Giáo sư nhận xét về Giáo sư

(Dân trí) - Thật không gì cảm động bằng tình cảm của những vị Giáo sư (GS) già khi nhớ về nhau và nói về nhau, nhất là khi họ khó còn cơ hội để gặp lại nhau. Tình cảm của GS Nguyễn Đình Trí và GS Bùi Trọng Liễu cũng vậy...

GS Nguyễn Đình Trí nguyên là giảng viên cao cấp trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông vừa nghỉ hưu hồi tháng 1 năm 2008. Công việc hiện tại của ông là nhận dạy một số giáo trình cho lớp kỹ sư tài năng và lớp cao học toán của trường.

Khi biết Dân trí ngỏ lời muốn ông nhận xét về những cuốn sách mà GS Bùi Trọng Liễu đã viết và gần đây công bố trên mạng http://www.buitronglieu.net. đang gây được sự chú ý của nhiều nhà khoa học, giáo dục trong nước, GS Nguyễn Đình Trí đã nhận lời ngay và ông cho biết, những cuốn sách đó chính là những tâm nguyện tha thiết của một người con xa xứ đã lâu, nay vì sức khỏe không thể cho phép để trở về quê hương mà chỉ biết gửi lòng qua từng trang sách.

“Không phải ngẫu nhiên khi tôi và anh Liễu cùng tham gia Kiến nghị Chấn hưng giáo dục”

Là một đồng nghiệp, lại là người quen biết lâu năm Bùi Trọng Liễu, xin GS cho biết suy nghĩ của GS về nội dung chính của mấy cuốn sách của Bùi Trọng Liễu trên mạng http://www.buitronglieu.net?

3 cuốn sách trong chùm sách của GS Liễu mang chữ "Học" : "Chung quanh việc Học", “Học gần, Học xa” , "Học Một Sàng Khôn, chứng tỏ quan tâm hàng đầu của tác giả là vấn đề giáo dục đào tạo. Ngay cả một phần hai cuốn sách còn lại "Tự sự của người xa quê hương”, và cuốn sách bỏ ngỏ "Hướng về quê cũ lúc chiều tà” cũng đề cập đến các vấn đề giáo dục, đào tạo, khoa học và văn hóa (trong đó có những điều trần kiến nghị trên các lĩnh vực này của tác giả trong mấy chục năm qua, ở cương vị một giáo sư đại học Paris: cách tổ chức đại học, giáo dục công và tư, vấn đề nhà giáo, nghiên cứu khoa học, học vị tiến sĩ...).

Tôi đồng tình với nhiều kiến nghị của anh Liễu. Có thể nói rằng các vấn đề này đã được đề cập rất sớm, trước và đầu thời đổi mới. Tôi có thể nêu thí dụ trường hợp đại học “dân lập” đầu tiên, Trung tâm đại học dân lập Thăng Long, mà tôi và 4 đồng nghiệp đứng tên xin chính quyền cho thành lập năm 1988 là do sự gợi ý của GS Liễu. Không phải là một sự ngẫu nhiên khi tôi và anh Liễu đã cùng tham gia vào bản Kiến nghị “Chấn hưng giáo dục” của 24 trí thức gửi lên Trung ương năm 2004.

Trong khoảng mấy chục năm vừa qua, nước nhà đầy biến cố, đặc biệt là trải qua một cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất kéo dài ba mươi năm. Trong cuộc đấu tranh đầy xương máu này, không phải chỉ những “thành phần cơ bản” công, nông mới có đóng góp (tuy đã đóng góp rất nhiều và chịu gánh rất nặng), mà cũng có cả sự góp phần mặt này mặt khác của mọi gia đình thuộc các thành phần khác của xã hội.

Để rồi mọi gia đình người Việt Nam, trong đó có gia đình tôi, dù con đường đi có quanh co thế nào đi nữa, rốt cục cũng hướng chung về hướng đi của dân tộc. Cho nên, cũng như nhiều người khác, tôi không muốn những điều đó bị “xoá sổ” trong “trí nhớ tập thể”, và phải cố gắng viết ra, nhưng đặt chúng vào khuôn khổ của lịch sử.”

Lời mở đầu của GS Bùi Trọng Liễu cho cuốn sách “Tự sự của người xa quê Hương”

GS nghĩ gì về ý của GS Bùi Trọng Liễu là, vào thời hội nhập toàn cầu hóa và mở cửa làm ăn với thiên hạ, sự thông thạo về ngoại ngữ là cần thiết nhưng chưa đủ ; chúng ta còn cần phải hiểu biết người nước ngoài qua các nền văn minh, văn hóa, phong tục, tập quán, kinh nghiệm của họ?

Là người nhiều năm phụ trách hợp tác quốc tế với các trường đại học, đặc biệt là của các nước sử dụng Pháp ngữ trên thế giới, trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị- Viện Tin học Pháp ngữ, tại Hà Nội (IFI), tôi đồng cảm với nhận xét của anh Liễu . Cũng như tôi nghĩ rằng đề nghị của anh Liễu về việc ta nên rút kinh nghiệm của Pháp là hoàn toàn có cơ sở.

Thí dụ như mấy ai thực sự hiểu cách tổ chức hai hệ thống giáo dục đại học của Pháp (Universités và Grandes Ecoles), mấy ai thực sự hiểu cái hay và cái dở của bằng tú tài Pháp tồn tại từ 200 năm nay trong vấn đề gộp 2 kỳ thi làm 1: kết thúc trung học phổ thông và vào học đại học)? - không phải là để cóp nguyên xi mô hình của họ, mà là để thấy cái hay thì áp dụng cho mình, thấy cái dở thì mình biết tránh.

