Giáo sư Trần Thanh Vân trăn trở về “trải thảm đỏ” đón nhân tài

Việc thu hút nhân tài không chỉ dừng lại ở lương bổng, chế độ đãi ngộ nữa mà là môi trường làm việc để họ có thể phát huy trí tuệ, tài năng.

Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Trần Thanh Vân- Việt kiều đang sinh sống, làm việc tại là Pháp và là một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế về chuyên ngành Vật lý vừa từ nước ngoài trở về Việt Nam để tham gia một số hoạt động khoa học và tư vấn về giáo dục.

Dù rất bận rộn với công tác nghiên cứu khoa học nhưng GS.TS Trần Thanh Vân luôn hướng về quê hương bằng nhiều hoạt động như: kêu gọi các tài năng, trí thức trẻ đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của nước nhà; kêu gọi các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới hợp tác với Việt Nam; tham gia chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam...

GS.TS Trần Thanh Vân
GS.TS Trần Thanh Vân.
 
GS.TS Trần Thanh Vân cho biết, lần này trở về nước, hoạt động chính của ông là tham gia tư vấn cho Dự án Tổ hợp “Không gian Khoa học” ở Bình Định. Đây là một dự án rất có ý nghĩa, phục vụ thanh thiếu niên tỉnh Bình Định và nhiều tỉnh, thành trong cả nước nâng cao tinh thần học tập, say mê nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, ông và GS Ngô Bảo Châu cùng nhiều nhà khoa học khác cũng tham gia tư vấn cho Dự án “Đô thị khoa học” tại Bình Định. Hoạt động này cũng mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy kinh tế đất nước trên nhiều lĩnh vực như: Tài chính, kinh tế, ngân hàng, công nghệ thông tin...

Ngoài ra, ông cũng tham gia các hoạt động hỗ trợ đào tạo học sinh dự bị đại học ở Pháp; trao đổi với tỉnh Bình Định về việc mời những nhà khoa học nổi tiếng đến Việt Nam. Nhân dịp này, ông cũng tham gia các hoạt động của Bộ GD-ĐT triển khai chương trình “bàn tay nặn bột” áp dụng rộng rãi cho các trường Tiểu học cũng như trao học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi và một số hoạt động nhân đạo khác...

Nhân dịp đầu Xuân Ất Mùi 2015, GS.TS Trần Thanh Vân trở về nước tham dự các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn ông xung quanh một số vấn đề về thu hút nhân tài và định hướng phát triển đại học ở Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng giáo dục

PV: Là người “bắc cầu” nối những tri thức, tài năng trẻ Việt Nam từ nước ngoài trở về quê hương, ông nhìn nhận như thế nào khi hiện nay, có nhiều bạn trẻ lại quyết định chọn sang nước ngoài để học tập và làm việc?

GS.TS Trần Thanh Vân: Tình trạng ngày càng nhiều bạn trẻ chọn phương án ra nước ngoài học tập là họ chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng giáo dục ở trong nước, đặc biệt là giáo dục đại học.

Trong quá trình học tập ở các nước có nền giáo dục tiến tiến hoặc phát triển, các bạn trẻ được tiếp thu những kiến thức tinh hoa nhất của nhân loại và được nghiên cứu trong môi trường khoa học có đầy đủ các thiết bị công nghệ hiện đại để họ phát triển niềm đam mê trinh phục những tri thức của nhân loại.

Việt Nam vẫn là một nước nghèo mà có tới hơn 400 trường đại học, cao đẳng. Mỗi trường có tới 5.000 học sinh nhưng lại không đủ giảng viên có trình độ cao là giáo sư, phó giáo sư.

Sau khi tốt nghiệp đại học, đa phần các tài năng trẻ chọn ở lại nước ngoài để tiếp tục học tập lên cao hơn hoặc thử trải nghiệm làm việc trong môi trường cạnh tranh nhưng lại hấp dẫn và cũng tạo cho họ sự độc lập, tự chủ có thể đi đến và làm việc ở bất cứ nơi đâu.

PV: Để “trải thảm đỏ” mời các nhân tài trở về nước, Việt Nam đã có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, số lượng người giỏi trở về quê hương vẫn còn rất khiêm tốn. Nếu tình trạng này kéo dài thì chẳng mấy chốc chúng ta chúng ta sẽ trở thành nước “xuất khẩu” nhân tài và đây là sự lãng phí rất lớn đối với đất nước. Vậy GS có giải pháp đột phá nào để giải quyết thực trạng này?

