Giáo sư Anh “mách” bí quyết tạo hồ sơ nghệ thuật ấn tượng để du học

(Dân trí) - Portfolio (hồ sơ nghệ thuật) giữ vai trò quyết định đối với việc xin học bổng các ngành thiết kế, kiến trúc, nghệ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh… Không ít bạn bị từ chối, chỉ vì không biết cách tạo một portfolio đủ ấn tượng mặc dù có kiến thức tốt.

Không ngừng tìm cảm hứng và thể hiện một cách khoa học


Giáo sư Douglas MacLennan - Nguyên Giám đốc các chương trình hợp tác quốc tế - Trường Đại học Northumbria (Anh)

Giáo sư Douglas MacLennan - Nguyên Giám đốc các chương trình hợp tác quốc tế - Trường Đại học Northumbria (Anh)

Nhiều băn khoăn của những bạn trẻ yêu thích các ngành nghệ thuật được Giáo sư Anh Quốc danh tiếng Douglas MacLennan, Nguyên Giám đốc các chương trình hợp tác quốc tế - Trường Đại học Northumbria (Anh) giải đáp trong Hội thảo “Bí quyết tạo hồ sơ nghệ thuật hấp dẫn” do Học viện thời trang London (LCDF) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Ở Việt Nam, khi học xong cấp 3, bạn trẻ muốn nhập học vào các ngành nghệ thuật ở bậc đại học sẽ tham gia một kỳ thi. Tuy nhiên, nếu muốn du học ở các nước châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, ứng viên bắt buộc phải có Portfolio (hay còn gọi là hồ sơ nghệ thuật).

Điều đáng nói, hội đồng tuyển sinh chắc chắn sẽ không chấp nhận một portfolio làm ra trong 1 tuần hay 1 tháng. Đó phải là hồ sơ được tạo lập có quá trình chứ không phải “ngày một, ngày hai”.

Không ít bạn trẻ Việt bở lỡ giấc mơ du học nghệ thuật ở trời Tây vì không có portfolio (hồ sơ nghệ thuật) sẵn sàng cho việc ứng tuyển vào các đại học quốc tế sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Giáo sư Douglas MacLennan nhấn mạnh: “Portfolio chính là tấm vé giúp bạn được chọn vào trường đại học nghệ thuật mong muốn, điều này cũng đúng với các bạn muốn xin việc trong ngành nghệ thuật”.

Ông lưu ý, việc tìm hiểu sớm về ngành học, khóa học và yêu cầu của trường đại học mơ ước sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị sớm và phù hợp nhất. Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra phần này bằng cách xem thông tin phần “điều kiện đầu vào” trên trang web của trường. Kiểm tra số lượng portfolio cần gửi, loại file bạn có thể gửi, kích thước, và thời hạn nộp hồ sơ.

Hình thức trình bày bài portfolio rất quan trọng. Mục đích của portfolio là để giáo viên thấy được ý tưởng, phong cách mỹ thuật, kỹ năng và khả năng tiềm ẩn của bạn, bạn hứng thú với điều gì, mức độ am hiểu nghệ thuật đến đâu.

Giáo sư Douglas MacLennan lưu ý, các sinh viên theo đuổi ngành thiết kế muốn nộp hồ sơ đến nước nào thì nên tìm hiểu lịch sử nghệ thuật/ các tên tuổi “gạo cội” trong ngành nghệ thuật nước đó để có thể vượt qua tốt nhất phần phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh.

“Và dù là nơi lưu giữ lại cảm hứng và các tác phẩm của chính bản nhưng việc đưa chi tiết vào hồ sơ nghệ thuật phải chọn lọc, có sự tập trung, thống nhất và không tràn lan”, ông khẳng định.

Phần dẫn dắt vào tác phẩm cũng vô cùng quan trọng khi chuẩn bị trình bày portfolio của bạn. Cách bạn trình bày khác nhau sẽ dẫn đến cách người xem đọc và hiểu tác phẩm khác nhau. Hãy trình bày sao cho dễ hiểu nhất.

Hồ sơ của bạn phải rõ ràng, dễ hiểu, có diễn giải, có tài liệu tham khảo, chú thích là bản mẫu hay bản gốc, ngày thiết kế và những chú thích khác. Chẳng hạn, bạn bỏ thêm thông tin về thời gian từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành tác phẩm bên góc trái. Điều này cho thấy bạn có sự hiểu rõ về những gì bạn đang làm và khả năng lưu giữ thông số về tiến trình phát triển tác phẩm.

Hội đồng tuyển sinh đánh giá một quá trình nhưng tác phẩm nghệ thuật gần nhất của bạn được xem xét đặc biệt. Bởi lẽ, giáo viên muốn nhìn thấy ý tưởng, sự thực tập, phương pháp và chủ đề hiện tại bạn đang quan tâm. Nếu bạn nộp nhiều tác phẩm một lúc, không nhất thiết phải theo một trật tự nhất định, nhưng nên bắt đầu bằng tác phẩm bạn tự tin nhất. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng!


Để có hồ nghệ thuật ấn tượng, bạn phải thực sự lao động và tìm cảm hứng không ngừng từ cuộc sống.

Để có hồ nghệ thuật ấn tượng, bạn phải thực sự lao động và tìm cảm hứng không ngừng từ cuộc sống.

Ứng viên cũng nên cho người đọc hồ sơ nghệ thuật biết bạn có gì, chưa có gì và sẽ làm được gì. Điều đó tất nhiên không thể nói suông mà phải có dẫn chứng về hình ảnh thiết kế, ý tưởng từ trước đến nay.

Và để có một hồ sơ nghệ thuật ấn tượng, bạn trẻ phải lao động không ngừng nghỉ. Đi du lịch vẫn sẵn sàng sổ, bút, máy ảnh để ghi lại cảm hứng bất chợt đến. Lao động nghệ thuật là lao động không bó buộc thời gian.

Đam mê – bí quyết tạo ấn tượng từ trái tim đến trái tim

Bà Hà Thị Hằng, Giám đốc điều hành Học viện Thiết kế và Thời trang London (LCDF) nhấn mạnh, hồ sơ nghệ thuật gây ấn tượng là hồ sơ thể hiện được niềm đam mê cháy bỏng của bạn đối với ngành nghệ thuật mình muốn theo đuổi.

Theo bà Hằng, portfolio (hồ sơ nghệ thuật) thực ra là tất cả những khả năng của một thí sinh về thiết kế để cho hội đồng tuyển sinh/ người tuyển dụng hiểu tốt nhất về thí sinh, những kỹ năng mà thí sinh có. Và để chuẩn bị cho một hồ sơ nghệ thuật tốt thì đầu tiên các bạn cần thể hiện những kỹ năng về nghệ thuật, không chỉ chỉ là kỹ năng vẽ.


Bà Hà Thị Hằng, Giám đốc LCDF chia sẻ trong buổi hội thảo

Bà Hà Thị Hằng, Giám đốc LCDF chia sẻ trong buổi hội thảo

“Nếu các bạn yêu thích thiết kế nội thất thì các bạn đã thiết kế ngôi nhà nào rồi? Nếu các bạn cho rằng mình thích thiết kế thời trang thì đã bao giờ các bạn làm cái gì đó về thời trang chưa? Thời phổ thông các bạn đã từng tham gia một dự án nào có thể hiện rằng bạn thực sự thích lĩnh vực này chưa?”… Đó là những câu hỏi quan trọng đối với một bạn trẻ muốn theo đuổi nghệ thuật.

Đam mê song hành với kỹ năng sẽ giúp bạn trẻ tạo ấn tượng. Bà Hằng lưu ý, nên thể hiện hơn một đề án trong portfolio.

Vậy bao nhiêu thời gian là đủ để chuẩn bị một portfolio?

“Thí sinh cần chuẩn bị hồ sơ này ít nhất sáu tháng trở lên để thể hiện nghệ thuật không phải sở thích nhất thời mà có một quá trình. Có thể hiện khoảng 3 đề án chính các bạn thực hiện để nhà tuyển sinh các trường có thể hiểu khả năng tư duy của các bạn thế nào, các bạn mắc lỗi ở đâu và người ta sẽ tiếp tục phát triển khả năng của bạn ra sao...”, bà Hằng chia sẻ.

Hồ sơ nghệ thuật hiểu đơn giản chính là phương thức giao tiếp chính trong ngành nghệ thuật. Nếu có khả năng và đam mê thực sự, chắc chắn bạn sẽ chinh phục được ngôi trường đại học mơ ước.

Lệ Thu (ghi)