Đã từng làm việc trong một năm tại Pháp (1977-1978) và đã trong nhiều năm phụ trách hợp tác giữa Đại học Bách Khoa Hà Nội với một số Đại học Pháp, trong đó có Đại học Bách khoa Grenoble (INPG), trong chương trình đào tạo tiến sĩ và kỹ sư, tôi thông cảm với anh Liễu khi anh nhắc nhở quan hệ lâu đời giữa nền giáo dục của Pháp và nền giáo dục của ta do lịch sử để lại.

Tôi cũng thông cảm với anh Liễu khi anh nhận xét sự “tương tự” giữa bối cảnh của ta và bối cảnh của Pháp, một nước tư bản nhưng có một chính quyền tập trung, với một Nhà nước đặc biệt quan tâm đến một nền giáo dục vừa bảo đảm tinh hoa, vừa quan tâm đến tính đại chúng, cố bảo đảm được sự công bằng và sự tự do học hỏi của toàn dân. Nhưng anh Liễu không chỉ đề cập đến vấn đề của Pháp mà còn dẫn trường hợp của nơi khác.

Lý luận ngắn gọn giản dị ngay cả khi đề cập các đề tài thuộc lĩnh vực Hàn lâm

Như GS đã biết, mấy cuốn sách của Bùi Trọng Liễu không chỉ đề cập đến Giáo dục đào tạo, Khoa học, mà còn các vấn đề khác nữa. Vậy khi đề cập đến những vấn đề khác như vậy, GS có nhận xét gì về cách đề cập và khai thác vấn đề của GS Liễu?

Đúng vậy, các cuốn sách của Bùi Trọng Liễu còn là một chuỗi chuyện kể, như những lời chứng về một thời đại đầy sóng gió, thăng trầm, của đất nước ta. Tuy định cư ở nước ngoài, nhưng do quan hệ cá nhân của anh, và vì những thông tin anh có được, nên những lời chứng nói trên có thể được coi như là đáng tin cậy.

Cách kể chuyện của anh cũng rất đặc biệt: khi kể về một số nhân sĩ, hay ngay cả khi kể những chuyện về gia đình, thật ra anh cũng chỉ kể những sự việc gắn liền với thời sự ngoài xã hội để làm sáng tỏ thêm vấn đề, chứ rốt cục không có chuyện hoàn toàn riêng tư.

Một số thông tin trong nội dung các cuốn sách không có trong “chính sử”, vì vậy mà phần nào chúng cũng góp phần soi sáng thêm một thời đã qua; đặc biệt là người đọc nên chú ý đến những chú thích , chúng góp phần mang lại những thông tin “thú vị” cho những ai tò mò muốn hiểu thêm . Những điều này, độc giả có thể tìm thấy trong cuốn "Tự sự của người xa quê hương”, và cuốn sách “bỏ ngỏ” "Hướng về quê cũ lúc chiều tà ", mà ngay cả trong mấy cuốn sách kia nữa.

GS có ý kiến gì về thể loại và cách hành văn của Bùi Trọng Liễu khi viết mấy cuốn sách này ?

Các nhà xuất bản ở ta, và vài nhà phê bình văn học, thường xếp loại các cuốn sách theo những thể loại qui định. Nhưng có một thể loại, hình như ở ta chưa quen biết mấy, trong khi loại này phổ biến ở nước ngoài, đôi khi rất được tán thưởng. Tiếng Pháp là Miscellanées, anh Liễu dùng tiếng Việt là “tạp ký”, nghĩa là loại sách tập hợp nhiều bài viết không hẳn cùng một "hướng" đề tài . Nó không hẳn là "tạp văn". Loại sách này người chưa biết thì ngần ngại vì không biết nó là gì, còn người đã đọc biết nó là gì, thì lại có vẻ ưa thích.

Các cuốn sáchcủa anh Liễu, có đặc điểm vừa là sách biên khảo, có tài liệu về sử, về nền văn hóa một số nước... vừa xen lẫn với những bài luận bàn về giáo dục, những hồi ức, những chuyện về học về dạy...

Về cách hành văn, anh Liễu là một nhà khoa học, nhưng lại dùng lời và lý luận ngắn gọn giản dị ngay cả khi đề cập các đề tài thuộc lĩnh vực Hàn lâm, để ai ai cũng dễ tiếp thu, không cần phải là người trong nghề; đồng thời các cuốn sách của Bùi Trọng Liễu cũng bổ ích cho các chuyện gia khi họ muốn tìm hiểu sâu một số vấn đề, vì tác giả có dẫn chứng.

Không phải là nhà văn, nhưng tác giả biết dùng những điển tích Đông và Tây, mang tính ngụ ngôn, hợp với đại chúng, hợp với mọi độ tuổi, để độc giả có thể đọc như những cuốn truyện giải trí lúc thư nhàn. Khi viết, tác giả lại tránh được việc dùng các từ “cực cấp” mà thường chỉ gợi ý cho người đọc tự đánh giá, chứ khen chê không hề quá đáng. Đó cũng là một đặc điểm của các cuốn sách kể trên.

Sách đã đưa lên mạng, không mất tiền mua, độc giả chỉ mở đọc, sẽ có được những chuyến “nhàn du”.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Mai Minh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm