Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngô Thúc Lanh qua đời ở tuổi 97

(Dân trí) - Do tuổi cao, sức yếu, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngô Thúc Lanh qua đời sáng ngày 26/3/2019, tức ngày 21/2 năm Kỷ Hợi, hưởng thọ 97 tuổi. Ông chính là người viết cuốn sách Đại số đầu tiên ở Việt Nam.

Lễ viếng GS. NGND. Ngô Thúc Lanh được cử hành từ 9h30 đến 10h45 ngày 28/3, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu GS Ngô Thúc Lanh được hỏa táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển; an táng tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, tỉnh Hoà Bình.
 
gs ngo-thuc-lanh.jpg

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngô Thúc Lanh (1923-2019). (Ảnh: Mathvn)

Năm 2003, diễn đàn Toán học sinh viên từng có bài viết về GS. NGND. Ngô Thúc Lanh, nhận định rằng:
 
"Từ rất nhiều năm nay, thầy là cây đại thụ, người thầy lớn của khoa Toán-Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ở tuổi 80, thầy của chúng ta, GS - NGND Ngô Thúc Lanh vẫn có những đóng góp quý báu, chỉ giáo cho các thế hệ kế tiếp. Cả cuộc đời nghiên cứu thầy đã dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Thầy từng là sinh viên trường Đại học Đông Dương. Sau cách mạng tháng Tám, thầy tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp trở thành một trong những giáo viên đầu tiên của trường trung học kháng chiến Chu Văn An. Bậc học cao nhất ở chiến khu lúc bấy giờ. Sau đó, thầy được điều động sang dạy học tại khu học xá Trung ương ở Nam Ninh Trung Quốc. Hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954) các trường đại học non trẻ của nước ta ra đời. Cùng với các giáo sư Lê Văn Thuân, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Tuy, Nguyễn Cảnh Toàn..., Giáo sư Ngô Thúc Lanh đã tham gia xây dựng chương trình, viết giáo trình và giảng dạy rất nhiều môn toán khác nhau.

Thầy đã đào tạo nhiều lớp cán bộ giảng dậy và nghiên cứu Toán học làm nòng cốt cho các trường đại học và các viện nghiên cứu ngày nay.

Năm 1956, GS Ngô Thúc Lanh và GS Nguyễn Cảnh Toàn được giao nhiệm vụ xây dựng khoa Toán trường ĐHSP Hà Nội. Mặc dù chưa một lần học tập chính quy ở nước ngoài như nhiều người khác nhưng thầy đã tự học, tự đào tạo để hoàn thành mọi nhiệm vụ dù rất nặng nề.

Những năm thầy làm chủ nhiệm khoa (1956 - 1972) là những năm đầu khoa Toán phải trải qua thời kỳ gian khổ vô cùng thiếu thốn.

Những năm tháng lao động không ngừng nghỉ dưới làn bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, nơi sơ tán, thầy luôn là tấm gương tận tuỵ vượt lên những khó khăn về cả việc công và việc gia đình. Từ đó thầy dìu dắt bao thầy cô của chúng ta trưởng thành. Thầy đã trở thành một phần sức mạnh của tập thể."
 
PV