Giáo sư Bùi Trọng Liễu và triết lý giáo dục: "Liệu cơm gắp mắm"

(Dân trí) - Xa xứ đã hơn nửa thế kỷ nhưng GS Toán học Bùi Trọng Liễu - Đại học Paris dường như chưa lúc nào thôi tha thiết với sự nghiệp giáo dục, khoa học của đất nước, của làng Nhuận Ốc, Ninh Bình quê ông.

Trong ông vừa có hình ảnh một trí thức thành đạt, vừa có hình ảnh của một nhà nho dang dở và dường như nét u hoài của của những ước mơ không trọn vẹn luôn phảng phất đâu đó ở "ông Nghè" Bùi.

27 năm nay, ông đã không thể trở về Việt Nam vì lý do sức khỏe, GS Bùi Trọng Liễu mở đầu cho cuộc trò chuyện cùng chúng tôi bằng những nỗi buồn man mác:

"Tôi rời nước nhà ra đi đầu năm 1950, mới hơn 15 tuổi. Thời gian sống ở nước ngoài so với thời gian sống ở Việt Nam tính ra đến nay đã gấp nhiều lần, nhưng sự gắn bó với cội rễ hầu như không dứt. Lòng mong muốn trở về thăm quê cũ vẫn âm ỉ trong lòng tôi."

Tôi còn "lải nhải" mãi đến tận bây giờ

Một hiện tượng hiếm thấy

 

"Giáo sư Bùi Trọng Liễu là một tri thức nho nhã và rất khiêm nhường. Ông rất ngại chủ động tiếp cận với các nhà lãnh đạo có chức, có quyền, song ông lại luôn luôn nhận được sự quan tâm ân cần của họ bởi ông có trí tụê và có một tấm lòng nhiệt thành với đất nước, thẳng thắn đề xuất những vấn đề có tầm cỡ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực mà ông tinh thông là khoa học và giáo dục.

 

Đóng góp ý kiến nhằm xây dựng đất nước tốt hơn thì nhiều kiều bào ta đã thực hiện được, song kiên trì góp ý kiến nhiều lần, nhiều năm như GS Liễu là một hiện tượng hiếm thấy. Bù đắp lại, một số đề xuất của ông đã được nhiều cơ quan chấp thuận và đưa vào thực hiện, nhiều thông tin chính xác về khoa học và giáo dục cũng đã được ông cung cấp kịp thời.

 

Hướng về Tổ quốc luôn là xu thế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Dù sống ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kiều bào ta cũng luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, mà GS Bùi Trọng Liễu là một tấm gương tiêu biểu".

 

Cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo

Dù tuổi cao, sức yếu, công việc bận mải nhưng cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo đã từng gọi GS Bùi Trọng Liễu là một kiều bào hiếm thấy bởi sự bền bỉ đóng góp ý kiến cho nền giáo dục nước nhà. Thưa GS, vậy "ngọn lửa" nào đã giúp cho ông có nhiệt tình và kiên nhẫn đến vậy?

Tôi nghe nói, trong sách Luận ngữ của Trung Hoa, Thiên Thái Bá, có chép hai câu của Tăng tử (Tăng Sâm), đại ý là: "Con chim sắp chết, tiếng kêu bi ai/Con người sắp chết, lời nói thành thật". Tất nhiên, tôi không tự nghĩ tôi như "người sắp chết" theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa bóng thì tôi là người không còn cầu danh vọng, chẳng có lý do để khoe khoang cho mình hay cho ai; những dịp hiếm hoi còn lại để phát biểu ý kiến thì lời phát biểu phải là lời thành thật, không che giấu.

Tôi đã phát biểu những ý kiến về giáo dục đào tạo đã từ mấy chục năm nay, ngay trước ngày hòa bình trở lại trên đất nước ta. Thoạt tiên là nói qua những lá thư hoặc lời phát biểu tới các nhà lãnh đạo ở cái thuở mà còn rất ít người có điều kiện hoặc có ý muốn làm việc này ; tiếp theo là những kiến nghị trên báo, trên sách và phương tiện truyền thông khác khi thời thế đã cho phép, và tôi còn "lải nhải" nói đi nói lại mãi đến tận hôm nay.

Và điều gì khiến GS phải "lải nhải" trong suốt hàng chục năm qua?

Vì tôi luôn mong muốn có một nền giáo dục "hay" cho một xã hội "bình thường" - "bình thường" không phải là "tầm thường" mà nghĩa là "lành mạnh" - là giáo dục được những con người "bình thường" thành những công dân "bình thường", đào tạo họ thành những con người "biết việc - thạo việc", đảm nhiệm tốt những công việc "bình thường".

Trong một xã hội bình thường như vậy, bằng cấp đánh giá đúng được trình độ hiểu biết, chức danh phù hợp với nhiệm vụ, luật pháp cho phép và bảo đảm cho những người làm ăn lương thiện phát huy được tài năng của họ và nhân tài từ đó mà có... Còn nếu ngược lại, đó là một nền giáo dục, đào tạo "dở", một nền giáo dục, đào tạo chỉ nhắm khuyến khích con người nuôi dưỡng ý tưởng trở thành những danh nhân bản xứ, danh nhân sở tại...