GS.TS Trần Thanh Vân: Nhiều bạn trẻ Việt Nam có năng lực đang học tập, làm việc tại nước ngoài đều được Chính phủ các nước cũng như các tổ chức, trường học tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt từ đời sống đến điều kiện làm việc, hưởng lương bổng. Không phải là họ không muốn quay trở về quê hương đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài của nước ta còn chưa hấp dẫn, chưa tạo động lực để các bạn trẻ trở về nước.

Hiện nay, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã giới thiệu một số tài năng trẻ, nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài về giảng dạy tại một số trường đại học trong nước. Để nâng cao cuộc sống và có thêm thu nhập cho các bạn trẻ, nhiều trường đã chấp nhận để các bạn tham gia giảng dạy thêm. Tuy nhiên, nếu tham gia vào việc dạy thêm quá nhiều, các em sẽ không có thời gian dành cho nghiên cứu khoa học. Nếu thực trạng này kéo dài thì Việt Nam sẽ “rơi rụng” và “chảy máu chất xám” quá lớn.

Câu chuyện về thu hút nhân tài không chỉ dừng lại ở việc để họ có được những vật chất, lương bổng “đủ sống” nữa mà là ở môi trường làm việc để họ có thể phát huy trí tuệ, tài năng...

Vì vậy, đến lúc nước ta cần có chính sách thật đặc biệt để kêu gọi, thu hút những tài năng trẻ trở về quê hương. Đó là cần có cơ chế để họ đủ để sống và có thể tập trung phát huy sự sáng tạo, say mê trong nghiên cứu khoa học.

Nên đình chỉ và chuyển đổi những trường đại học không đạt chuẩn

PV: Như GS đã đề cập thì chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam còn có một số bất cập. Theo GS, bất cập chính là ở chỗ nào và chúng ta cần phải làm gì để đổi mới bậc học này?

GS Trần Thanh Vân: Pháp là một nước có nền kinh tế và giáo dục khá phát triển nhưng số lượng các trường đại học cũng chỉ có khoảng 70 trường. Trung bình mỗi năm, một trường đại học chỉ tuyển sinh khoảng 5 lớp, mỗi lớp có khoảng 100 sinh viên. Số lượng giáo sư có chuyên môn, trình độ cao đủ để giảng dạy tại khoảng 70 trường đại học.

Ngoài ra, nước Pháp cũng đã thành lập một số trường không phải là đại học nhưng chuyên đào tạo để trở thành kỹ sư, y tá. Những trường này hoạt động rất tốt, luôn coi quyền lợi và mục tiêu giáo dục con người lên trên hết.

Còn Việt Nam vẫn là một nước nghèo mà có tới hơn 400 trường đại học, cao đẳng. Mỗi trường có tới 5.000 học sinh nhưng lại không đủ giảng viên có trình độ cao là giáo sư, phó giáo sư.

Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao nước ta lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến như vậy. Phải chăng là có sự kinh doanh trong giáo dục hay lấy giáo dục ra để kinh doanh?

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết, Chính phủ nên chuyển một số trường đại học không đủ điều kiện là trường đại học thành trường dạy nghề hoặc loại bỏ những trường không đảm bảo chất lượng đào tạo. Chúng ta chỉ để lại những trường có đủ năng lực đào tạo, điều kiện giảng dạy. Có như vậy, tấm bằng đại học mới có giá trị và được xã hội coi trọng, công nhận theo đúng nghĩa của nó.

GS.TS Trần Thanh Vân là người gốc Quảng Bình. Năm 1953, khi mới 17 tuổi, ông qua Pháp học. Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Paris với 2 bằng cử nhân Vật lý và Toán học. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản năm 1963.

Sau đó, GS. TS Trần Thanh Vân tham gia giảng dạy tại Đại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự.

Năm 2011, GS Trần Thanh Vân nhận được huy chương AIP Tate dành cho nhà lãnh đạo Quốc tế trong lĩnh vực vật lý, ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng này. Huy chương AIP Tate của Viện Vật lý Mỹ được thành lập từ năm 1959, ghi nhận đóng góp của các nhà Vật lý nước ngoài cho cộng đồng vật lý thế giới.

GS. TS Vân đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về Vật lý mang tên ông.

 

Theo Bích Lan

VOV News