cho hay, trường xây dựng theo hướng lấy điểm thi của Bộ và lấy theo 2 môn có ảnh hưởng nhiều tới ngành em đó học. Cụ thể, tốt nghiệp phổ thông, hạnh kiểm loại khá. Điểm xét tuyển = Điểm trung bình môn + Điểm ưu tiên.

Cùng chung quan điểm, GS Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cũng băn khoăn chưa hình dung ra được tiêu chí nào để thay thế tiêu chí điểm sàn như bộ đưa ra bởi thay điểm sàn bằng chuẩn khác cũng rất khó. Do vậy, GS Vận đề nghị: “Điểm sàn nên để cho các trường quyết định”.

GS Vận cho rằng, điểm sàn để cho các trường quyết định, các trường cũng không dám lấy thấp quá vì lấy điểm thấp thì mọi người nghĩ trường anh kém chất lượng. Nhà nước cứ tổ chức kỳ thi chung để lấy kết quả giữa các trường.

Về phía trường ĐH Hòa Bình, GS Vận cho hay, trong đề án tuyển sinh riêng, chúng tôi cũng sẽ không lấy điểm sàn quá thấp mà lấy kết quả học tập phổ thông vì kết quả đó cũng đảm bảo độ chính xác để các cháu có học được đại học. Cụ thể, trường xét tốt nghiệp THPT; Hạnh kiểm xếp loại Khá trở lên; Tổng điểm trung bình các môn học theo khối thi của 5 học kỳ THPT gồm: học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 10; học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11; học kỳ 1 lớp 12 phải đạt 18 điểm trở lên.
 
Giao cho các trường tự quyết
 
Tán thành bỏ điểm sàn, một lãnh đạo Trường ĐH FPT cho rằng: "Không có lý do gì lại không tin tưởng giao cho họ tự quyết trong một yếu tố không phải là quan trọng nhất như tuyển sinh đầu vào".
 
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng, thể thức tuyển sinh đại học cần phải thay đổi vì 12 năm thực hiện “3 chung” mà kỳ thi chưa áp dụng được công nghệ đánh giá hiện đại như Nghị quyết 14 nêu ra. Nếu sử dụng công nghệ đánh giá hiện đại, ngoài việc đo lượng chính xác hơn năng lực thí sinh, còn có thể điều khiển sự phân bố phổ điểm thi sao cho từng tầng đại học có thể tuyển sinh theo yêu cầu của mình. Cách tuyển sinh cũng cần đa dạng, có những hệ thống mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra như hệ thống đại học mở, nhằm tạo cơ hội cho mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông nếu muốn đều có thể học đại học.
 
Tiến sĩ Ngô Tự Lập - ĐH Quốc gia Hà Nội kiến nghị: "Bộ GD-ĐT nên kiểm soát chất lượng thông qua các quy định về chương trình, tài liệu, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường, thay vì kiểm soát đầu vào thông qua kỳ thi đại học đại trà và điểm sàn như hiện nay. Nói cách khác, nên cho phép các trường tự tuyển sinh, áp dụng chế độ thu phí cạnh tranh và chịu trách nhiệm về chất lượng trước nhà nước và xã hội".

Hồng Hạnh