Tôi thiết tưởng ngày nay, đất nước không thể thịnh vượng hơn nếu chỉ cứ nhắm tăng số anh hùng được bầu, tăng các kỳ thi đua... Nếu qui định rằng đang ở chức vụ này thì phải có bằng cấp kia thì đó là một sai lầm. Vì không ít người sẽ dùng mọi biện pháp, kể cả bất chính, để có được mảnh bằng để rồi tranh giành nhau những địa vị xã hội, để ăn trên, ngồi trốc!

Mà khi đã có những nhận xét về tình hình rồi mà không đề nghị các biện pháp thì e rằng chỉ hoàn toàn là phiếm luận. Vì thế nên một câu hỏi đáng được chú ý là: Trong một xã hội đã "trót không bình thường" như ở ta, thì giải pháp cấp bách phải là gì? Thế là tôi phải lải nhải!

"Tôi rất hãi những mục tiêu hoành tráng!"

GS đã phải "lải nhải" điều gì?

Tình hình ngành GD&ĐT của nước ta hiện tại rất phức tạp, không đồng đều và đôi khi tự phát nên một cuộc chấn hưng "toàn bộ" tất khó thực hiện được. Do đó trước mắt, xin nhắc lại một trong những kiến nghị của tôi trong thời gian qua là lập ra một vài cơ sở đại học công lập hoàn toàn mới, cỡ nhỏ, đa khoa, không cần đủ các ngành, nhưng đủ các cấp kể cả cấp đào tạo qua nghiên cứu (tiến sĩ), có sức quản lý cho tốt để làm gương.

Đồng thời cứ để cho các đại học khác tiếp tục tồn tại, dù là công lập, dân lập hay tư lập, kệ họ phát triển tốt, hoặc lay lắt, hoặc biến đi, miễn là đừng đi lệch hướng. Đây chính là cách tiến hành cuộc chấn hưng có hiệu quả, mà không làm cho các thành phần liên quan bị "hãi". Theo tôi, đó là con đường nhanh nhất, rẻ nhất, thực tế nhất, dẫn tới chấn hưng nền GD&ĐT của đất nước.

Ngày nay, nền kinh tế của nước ta là kinh tế thị trường (dù có định hướng) trong một khung cảnh toàn cầu hóa, giáo dục, đào tạo cần phù hợp với những mục tiêu "cao cả" đặt ra cho toàn xã hội. Nhưng tôi rất hãi mục tiêu đồ sộ, nhắm thành tích hoàng tráng, mà rồi hóa ra đầu voi đuôi chuột. Thà cứ khiêm tốn, liệu cơm mà gắp mắm có khi rốt cục cũng chẳng thua kém thiên hạ nhiều lắm!

Thời gian gần đây, ngành GD- ĐT đã có những bước chuyển biến rất cơ bản dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Là một nhà khoa học đang sống và làm việc ở nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về người đứng đầu của ngành GD- ĐT hiện nay?

Theo tôi biết thì ít có ai năng nổ tận tụy như ông Bộ trưởng GD-ĐT hiện nay. Ông đã liên tiếp có mặt ở nhiều địa bàn để giải quyết những việc cấp bách, khen thưởng, úy lạo. Với một nhịp độ làm việc như vậy, dù là "mình đồng da sắt", tôi không biết ông sẽ chịu đựng được bao lâu ở vị thế vừa là tư lệnh vừa là lính xung kích như thế. Vì vậy, tôi thiết tha mong các cấp lãnh đạo cao hơn ông, dư luận cả nước và các phương tiện truyền thông, hỗ trợ ông để ông có thể thực hiện được nhiệm vụ của người tư lệnh trong ngành GD- ĐT, bởi vì các vấn đề tầm cỡ vĩ mô, chiến lược, cũng cần rất nhiều thì giờ tập trung suy nghĩ trước khi được đưa ra giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn GS.

Nguyễn Lương Phán (thực hiện)

Giáo sư Bùi Trọng Liễu và triết lý giáo dục: "Liệu cơm gắp mắm" - 1

"Tự sự của người xa quê hương" là tên mới cuốn "Chuyện gia đình và ngoài đời", do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2004.

 

Cũng năm 2004, NXB Thanh niên xuất bản "Chung quanh việc Học". Năm 2005, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản "Học gần - Học xa". Chỉ một năm sau, 2006 Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Tổng hợp TP. HCM tái bản "Chung quanh việc học" vào cùng "Học gần, Học xa". Năm 2007, NXB Tri thức Hà Nội lại xuất bản tiếp "Học một sàng khôn".

 

Riêng cuốn sách thứ 5, được xuất bản trên mạng, là một "tạp ký bỏ ngỏ" dưới nhan đề "Hướng về quê cũ lúc chiều tà". "Bốn cuốn sách đầu đã xuất bản trong nước. Cuốn sách này, tôi có ý định giữ nó là một cuốn "sách mở", không in ra giấy và liên tục cập nhật tại địa chỉ: buitronglieu.net. Lý do là vì tôi đã nhiều tuổi, sức khỏe lại giảm sút, biết còn được bao lâu?".

Các câu chuyện của ông luôn xoay quanh sự học, học từ lúc mới là một "cậu bé nhà quê" đến khi trở thành giáo sư đại học. Nhuận bút bài viết, ông gửi lại cho một nhà giáo đã về hưu ở Hà Nội để làm Quỹ khuyến học cho trẻ em ở vùng núi A Lưới (Thừa Thiên).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm